Mảnh đất ngọt nào đã gieo mầm nên một tâm hồn lành lặn, khỏe khoắn, sự hiểu biết và bản lĩnh - những phẩm chất vốn rất cần để mỗi người trụ vững và đi tới trong đường đời vốn không mấy bằng phẳng như cậu bé học lớp 11 chuyên lý này đã sớm nếm trải?
Đã có bao câu chuyện buồn về những người trẻ ích kỷ và chạy theo vật chất. Không hiếm giọt nước mắt của cha mẹ những gia đình có điều kiện nhưng đành tuyệt vọng vì đứa con được nuông chiều ích kỷ đến tàn nhẫn, xa lạ đến lạnh lùng. Mới đây thôi, dư luận phẫn nộ vì một thanh niên thản nhiên lên mạng khoe “chiến tích” đâm xe máy chết người. Trước đó, một kẻ sát nhân chưa đầy 18 tuổi lạnh lùng xuống tay với cả một gia đình, trong đó có cháu bé chỉ 18 tháng tuổi... Dù đó là chuyện cá biệt như nhiều nhà quản lý đã trấn an thì trong tâm thức xã hội vẫn ám ảnh một nỗi lo mơ hồ nhưng rất thực về những tâm hồn trẻ đã sớm cỗi cằn, về giá trị đồng tiền như liều thuốc vạn năng có thể đảo lộn mọi trật tự xã hội, có thể đổi trắng thay đen, chà đạp lên tình cảm và đạo lý con người.
Không ai cực đoan đến mức chỉ coi nghèo khổ mới là môi trường lý tưởng làm nên những người tử tế. Không hiếm những “con nhà giàu”, sống trong nhung lụa vẫn biết nâng niu những giá trị cuộc sống, trân trọng mọi người, tự vươn lên khẳng định năng lực và phẩm chất của mình. Ngược lại cũng có những trường hợp túng quá hóa liều, nghèo đói mà sinh ra tội lỗi... Cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ và mọi sự tổng kết chỉ có ý nghĩa tương đối. Thế nhưng vẫn phải khẳng định vai trò của ba trụ cột thiết yếu trong việc làm nên nhân cách con người đó là gia đình - nhà trường và xã hội.
Cần lắm một môi trường xã hội tốt lành, nơi dư luận luôn biết nâng niu, cổ vũ những mầm xanh tốt đẹp, đồng thời đủ sức mạnh phản kháng và loại bỏ những hiện tượng xấu xa, phản lại cộng đồng. Cho nên có ai không lo lắng trước nghịch cảnh người bị móc túi trên xe buýt van xin kẻ gian động lòng thương trả lại hay cả khu phố biết chuyện một cô bé đi làm thuê bị chủ hành hạ tàn tệ mà vẫn làm thinh?
Cần lắm nhà trường như một cái nôi dạy chữ - rèn người đích thực, những người thầy vừa có tri thức vừa có tâm, lại tế nhị trong từng cách cư xử với học trò, không làm xáo động, tổn thương những tâm hồn vốn như tờ giấy trắng. Cho nên có ai không buồn lòng vì câu chuyện thương mại hóa giáo dục tràn lan, đây đó người thầy không giữ được hình ảnh tốt đẹp trong mắt học trò?
Cần lắm môi trường gia đình ấm áp, nơi chia sẻ và thấu hiểu giữa mỗi thành viên, nơi con trẻ học ở bố mẹ những điều tốt đẹp và bố mẹ biết làm gương để con cái noi theo. Nếu gia đình không còn là tổ ấm thì những đứa trẻ biết đi về đâu trong môi trường xã hội ngày càng phức tạp, giá trị đồng tiền lên ngôi đủ sức nhấn chìm vào vòng xoáy tội lỗi những người không đủ bản lĩnh và ý thức luyện rèn?
Cậu học sinh 16 tuổi nhớ như in khoảnh khắc em hiểu cuộc sống của mẹ là dành cho em, một tình yêu trọn vẹn, mẹ có thể đánh đổi cả cuộc sống vì em: “Năm em học lớp 7, một ngày bệnh mẹ nặng bất thường, phải cấp cứu, nhưng mẹ vẫn kiên quyết từ chối đến bệnh viện. Mẹ nói bệnh mẹ có thể chết, nhưng mẹ không cho ai chạm vào số tiền nhỏ mẹ dành dụm để đóng tiền học cho em. Cho đến khi bà nội khóc, bố khóc, mẹ mới miễn cưỡng để bố bế ngược vào trong nhà, mở tủ lấy tiền đi cấp cứu”, Nguyễn Trung Hiếu tâm sự trong nghẹn ngào.
Cậu bé lớp 11 chuyên lý có những nỗi niềm riêng của một gia cảnh nhiều khó khăn, chật vật. Nhưng nỗi đau bệnh tật của người mẹ lại làm ánh lên hạnh phúc về một đứa con hiếu thảo, sớm trưởng thành, vững vàng và đầy trách nhiệm trước cuộc đời. “Để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc”- cái ý thức gieo mầm hạnh phúc giản dị ấy hẳn sẽ còn làm nhiều người giật mình, bừng tỉnh trong cuộc sống nhiều thách thức và cám dỗ hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận