04/01/2020 09:32 GMT+7

'Giết chết Soleimani chẳng khác nào ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ'

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Bà Hillary Mann Leverett - cựu thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ - nhận định với kênh truyền hình Al Jazeera: "Giết chết Soleimani chẳng khác nào ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ".

Giết chết Soleimani chẳng khác nào ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Ảnh 1.

Biểu tình lên án Mỹ ở Tehran (Iran) ngày 3-1-2020 sau cái chết của tướng Soleimani - Ảnh: AFP

Cú sốc lan ra toàn khu vực Trung Đông sau cái chết của tướng Qasem Soleimani có thể dẫn đến phản ứng khó lường. Đến nay chưa ai dám tấn công một nhân vật cao cấp của Iran như vậy.

Tướng Qasem Soleimani, 62 tuổi - mục tiêu không kích của quân đội Mỹ ở Baghdad (Iraq) hôm 3 -1-2020, không chỉ là chỉ huy cấp tướng mà còn là nhà kiến tạo chiến lược khu vực của Iran và một nhân vật rất nổi tiếng ở Iran. 

Người thân cận với lãnh tụ tối cao Iran

Báo Ha’Aretz (Israel) tóm tắt: "Từ công nhân xây dựng, Soleimani nhanh chóng vươn lên trong hàng ngũ Vệ binh cách mạng… Soleimani được coi là một trong những người thân cận nhất của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei".

Sau những năm chính sách của Tổng thống Bush bị phá sản ở Iraq, kiến trúc sư giúp Iran mở rộng ảnh hưởng ra toàn khu vực không ai khác chính là Soleimani. Soleimani là nhân vật then chốt định hình chiến lược khu vực của Iran.  

Giết chết Soleimani chẳng khác nào ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Ảnh 2.

Tướng Qasem Soleimani, 62 tuổi, nhà kiến tạo chiến lược khu vực của Iran - Ảnh: themoscowtimes.com

Soleimani giữ vai trò tăng cường sức mạnh ngoại giao của Tehran, đặc biệt ở Iraq và Syria, hai quốc gia có quân đội Mỹ tham chiến. 

Ông chịu trách nhiệm về các vấn đề Iraq trong lực lượng Vệ binh cách mạng và giữ vai trò chính trong các cuộc đàm phán chính trị từ năm 2018 nhằm thành lập chính phủ ở Iraq. 

Ông tăng cường sức mạnh cho lực lượng Hezbollah tại Lebanon, nơi ông hoạt động năng nổ suốt cuộc chiến giữa quân đội Israel với Hezbollah năm 2006. 

Ngoài ra còn phải kể đến vai trò của Soleimani đối với phong trào Hamas ở Palestine, lực lượng dân quân ở Yemen và nhất là các tổ chức vũ trang bảo vệ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.

Chuyên gia Andrew Exum - nguyên phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách Trung Đông - nhận xét trên báo The Atlantic (Mỹ): "Tôi chưa từng biết người Iran duy nhất nào cần thiết để Chính phủ Iran thực hiện tham vọng ở Trung Đông hơn Soleimani".

Năm 2013, báo The New Yorker (Mỹ) đã vẽ bức chân dung đặc biệt về Soleimani. Đó là một người đàn ông có quyền lực tự nhiên tương tự bố già của mafia, người mà lời nói, cử chỉ và thậm chí cả thái độ im lặng cũng lan truyền quyền lực và gieo rắc sợ hãi. 

Cái chết của tướng Soleimani có nguy cơ kích hoạt các hoạt động trả thù ngoài vòng kiểm soát.

Chuyên gia Pháp Bernard Hourcade

Các quan chức tình báo của các cường quốc đều biết để gửi thông điệp đến Tehran ắt phải qua Soleimani. Chính vì vậy, cái chết của tướng Soleimani là sự kiện lớn cho toàn khu vực. 

Hành động can thiệp thứ hai của Mỹ

Theo quan điểm của Mỹ, các mối đe dọa chống lại nhân viên ngoại giao Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad do Iran đạo diễn là một casus belli (biến cố khơi mào chiến tranh). 

Ký ức năm 1979 về vụ Đại sứ quán Mỹ ở Tehran bị bao vây vẫn là dấu ấn không thể xóa nhòa đối với Washington dù 40 năm đã trôi qua. 

Song cái chết của tướng Soleimani cũng quan trọng không kém đối với Iran. Bà Hillary Mann Leverett - cựu thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ - nhận định với kênh truyền hình Al Jazeera: "Giết chết Soleimani chẳng khác nào ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ".

Vụ ám sát tướng Soleimani có phần giống như hành động can thiệp thứ hai của Mỹ 17 năm sau cuộc chiến Iraq nhưng với nguồn lực cùng bối cảnh khu vực và quốc tế hoàn toàn khác. 

Giết chết Soleimani chẳng khác nào ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Ảnh 4.

Máy bay không người lái không kích xe chở tướng Soleimani hôm 3-1-2020 tại sân bay Baghdad - Ảnh: Quân đội Iraq

Năm 2003, Mỹ gây bất ổn khu vực với chiến dịch can thiệp trên bộ quy mô nhưng kém tác dụng. Năm 2020, Mỹ nhắm đến một nhân vật quan trọng của Iran bằng máy bay không người lái và ngay lập tức đóng cửa cơ quan ngoại giao ở Baghdad, nơi ảnh hưởng của Mỹ đang dần suy giảm.

Điều mọi người tự hỏi không chỉ là cách Iran sẽ phản ứng thế nào mà còn là cách Mỹ dự kiến tình hình diễn biến ra sao. 

Lầu Năm Góc khẳng định tiêu diệt tướng Soleimani theo lệnh Tổng thống Donald Trump. Phải chăng ông Trump muốn ra đòn độc trước bầu cử tổng thống Mỹ để thu hút cử tri? Nếu đúng vậy thì thật rủi ro vì hiện nay cân bằng lực lượng quốc tế không còn như trước.

Iran là nhà cung cấp nhiên liệu lớn cho Trung Quốc. Cuộc chiến ở Syria đã thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Iran với Nga. Matxcơva là cường quốc duy nhất còn duy trì quan hệ trực tiếp và thậm chí đôi lúc rất chặt chẽ với các tác nhân trong khu vực, đặc biệt với Iran.

Bởi thế điều cảm nhận trước mắt là tình hình bất ổn đã gây chấn động Trung Đông kể từ sáng ngày 3-1-2020. Hỗn loạn là thứ virus lây nhiễm đặc biệt khi không có cơ chế cân bằng nào được các tác nhân trong khu vực thừa nhận chính thức.

Ông Trump nói việc giết tướng Iran đế tránh chiến tranh Ông Trump nói việc giết tướng Iran để tránh chiến tranh

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố việc không kích giết tư lệnh đội đặc nhiệm của Iran là phòng ngừa chiến tranh nổ ra.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp