Phóng to |
Người Palestine ăn mừng ở Ramallah, sau khi Đại hội đồng LHQ thông qua quy chế nhà nước quan sát viên cho Palestine Ảnh: AFP |
Cuộc bỏ phiếu vào rạng sáng 30-11 (theo giờ Việt Nam) với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng.
Kết quả này được nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas mô tả là LHQ đã cấp “giấy khai sinh” cho Nhà nước Palestine. “Hôm nay Đại hội đồng LHQ được mời gọi để cấp giấy khai sinh cho Nhà nước Palestine bằng việc nâng cấp Palestine lên quy chế nhà nước quan sát viên tại LHQ” - ông Abbas phát biểu và khẳng định cuộc bỏ phiếu này là “cơ may cuối cùng để cứu lấy giải pháp hai nhà nước” và cam kết “sẽ cố làm sống lại cuộc đàm phán hòa bình” với Israel vốn đã bế tắc từ hơn hai năm qua. Ông thừa nhận người Palestine vẫn phải đối mặt với một con đường dài trước mặt và kêu gọi chấm dứt chia rẽ với nhóm Hamas ở Gaza.
Cách đây 65 năm, ngày 29-11-1947, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết 181 chia Palestine thành hai nhà nước, một nhà nước Do Thái và một nhà nước Ả Rập. Giải pháp hai nhà nước liên quan đến giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine, còn được gọi là “hai nhà nước cho hai dân tộc”. Giải pháp này vạch ra việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Nhà nước Israel. Trước đây tại Liên Hiệp Quốc, Palestine chỉ được cấp quy chế là một thực thể quan sát. |
Mỹ, Israel: những tiếng nói lạc lõng
Theo AFP, ngay sau phiên bỏ phiếu, ông Abbas đã được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu giới thiệu là “tổng thống của Nhà nước Palestine”. Vatican tuyên bố diễn biến này phản ánh tình cảm đại đa số quốc gia trong cộng đồng quốc tế dành cho Palestine, mà từ lâu đã thúc đẩy quốc tế tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết xung đột Israel - Palestine. “Hòa bình cần những quyết định can đảm” - tuyên bố của Vatican nêu rõ.
Trong khi đó, bất chấp kết quả bỏ phiếu, Mỹ và Israel tiếp tục phản đối. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, như Reuters cho biết, đã mô tả phiên bỏ phiếu là “đáng buồn và phản tác dụng”. Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice nói niềm vui của người Palestine sẽ sớm lụi tàn. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng phản đối chỉ trích của ông Abbas là những lời “thù địch, độc địa và tuyên truyền hoàn toàn lệch lạc”. Đại sứ Israel tại LHQ Ron Prosor cho rằng nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine “không thúc đẩy mà đẩy lùi hòa bình” và khẳng định nó “không làm thay đổi tình hình trên thực tế”. Gần như lặp lại tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đại sứ Ron Prosor tái khẳng định “đàm phán trực tiếp là cách duy nhất để đi đến hòa bình thông qua một thỏa thuận được các bên liên quan đồng ý, chứ không phải qua trung gian LHQ”.
Israel sợ Tòa án Hình sự quốc tế?
AFP cho biết mặc dù ông Abbas không đề cập gì đến Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) trong phát biểu của mình nhưng Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki nói sau phiên bỏ phiếu rằng nếu Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái mà theo họ là trái phép, Palestine có thể sẽ phải đưa vấn đề này ra trước ICC.
Năm ngoái, công tố viên trưởng của ICC đã bác bỏ yêu cầu năm 2009 của Palestine truy tố các hành động của Israel trong cuộc chiến 2008-2009 ở dải Gaza với Hamas. Lý do cụ thể là Palestine chỉ là một thực thể quan sát viên của LHQ. Tân công tố viên trưởng của ICC Fatou Bensouda hồi tháng 9 đã khẳng định một phiên bỏ phiếu nâng cấp Palestine của Đại hội đồng LHQ mới có thể tạo nên sự khác biệt.
Theo Reuters, việc công nhận Palestine dù chưa phải là thành viên đầy đủ của LHQ cũng đủ để người Palestine tham gia ICC ở The Hague, nơi các nước thành viên có quyền yêu cầu điều tra các tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người.
Hồi tháng 9, khi phát biểu tại LHQ, lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas đã cáo buộc Israel phạm các tội ác chiến tranh. Chính quyền Israel vẫn một mực khẳng định quân đội của họ nghiêm chỉnh tuân thủ luật quốc tế và cho rằng động cơ thật sự của Palestine nhằm cô lập Israel.
“Người Israel sợ bị giải đến The Hague” - giám đốc chương trình Trung Đông của Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) Robert Malley nhận định. Reuters cho biết từ lâu Palestine đã lên kế hoạch sử dụng quy chế nhà nước không thành viên của LHQ để tiếp cận ICC. Một nhà đàm phán người Palestine nói với ICG rằng chiến lược này là “một cuộc nổi dậy pháp lý và ngoại giao chống lại Israel”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận