24/01/2016 10:54 GMT+7

Giày hiệu giá bèo phần lớn là hàng Trung Quốc

DŨNG TUẤN - TRẦN VŨ NGHI
DŨNG TUẤN - TRẦN VŨ NGHI

TT - Chỉ cần một cú click chuột, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn địa chỉ bán các loại giày, dép muôn vàn thương hiệu nổi tiếng hiện ra với giá bán chưa tới một nửa, thậm chí 1/3-1/4 giá hàng chính hãng, dù người bán luôn khẳng định “hàng thật 100%”.

Các loại giày mang thương hiệu của một số hãng giày nổi tiếng được bày bán tại một căn nhà ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Các loại giày mang thương hiệu của một số hãng giày nổi tiếng được bày bán tại một căn nhà ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Nhiều chuyên gia trong ngành sản xuất da giày khẳng định phần lớn sản phẩm được quảng cáo “hàng hiệu, chính hãng, giá bèo” đều có xuất xứ từ... Trung Quốc, kể cả hàng giả lẫn hàng nhái thương hiệu.

Trong khi đó hàng chính hãng giá bèo cũng có, chủ yếu hàng... ăn cắp nhưng số lượng rất ít, không tràn ngập thị trường như hiện nay.

Hàng hiệu giá hàng chợ

Tranh thủ ngày cuối tuần, anh Thành rủ chúng tôi đi sắm giày “hiệu” chơi tết. “Trước đó mình đã lên mạng tìm, so sánh giá chỗ này chỗ kia rồi đến tận nơi xem, nếu thấy hàng vừa ý thì lấy” - anh Thành kể.

Chọn cửa hàng T chuyên bán giày hiệu Nike, Adidas, Puma, Clarks... trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5, TP.HCM), anh Thành cho biết muốn mua loại giày hiệu nào cũng có với giá “đặc biệt”.

Dù chúng tôi đến khá sớm, nhưng tại cửa hàng này khách đã đứng ngồi chen chúc xem ngắm và thay nhau lựa giày.

Và đúng như lời anh Thành, một loạt đôi giày thuộc dòng running hay training, boost của các hãng nổi tiếng đều có mặt tại đây với giá trung bình chỉ 900.000 - 1,4 triệu đồng/đôi.

Tại các cửa hàng chính hãng, đối với các sản phẩm cao cấp thuộc dòng boost hay training giá 2-3 triệu đồng/đôi.

“Mình thỉnh thoảng có qua mua, đôi trước thấy đi ổn nên đôi mới qua mua tiếp, biết không phải hàng chính hãng nhưng đi được thì vẫn mua” - anh Tiến Chinh (đường Vườn Chuối, Q.3) cho biết.

Theo anh Chinh, hiện các thương hiệu lớn đang sale 30-50% một số sản phẩm, nhưng giá vẫn cao hơn rất nhiều so với tại các cửa hàng như vậy.

Tại một cửa hàng giày khác nằm sâu trong hẻm đường Lê Văn Sỹ (Q.3) diện tích chưa tới 20m2 nhưng chật kín giày và khách cứ thay nhau thử giày, đặc biệt những đôi giày vans hay converse được bán 600.000 - 800.000 đồng/đôi.

“Tụi em bán hàng nhập khẩu chính thức từ Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ chính hãng hết, không có hàng giả, nhái được anh ạ” - một nhân viên giải thích.

Dạo một vòng quanh thành phố, rất nhiều điểm bán “hàng hiệu” như thế đang đua nhau mọc ra.

Chẳng hạn chỉ cần đi dọc những con đường như Lê Văn Sỹ, Nguyễn Đình Chiểu, 3 Tháng 2..., khách có thể dễ dàng nhìn thấy hàng chục cửa hàng kinh doanh giày dép với dải giá trải đều 300.000 đồng, 400.000 đồng tới gần 2 triệu đồng/đôi.

Chỉ cần khách hỏi, đủ loại cam kết được đưa ra như hàng chính hãng, fake loại 1 hay hàng xách tay khiến khách tin tưởng.

Tương tự, vào các mạng xã hội như Facebook, Instagram, chỉ cần gõ hastag (trình tìm kiếm) tên các thương hiệu giày, loại giày mình muốn thì cả ngàn sản phẩm hiện ra. Chỉ với hastag Adidas Neo, chúng tôi đã được “giới thiệu” sản phẩm này chỉ có giá 320.000 - 900.000 đồng/đôi ở rất nhiều điểm bán khác nhau.

“Anh thích loại nào, có mẫu sẵn trên hình rồi đó, anh ghi số lượng, size, màu sắc... đặt cọc trước 50% cho bên em, hàng về sau hai tuần nha anh” - một điểm bán hàng qua Facebook giới thiệu.

Trong khi đó theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay cả khi giảm giá mạnh, sản phẩm chính hãng của thương hiệu này cũng có giá không dưới 1 triệu đồng/đôi.

Chỉ là hàng nhái nhập từ Trung Quốc?

Trao đổi với chúng tôi về các loại giày “chính hãng” đang bày bán trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Đạt - quản lý chuyền tại một công ty chuyên sản xuất giày xuất khẩu - khẳng định những loại giày được quảng cáo là “hàng xuất khẩu dư, hàng lỗi chút xíu” trên các shop online hoặc các cửa tiệm đều là trò “bịp” dụ khách.

Theo ông Đạt, khi đặt hàng sản xuất tại các nhà máy có quy mô lớn của VN, các thương hiệu nước ngoài đều yêu cầu phải thực hiện đúng nguyên tắc quan trọng là “hàng lỗi phải bị hủy ngay”.

Đặc biệt khi làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB, các doanh nghiệp sản xuất nhận đơn hàng từ các thương hiệu nước ngoài đều phải tự bỏ tiền túi để nhập nguyên vật liệu. Do đó doanh nghiệp luôn hạn chế đến mức thấp nhất hàng lỗi để giảm chi phí.

“Nhưng nếu xảy ra sơ sót, sản xuất ra sản phẩm bị lỗi, doanh nghiệp đó bắt buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu giám sát của chuyền sản xuất” - ông Đạt cho biết.

Cụ thể những sản phẩm lỗi này sẽ được tập trung vào một kho, được quản lý rất chặt chẽ. Chỉ đến một thời điểm thích hợp, những sản phẩm lỗi này sẽ được băm, chặt hoặc cắt nhỏ dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên nhà đặt hàng.

Nếu thực hiện đúng nguyên tắc mà các nhà đặt hàng yêu cầu, trên thị trường sẽ không có những sản phẩm lỗi của các thương hiệu nổi tiếng được rao bán rầm rộ như vậy.

“Ngay cả khi một số nhà máy và nhân viên giám sát có tiêu cực, bắt tay tuồn hàng lỗi này ra ngoài thì số lượng cũng không tràn ngập thị trường như hiện nay” - ông Đạt nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ph.Sinh - quản lý chuyền trưởng của một doanh nghiệp sản xuất giày trong nước - cho rằng nếu một số sản phẩm được bày bán trên thị trường là hàng “chính hãng”, số hàng này có thể từ nguồn lấy trộm với sự tiếp tay của chính các công nhân sản xuất trực tiếp, nhân viên quản lý chuỗi, thậm chí cả bảo vệ của nhà máy sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Sinh, nguồn hàng có xuất xứ “trộm” này thường không nhiều, rất ít size và không ổn định.

Cũng theo ông Sinh, có “trường phái” trộm nguyên liệu, tức lấy trộm toàn bộ nguyên liệu cấu thành một sản phẩm hoàn chỉnh, rồi đưa cho các cơ sở bên ngoài bắt đầu “ráp” lại từng thứ một.

“Trường hợp này cũng có thể xảy ra với điều kiện các cơ sở này có đầy đủ thiết bị để sản xuất một đôi giày hoàn chỉnh, nhưng phần lớn chỉ có thể làm được các mẫu giày, dép bằng da với chất lượng, mẫu mã ở cấp trung bình thấp trở xuống. Còn đối với giày thể thao thì rất khó khả thi vì quy trình, công đoạn sản xuất giày thể thao khó hơn giày, dép da rất nhiều” - ông Sinh khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Lâm - tổ trưởng kiểm soát thành phẩm tại một doanh nghiệp sản xuất giày xuất khẩu, phần lớn loại giày “hàng hiệu chính hãng” được bày bán trên thị trường hiện nay có khả năng được sản xuất từ... Trung Quốc.

Với nguồn nguyên liệu rất dồi dào và trình độ làm hàng nhái bậc thầy, các doanh nghiệp cũng như cơ sở kinh doanh Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng cung cấp các sản phẩm của tất cả thương hiệu nổi tiếng cho nhà nhập khẩu VN.

“Các doanh nghiệp Trung Quốc làm được bởi chính những thương hiệu nước ngoài cũng tìm mua nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Chẳng hạn nếu Hãng Coach sản xuất ra một mẫu túi với nhiều linh kiện, phụ kiện vô cùng tinh tế, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có thể sản xuất ra y chang túi của Coach với nguồn nguyên liệu sử dụng là giống nhau” - ông Lâm khẳng định.

Cũng theo ông Lâm, điểm khác biệt ở đây là những sản phẩm này không được sản xuất bởi các nhà máy được Coach đặt hàng và giám sát nên giá bán chắc chắn rẻ hơn. Tuy nhiên, những sản phẩm này được xem là hàng nhái, chứ không phải là hàng giả nếu cũng được sản xuất cùng một loại nguyên liệu với sản phẩm chính hiệu.

Nhiều nguy cơ với sức khỏe

Theo các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất giày cho những thương hiệu nước ngoài lâu năm, phần lớn nguyên liệu của nhà đặt hàng đều đã được kiểm tra các tính chất hóa học nghiêm ngặt. Vì là giày có thương hiệu nên vấn đề bảo đảm an toàn cho người sử dụng không bị nhiễm độc tố, không gây tác hại đến sức khỏe luôn được đặt lên hàng đầu.

Nhưng với các sản phẩm giả hoặc nhái thương hiệu, các yếu tố này gần như được bỏ qua, chưa kể nguyên liệu thấp cấp, nên nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, chất lượng cũng không đảm bảo.

Phân biệt hàng giả, hàng nhái với hàng thật

Anh Huy Đạt, quản lý bán hàng cho thương hiệu giày N, cho biết điểm dễ phân biệt nhất giữa giày xịn với giày giả, nhái thương hiệu, hàng lỗi... chính là đường keo dán hàng thật thường gọn gàng, không lem, không bị dư thừa. Các đường chỉ may lỗi, nguyên liệu thừa không được phép xuất hiện trên hàng thật.

Ngoài ra, hàng nhái hay hàng giả cũng không thể sử dụng nguyên liệu cao cấp, đắt tiền bởi giá thành sẽ cao. Hàng nhái và hàng giả cũng không đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ sức khỏe hay hỗ trợ tập luyện, tạo sự thoải mái trên các sản phẩm thể thao.

DŨNG TUẤN - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp