11/03/2024 11:59 GMT+7

Gieo mầm xanh ở khu vườn Hạnh phúc

Không chỉ buôn bán cây cảnh, anh Tô Hữu Sỹ muốn đấy là nơi gặp gỡ giữa những người đồng cảnh ngộ, lan tỏa lối sống tích cực cho người xung quanh.

Với bàn tay giả sinh học, Tô Hữu Sỹ thoăn thoắt và linh hoạt thao tác trên khu vườn của mình cùng nhiều hoạt động khác - Ảnh: HÀ THANH

Với bàn tay giả sinh học, Tô Hữu Sỹ thoăn thoắt và linh hoạt thao tác trên khu vườn của mình cùng nhiều hoạt động khác - Ảnh: HÀ THANH

Gặp biến cố tai nạn lao động, Tô Hữu Sỹ không chỉ mất đôi tay mà bỗng chốc gần như vùi lấp luôn giấc mơ của một kỹ sư nông nghiệp. Nhưng còn sống là còn cơ hội, anh chàng quê Hà Tĩnh tự dặn mình như vậy bởi đam mê cây cối chưa bao giờ tắt trong anh.

Khu vườn chừng 300m2 được anh gọi tên Happy Garden (tạm dịch: Khu vườn Hạnh phúc). Điện thoại liên tục reo, ông chủ trẻ niềm nở mời khách ghé thăm vườn. Sỹ thoăn thoắt làm việc và phải quan sát kỹ mới nhận ra anh đang dùng cánh tay giả sinh học gắn ở phần mỏm cụt còn lại.

Tôi đã vượt qua được chính mình, trở lại sau biến cố, làm lại cuộc đời. Đặt tên Hạnh phúc cho khu vườn của mình, tôi muốn gieo những mầm xanh, gặt hái về hạnh phúc bởi sau mỗi biến cố sẽ luôn có những điều hạnh phúc ở quanh ta.
TÔ HỮU SỸ

Còn thở là còn gỡ

Tỉnh dậy trong bệnh viện hai năm trước, Sỹ bàng hoàng nhận ra đôi tay mình cụt gần hết. Tai nạn lao động ở đất nước mặt trời mọc đã mang theo giấc mơ của anh kỹ sư nông nghiệp đi xa. Đó là những ngày dịch COVID-19 bùng phát.

Cô đơn một mình ở bệnh viện, Sỹ tưởng chừng đã bỏ cuộc vì đau đớn thể xác lẫn nỗi đau tinh thần giằng xé.

Nhiều đêm nằm ngủ, Sỹ chỉ mong giá mà trời đừng sáng. Anh sợ phải thức dậy, sợ phải nhìn thấy đôi tay đã mất với chằng chịt vết thương. Nhưng hình ảnh người vợ và các con, nhất là cô con gái bé bỏng từ lúc chào đời chỉ mới được nhìn thấy bố qua điện thoại, như làm anh bừng tỉnh. Chúng sẽ thế nào nếu mồ côi cha? Mình phải sống, anh tự vực dậy mình.

Tuân thủ phác đồ trị liệu, Sỹ tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Những ca phẫu thuật liên tục suốt nhiều tháng trời phần nào giúp hồi phục vết thương. "Còn thở là còn gỡ. Còn sống, được nhìn thấy ánh mặt trời là còn cơ hội" - Sỹ quả quyết.

Anh Tô Hữu Sỹ khi điều trị ở Nhật

Anh Tô Hữu Sỹ khi điều trị ở Nhật

Hơn một năm điều trị tại Nhật Bản, anh xuất viện và về nước. Ai cũng nghĩ phải cần một thời gian nữa Sỹ mới hòa nhập lại với cuộc sống. Người lớn ý nhị, tránh nhắc đến biến cố của anh, nhưng đám trẻ con tò mò, thỉnh thoảng có đứa ghẹo anh "chú Sỹ không có tay". Sỹ không ngại, cứ lạc quan trả lời câu hỏi vô tư của đám trẻ.

Chỉ cần hai tháng sau khi trở về, Sỹ bắt tay cho kế hoạch khởi nghiệp được thai nghén ngay những ngày nằm trên giường bệnh. Anh nhận định nhu cầu về cây xanh, phát triển không gian xanh quê mình còn lớn nên quyết định khởi nghiệp với Happy Garden.

Không chỉ là buôn bán cây cảnh, anh muốn đấy là nơi gặp gỡ giữa những người đồng cảnh ngộ, lan tỏa lối sống tích cực cho người xung quanh.

Những ngày này, khu vườn của Sỹ không chỉ có nhiều khách đến thăm, đặt mua cây cảnh và trở thành nơi chia sẻ câu chuyện nghị lực vươn lên sau biến cố cuộc đời của anh kỹ sư nông nghiệp Hà Tĩnh.

Câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ địa phương tìm đến học hỏi, muốn khởi nghiệp. Trong khi Sỹ bảo công việc của mình nhỏ bé thôi nhưng chính tình yêu thương của mọi người đã chắp cánh cho đam mê ấy vươn xa.

Gieo mầm xanh, gặt hạnh phúc

Vợ chồng anh Tô Hữu Sỹ và khu vườn Hạnh phúc - Ảnh: HÀ THANH

Vợ chồng anh Tô Hữu Sỹ và khu vườn Hạnh phúc - Ảnh: HÀ THANH

Sỹ phải thuê nhân viên để giúp anh cùng làm. Đôi bàn tay giả sinh học giúp chủ vườn chủ động được sinh hoạt cá nhân, cả thao tác trên máy tính, điện thoại, có thể làm vườn, áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây xanh, truyền thông và tư vấn cho khách hàng. Đôi tay quan trọng đấy, nhưng anh bảo mình sẽ bù lại bằng khối óc và ý chí quyết tâm.

Sỹ từng tốt nghiệp Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và đã hoàn thành cao học, nhận bằng thạc sĩ. Chính vốn kiến thức nông nghiệp ấy giúp anh tìm lại được đam mê sống. Mỗi ngày anh lên mạng tra cứu tài liệu, tìm tòi các kiến thức mới về nông nghiệp từ những người đi trước, bổ sung cho hành trang khởi nghiệp của mình.

Từ ngày khu vườn mở cửa đón khách, câu chuyện của Sỹ như mang đến một nguồn năng lượng tươi mới, tích cực cho nhiều người. Như phương châm sống của mình, anh tin rằng khi gieo xuống đất một mầm xanh mát sẽ gặt về được hạnh phúc.

Anh hào hứng khoe dịp Tết Nguyên đán vừa rồi khách hàng đến ủng hộ rất đông nên hai vợ chồng đã bán gần hết cây cảnh trong vườn. Nên hiện vườn đang được cải tạo, chỉnh trang, làm thêm hệ thống mái che và nhập thêm các cây cảnh mùa hè để chăm sóc, chuẩn bị bán cho khách.

Ngồi cạnh chồng, chị Hồng Nhung không giấu được nụ cười hạnh phúc. Trước đây hễ nhìn thấy những vết thương chi chít trên cơ thể chồng, chị lại rơi nước mắt xót xa. Nhưng nay năng lượng tươi mới từ chồng như được truyền sang chị.

Đang có công việc ổn định, song chị quyết định xin nghỉ để toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, cùng anh vun vén khu vườn xanh mát.

"Mất tay đáng sợ thật, nhưng chắc không đáng sợ bằng mất đi ý chí. Còn ý chí mình sẽ còn đam mê nên chỉ cần rèn luyện và nỗ lực hơn chút nữa là được" - Sỹ cười.

Chia sẻ với người cùng hoàn cảnh

Tô Hữu Sỹ nói hành trình khởi nghiệp bước đầu chắc chắn sẽ nhiều khó khăn nhưng cả hai vợ chồng có niềm tin rằng thị trường quê mình còn rất tiềm năng. Thế nên cả hai cứ cố gắng hết sức và chỉ cần vượt qua được quãng thời gian ban đầu, vất vả một chút, tốn nhiều công sức hơn nhưng tin chắc sẽ thu về quả ngọt.

Sau khi cải tạo, hiện khu vườn đang dần đi vào ổn định, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hai nhân công lao động tại đây. Sắp tới, Sỹ dự định mở rộng khu vườn, đồng thời có thêm dịch vụ thiết kế cảnh quan sân vườn, tư vấn và chăm sóc cây xanh theo nhu cầu của người dân địa phương.

"Mình rất sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ với các bạn có cùng hoàn cảnh như mình nếu muốn làm ăn" - anh Sỹ bày tỏ.

Đi cùng ước mơ: Cô gái quyết vượt định kiến của bản làngĐi cùng ước mơ: Cô gái quyết vượt định kiến của bản làng

Như bao cô gái lớn lên ở bản, Hảng Thị Lỳ đã không ít lần nhỏ to nghe câu xì xầm "con gái học cao làm gì, rồi cuối cùng cũng lấy chồng sinh con, nên học ít thôi".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp