Sáng 1-12, Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đổi mới công tác đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.
Tại sao không thể bỏ chuyển tuyến khám, chữa bệnh?
Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thị Trang (vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế) cho hay cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển tuyến khám, chữa bệnh có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Bà Trang nêu rõ những vướng mắc, bất cập trên đặt ra những câu hỏi về việc có giữ tuyến hay không cần giữ tuyến, bỏ hay tiếp tục giữ giấy chuyển tuyến, có nên thông cả lên tuyến trung ương hay không… Các nội dung này đã là vấn đề thời sự sôi nổi những ngày qua, ngay cả một số nhà chuyên môn ngành y cũng có ý kiến khác nhau.
"Mặc dù vậy, với điều kiện hiện nay, có thể khẳng định không thể thông tuyến đến tuyến trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến. Bởi nếu bỏ quy định này sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương và xáo trộn cả hệ thống khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, các cơ sở tuyến trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo. Vì vậy, không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu.
Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh", bà Trang nêu rõ.
Sẽ số hóa chuyển tuyến, khám chữa bệnh
Theo bà Trang, căn cứ năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng bệnh tật, người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở phù hợp. Trường hợp tình trạng bệnh tật vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới, cơ sở thực hiện chuyển người bệnh lên tuyến trên phù hợp.
Chuyên gia Vụ Bảo hiểm y tế đề xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh chuyển tuyến, các đơn vị đang nghiên cứu sẽ số hóa giấy chuyển tuyến và giấy hẹn tái khám trên hai ứng dụng VNeID và VssID.
Cụ thể, thay vì sử dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám như hiện nay, người bệnh chỉ cần điện thoại, mã bảo hiểm y tế, mã giấy chuyển tuyến được đồng bộ trên VNeID và VssID.
Lúc này, khi đến bất cứ cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên, bệnh nhân chỉ cần xuất trình chuyển tuyến điện tử để làm thủ tục. Các bệnh viện thực hiện ký số thay cho ký giấy thông thường.
Ngoài ra, bà Trang cũng cho rằng các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu được phê duyệt danh mục kỹ thuật và danh mục kỹ thuật cần công bố công khai.
"Trong trường hợp bệnh viện tuyến dưới không có kỹ thuật mà người bệnh đang cần điều trị thì có thể đến trực tiếp tuyến trên mà không cần giấy chuyển tuyến. Người bệnh có thể đến thẳng bệnh viện có kỹ thuật này để điều trị, giúp bệnh nhân đỡ mất thời gian", bà Trang nói.
Sẽ chế tài xử lý nếu bệnh viện "giữ" bệnh nhân
Bà Trang cũng cho rằng hiện có tình trạng nhiều bệnh nhân tình trạng nặng, vượt quá năng lực chuyên môn của tuyến dưới nhưng cơ sở không chuyển đi.
"Đây là nội dung rất khó quy định tiêu chí cụ thể thế nào là cơ sở tuyến dưới phải chuyển tuyến. Chúng tôi đang nghiên cứu, nếu người bệnh đủ điều kiện chuyển tuyến mà không chuyển viện gây ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh thì cơ sở phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, sẽ rà soát các quy định chế tài xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, có thể là đình chỉ hoạt động, có biện pháp xử lý với cơ sở đó mà vi phạm quy định về chuyển tuyến.
Đồng thời, chúng tôi cũng cố gắng nghiên cứu, thực hiện dần theo lộ trình là tiêu chí với một số trường hợp cụ thể bệnh nặng như thế nào, đến mức nào phải chuyển lên tuyến trên nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong chuyển tuyến", bà Trang nói rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận