Bác Thịnh chạy xe ôm và bức tranh vẽ ngôi nhà mơ ước - Ảnh: TOA TÀU |
Có thể hiểu ngắn gọn toàn bộ quá trình của Gieo là quá trình trị liệu cho tâm hồn bằng giai điệu, bằng hình ảnh, bằng câu chuyện, bằng nhảy múa |
Họa sĩ ĐỖ HỮU CHÍ |
Sau khi phát cho những em nhỏ chiếc máy ảnh, những cô giáo trẻ của tổ hợp học tập sáng tạo Toa Tàu bất ngờ trước cái nhìn về nghệ thuật trong mắt những đứa trẻ.
Chạm tay vào nghệ thuật
“Với đề bài chụp những gì mềm mại, cô giáo có gợi ý các em có thể chụp vải, một bông hoa, một đám mây...
Nhưng khi nhận được ảnh thu hoạch, mọi người bất ngờ vì một tấm ảnh chụp một đôi vợ chồng già trên phố đang nắm tay nhau.
Cô giáo hỏi tấm ảnh này có gì mềm mại? Em bé trả lời: Cô không thấy là tình yêu rất mềm mại à?” - anh Đỗ Hữu Chí (Bút Chì), một trong những người sáng lập của tổ hợp Toa Tàu, vui vẻ kể lại một trong số rất nhiều câu chuyện khiến các thành viên của Toa Tàu tha thiết được “vận hành” một chuyến Gieo đến khắp nơi.
Bởi câu hỏi thôi thúc: Điều gì xảy ra khi ai đó được tạo điều kiện chạm tay vào nghệ thuật?
Trong suốt những hành trình đã qua, những câu chuyện, những cảm xúc ngẫu hứng của người tham gia chính là chất liệu để Gieo đánh thức sức mạnh sáng tạo, tình yêu thương và lòng cảm thông - vốn sẵn có trong mỗi con người.
Những câu chuyện chân thật
Nhờ có chuyến đi thả diều, dựng trại với đám trẻ nghèo ven sông ở Sài Gòn, một thành viên của Gieo đã tràn đầy cảm xúc để sáng tác ngay một ca khúc trong đúng một buổi chiều.
Bài hát được đệm bằng đàn ukulele mộc mạc, dễ thương:
“Nhưng nếu có một buổi chiều... Thì hãy đi thả diều, diều bay tít cao, diều bay rất gần! Diều bay bay theo bước chân rất nhanh qua nhiều miền xanh. Miền xanh tưởng như rất xa hay là mãi trong bầy trẻ hôm qua. Hát ca giữa trời bao la. Đến đây tôi kể nghe nha...”.
Cuộc sống vốn dĩ được hình thành từ những câu chuyện.
Và ở dự án Gieo, người ta được nghe những câu chuyện chân thật đến mức trong phút chốc có thể mạnh dạn để hết những gánh nặng trong lòng xuống.
Đó là câu chuyện một ông xe ôm được đề nghị vẽ một bức tranh trong lúc vắng khách.
Ông thật thà bảo không thích và cũng không biết vẽ. Nhưng khi được đeo headphone để nghe một bản nhạc, ông bắt đầu vẽ.
Bức tranh hoàn thành là một ngôi nhà ngói đỏ, có cây xanh, trông nguệch ngoạc, đáng yêu như bức vẽ của trẻ con.
Ông cười nói trong đoạn clip: “Cái này là ngôi nhà mình với bà xã mơ ước nè, ước vậy mà không biết khi nào mới có”.
Gieo hi vọng sẽ mang đến những trải nghiệm nghệ thuật đời sống dành cho tất cả mọi người qua dự án lần này Ảnh: Minh Trang |
Ai có gì góp nấy
Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn hơn một tháng nữa để Gieo xuyên Việt chính thức “nhổ neo” cho chuyến trải nghiệm độc đáo của mình, 15 thành viên của Toa Tàu vẫn đang ngày đêm suy nghĩ làm sao để có đủ tiền trang trải cho chuyến đi này.
Từ Đan Mạch xa xôi, nữ ca sĩ Lê Cát Trọng Lý tự quay một video ca nhạc, trong đó Lý ôm đàn, ngồi trong một khu vườn tĩnh lặng để hát ca khúc Gieo - ca khúc do chính cô sáng tác để đóng góp cho hành trình gieo những an vui này của Gieo xuyên Việt.
“Ai có gì góp nấy” - đó là tiêu chí của những người trẻ khi khởi động Gieo xuyên Việt 2017 trong vô vàn khó khăn.
“Tụi mình mong nhận được bút màu, giấy vẽ, máy quay phim hoặc đóng góp bằng tiền mặt để hành trình có thể diễn ra” - Phiên Nghiên, phụ trách truyền thông của dự án Gieo, chia sẻ.
Một dự án làm cho cộng đồng và được tài trợ bởi chính cộng đồng là những gì Gieo hi vọng nhận được tại địa chỉ gieo.toatau.com thông qua hình thức gây quỹ cộng đồng (crowdfunding).
“Chúng tôi dự tính sẽ cần hơn 600 triệu đồng cho toàn bộ hành trình của Gieo.
Và sau đó cần hơn 400 triệu đồng khi trở về để bắt tay vào phân loại tư liệu, tổ chức triển lãm, làm phim, phát hành sách...
Gieo đã chạy khắp nơi tìm những nhà đồng hành. Có những sự ủng hộ rất dễ thương, như hãng xe tài trợ cho chúng tôi... hai chiếc ôtô để di chuyển khắp hành trình” - anh Hữu Chí nói.
Nếu không thể gây đủ tiền, Gieo xuyên Việt 2017 vẫn lăn bánh?
Anh Chí gật đầu, cười đáp: “Tất nhiên rồi! Chúng tôi vẫn sẽ đi. Hết tiền thì mình xin ngủ nhờ, ăn nhờ nhà dân”.
Bởi dù thế nào thì những khơi gợi nghệ thuật ở những nơi, những con người mà chẳng ai nghĩ nghệ thuật có thể chạm được đến họ sẽ là thang thuốc chữa lành những tổn thương cho chính họ, cho cả những người được lắng nghe khi hành trình trở về...
Gieo lần 8: 5 tuần “xuyên” 8 tỉnh thành Từ cuối 2015 đến giữa 2016, Gieo của Toa Tàu đã tổ chức thành công bảy chuyến khảo sát về nghệ thuật, bốn chương trình chia sẻ và huấn luyện, một triển lãm các tác phẩm và câu chuyện thu được sau những chuyến đi, hơn 300 câu chuyện được kể ra và 1.000 tác phẩm đã được sáng tác. Một hành trình rực rỡ và đầy niềm vui để gieo niềm yêu đời bằng nghệ thuật đã tạo đà không nhỏ cho dự án táo bạo đem Gieo đến 8 tỉnh thành trong cả nước lần này. Gieo xuyên Việt 2017 sẽ rong ruổi trên các cung đường từ Bắc vào Nam trong 45 ngày (từ 3-9 đến 15-10), dừng lại ở các tỉnh thành Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Sóc Trăng để tiếp cận với các nhóm cộng đồng (dự kiến) là: công nhân nhà máy, các nhóm hoạt động cộng đồng, bệnh nhân trong các bệnh viện, người trồng tỏi ở Lý Sơn, làng dân tộc K’Ho Lâm Đồng, diêm dân ở Cà Ná, người dân làng nghề đan bóng mò o ở Phú Yên và các sư thầy tu hành ở chùa Bốn Mặt, Sóc Trăng. Các hoạt động chính của Gieo lần này là những hoạt động sáng tạo, nghệ thuật dành cho trẻ em và người lớn như đêm nhạc, đêm phim, triển lãm; các hoạt động sáng tạo trên nền tảng văn hóa và không gian sống địa phương như vẽ tường, sáng tạo với các sản phẩm truyền thống; hoạt động sáng tác và thu thập câu chuyện trên hành trình bằng nhiều phương thức kể chuyện như tranh, ảnh, bài viết, phim tài liệu... Trong tháng 8 này, Gieo xuyên Việt sẽ có hành trình Gieo trải nghiệm tại Bến Tre ở làng nấu rượu Phú Lễ để “đo” mức quan tâm của người dân ở những làng nghề với hoạt động này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận