07/04/2020 09:59 GMT+7

Gieo âm nhạc, ươm giấc mơ cho trẻ nghèo ở Cebu

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Thời gian thấm thoắt thoi đưa, một câu lạc bộ nhỏ dạy nhạc miễn phí cho trẻ em nghèo gần 8 năm trước của một thanh niên người Nhật tại Cebu giờ đã là một tổ chức phi lợi nhuận vững chắc và đang ngày một ấm áp, đông vui hơn.

Gieo âm nhạc, ươm giấc mơ cho trẻ nghèo ở Cebu - Ảnh 1.

Một buổi học của Seven Spirit - Ảnh: SEVEN SPIRIT

Âm nhạc đã tạo ra sự khác biệt lớn trong đời em. Trong khi học nhạc, em cũng đã học được cả những ước mơ và định hướng trong đời.

John đã từng chia sẻ điều này với anh Tanaka

Gần 8 năm trước, anh Hiroaki Tanaka (hiện 39 tuổi) tới thành phố Cebu (Philippines) để học tiếng Anh. Ngay từ những ngày đầu tiên ở đó, anh đã thấy những đứa trẻ nghèo ăn xin ngoài phố.

Lại có những em cầm theo món nhạc cụ gõ tự chế đi nhờ trên mấy chiếc jeepney (loại xe công cộng phổ biến nhất ở Philippines), vừa hát vừa gõ xin tiền.

Từ lúc đó, trong đầu anh Tanaka đã thoáng lên những lo ngại mơ hồ cho đám trẻ. Mưu sinh trong môi trường đầy nguy cơ và cám dỗ như vậy thật nguy hiểm. Cuộc sống lang bạt trên phố khiến những đứa trẻ nghèo dễ tổn thương hơn bao giờ hết.

"Chơi" với âm nhạc

Anh Tanaka suy nghĩ và day dứt nhiều hơn về điều này khi Cebu ngày một phát triển, tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Anh đã thấy trẻ em ở Cebu bỏ học nhiều hơn, nhiều bé gái có thai ở tuổi vị thành niên, các băng nhóm xuất hiện ngày một nhiều trên đường phố và ở các khu nhà ổ chuột.

Phải làm gì đó giúp những đứa trẻ thiếu may mắn, ý nghĩ đó cứ luẩn quẩn mãi trong tâm trí Tanaka. Anh muốn giúp bọn trẻ tìm thấy một đam mê, muốn tạo cho chúng một sự khởi đầu, dù nhỏ bé, để chúng thay đổi suy nghĩ và biết đâu sẽ làm thay đổi cuộc sống của chúng.

Tanaka cảm nhận được tình yêu âm nhạc nói chung của người Philippines và đặc biệt của những người Ceubano (cách gọi những người dân sống ở thành phố Cebu).

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh nói sở dĩ anh quyết định ở lại Cebu lâu đến vậy là vì người dân Philippines rất thân thiện và tử tế.

Trong quan niệm của anh, âm nhạc bản thân nó đã là một giải pháp. Anh tin nó sẽ là một cách tích cực để trước hết thuyết phục các em nhỏ còn có một thế giới tươi đẹp, lành mạnh và tích cực hơn nhiều so với những gì bụi bặm trên đường phố đang sống mỗi ngày.

Và đó là lý do để Seven Spirit, tổ chức phi lợi nhuận dạy nhạc miễn phí cho trẻ em nghèo ở Cebu của anh Tanaka, ra đời ngày 7-7-2012.

Khi tham gia Seven Spirit, các em đều được bắt đầu với việc học nhạc lý (đọc nốt nhạc), học thổi sáo và đàn pianica ở lớp nhập môn cho người bắt đầu.

Sau khi đã vượt qua vòng thi thử tại Seven Spirit, các em sẽ được tham gia các lớp học với rất nhiều nhạc cụ khác nhau để lựa chọn như đàn violin, kèn trumpet, kèn clarinet, kèn trombone, kèn tuba… Hiện có 1 giáo viên dạy lớp hòa nhạc và 5 giáo viên dạy lớp nhập môn tại Seven Spirit.

Những người chung tâm huyết với anh Tanaka ở tổ chức này đều chia sẻ quan niệm về giá trị của việc "chơi" với âm nhạc. Thứ nhất, trẻ em có quyền được vui chơi và tận hưởng niềm vui trong cuộc sống; thứ hai, chúng có thể chơi các nhạc cụ chúng thích và thứ ba, khi tham gia một dàn nhạc, trẻ học được cách sống chung hài hòa với tập thể, với cộng đồng.

"Việc chơi trong một dàn nhạc sẽ củng cố tinh thần làm việc nhóm, rèn giũa tính kiên trì, trách nhiệm, thái độ tôn trọng, tinh thần đoàn kết, sự sáng tạo và cả tư duy phân tích - những điều sẽ giúp những đứa trẻ hôm nay ở Seven Spirit trở thành những công dân có ích cho đất nước trong tương lai" - anh Tanaka chia sẻ với Tuổi Trẻ về lý do vì sao anh chọn âm nhạc, chứ không phải một lĩnh vực khác, để giúp những em bé nghèo ở Cebu.

"Mục đích lâu dài của tôi là giúp những đứa trẻ này có thể làm chủ cuộc đời mình từ những gì chúng học được trong chương trình dạy nhạc" - Tanaka cho biết thêm.

Ngoài các hoạt động âm nhạc, Seven Spirit cũng trang bị cho các em kiến thức để phát triển bản thân cũng như kỹ năng giao tiếp xã hội. Theo Tanaka, âm nhạc cũng sẽ mở thêm những cơ hội để các em có thể nhận được học bổng tại các trường đại học, từ đó có cơ hội học tiếp ở đại học khi chúng lớn lên.

Gieo âm nhạc, ươm giấc mơ cho trẻ nghèo ở Cebu - Ảnh 3.

John chơi kèn trumpet trong chuyến lưu diễn lần thứ 2 ở Nhật của đoàn nhạc giao hưởng

Thay đổi đời John

Hiện Seven Spirit có khoảng 160 em trong độ tuổi từ 8-22 đang tham gia các lớp học nhạc. Sau gần tròn 8 năm hoạt động, Seven Spirit đã có những trái ngọt đầu tiên. John (tên nhân vật đã được thay đổi để phù hợp với Luật bảo vệ trẻ em ở Philippines), em trai 16 tuổi, là một trong số ấy. Em tham gia Seven Spirit từ năm 9 tuổi và đã kiên trì đeo đuổi chương trình học nhạc suốt 7 năm nay, với 6 năm học kèn trumpet.

John sinh ra và lớn lên tại một trong những khu nhà ổ chuột ở thành phố Cebu, nơi mà mỗi ngày em đều chứng kiến những người mua, bán ma túy chính là các hàng xóm của mình. Trước khi đến với lớp học nhạc của Seven Spirit, John là cậu bé vừa bán hoa nhài vừa ăn xin trên phố. Thậm chí em từng bị cảnh sát bắt vì tội xin tiền trên xe jeepney.

Với John, trước khi tới Seven Spirit, âm nhạc chẳng là gì với em. Thậm chí em còn không thích nghe nhạc nữa. Em chọn trumpet vì thích âm thanh của cây kèn này. Lý do để John học suốt 7 năm qua tại Seven Spirit vì ở đây… vui quá.

Em được học chơi một nhạc cụ, được có thêm những người bạn mới cũng thích âm nhạc. Theo chia sẻ của em, cảm giác học ở trường và học nhạc ở Seven Spirit thật khác biệt. Nếu ở trường em luôn cảm thấy bị áp lực vì bài tập thì ở Seven Spirit em được tự do, được vui vẻ và có thể làm những gì em muốn.

Trước khi tới Seven Spirit, John bảo em chẳng có ước mơ nào và chỉ muốn vui thôi. Nhưng giờ thì em đã có những ước mơ cụ thể sau khi được đi và gặp gỡ nhiều người. Cậu bé 16 tuổi mơ ước trở thành phi công để có thể đi được (bay được) nhiều hơn, xa hơn nữa.

John kể một đứa bạn em giờ đã nghiện ma túy, mấy đứa khác buôn ma túy, một đứa đang ngồi tù, đứa nữa thì chết vì tai nạn. Ngoài một vài đứa đang đi học thì nhiều đứa cũng đã bỏ học và lông bông suốt ngày. John tin là nếu không phải 7 năm qua em học nhạc ở Seven Spirit, có lẽ lúc này em cũng đang lông bông và nghiện ngập như mấy đứa bạn.

John bảo cậu mơ ước thành một người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, vì trong âm nhạc cậu đã gặp được rất nhiều người truyền cảm hứng cho mình.

Những tấm lòng người Nhật

Seven Spirit đã xây dựng các dự án nghệ thuật tại Nhật để đưa các nhạc sĩ người Nhật tới Cebu tham gia những hội thảo âm nhạc, phối hợp tổ chức các buổi hòa nhạc để gây quỹ hoạt động.

Nguồn tài trợ chính cho Seven Spirit tới nay chủ yếu đến từ các cá nhân, tổ chức và các trường học ở Nhật, cộng thêm sự đóng góp của của một ngôi trường Anh - Nhật tại thành phố Cebu.

Tất cả nhạc cụ của Seven Spirit đều do các nhà hảo tâm ở Nhật tài trợ. Nhưng làm việc tại Seven Spirit, ngoài nhà sáng lập Tanaka và một nữ sinh viên Sawa Ueno tham gia làm tình nguyện viên ở đây là những người Nhật duy nhất, 14 nhân viên còn lại đều là người Philippines.

Tinh thần Olympic của người Nhật Tinh thần Olympic của người Nhật

TTO - Việc Olympic Tokyo 2020 bị hoãn vì dịch COVID-19 không phải là lần đầu tiên trong lịch sử người Nhật phải thay đổi kế hoạch tổ chức kỳ Olympic của họ. 80 năm trước, nước Nhật từng phải trải qua nỗi đau này...

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp