Ông Lê Hồng Sơn (thứ trưởng Bộ Tư pháp, nay là phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) từng phát biểu như vậy trong một hội thảo về đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư.
Sự lo lắng nêu trên không của riêng ai, bắt nguồn từ một lý do là hiện nay có tới 1.300 thủ tục hành chính liên quan đến các giấy tờ nhân thân, trong đó có 356 thủ tục trực tiếp liên quan đến chứng minh nhân dân (CMND). Rất nhiều thủ tục đòi hỏi có giấy tờ nhân thân, đặc biệt là CMND.
Nhưng thay vì tiếp cận một cách “tổng thể” như tên gọi của đề án nhằm đảm bảo ổn định trong giao dịch của người dân, thời gian qua, đây lại là lĩnh vực xuất hiện liên tục các đề xuất thay đổi.
Đầu tiên có thể kể đến việc ghi tên cha mẹ vào mặt sau CMND, sau khi dư luận có ý kiến thì rút lại. Tiếp theo là việc thí điểm cấp CMND theo công nghệ mới 12 số thay vì CMND 9 số như lâu nay.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (giám đốc Công an TP Hà Nội) cho biết: “Hiện nay quản lý cũng rất phức tạp. Chúng tôi cấp CMND 12 số, rồi lại phải cấp chứng nhận là thay CMND để công dân đó có thể thay đổi hàng loạt giấy tờ khác: nhà đất, hộ khẩu, ngân hàng, giấy phép lái xe...”.
Và câu chuyện chưa dừng lại. Chỉ sau hai tháng kể từ thời điểm có quyết định tổ chức cấp CMND mẫu mới tại TP Hà Nội (1-4-2014), dự án Luật căn cước công dân được đặt lên bàn của các vị đại biểu Quốc hội đã đưa ra quy định cấp thẻ căn cước công dân thay cho CMND và được cấp ngay từ khi công dân sinh ra.
Theo thông tin từ các vị đại biểu Quốc hội, ước tính chi phí cho một thẻ căn cước công dân là 30.000 đồng gồm cả tiền chụp ảnh, nếu nhân lên số lượng công dân tính từ khi sinh ra thì tổng chi phí là rất lớn. Tương tự như vậy, nguồn lực cho việc cấp CMND 12 số (nhập khẩu công nghệ, phôi...) chắc cũng không ít.
Đó là chưa kể đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nền tảng có liên quan đến phát triển CMND 12 số cũng như thẻ căn cước công dân được ước tính vào khoảng 3.500 tỉ đồng.
Tất cả đều được tính bằng tiền tỉ, lên đến số ngàn! Trong khi đó, vấn đề người dân thật sự quan tâm không phải là trong ví họ sẽ có CMND 9 số, CMND 12 số hay thẻ căn cước công dân.
Vấn đề phải làm rõ sau khi Quốc hội bấm nút thì Nhà nước sẽ chi bao nhiêu từ tiền thuế để triển khai đạo luật này, và tương ứng với mức đầu tư như vậy sẽ giảm được cụ thể bao nhiêu thủ tục hành chính, giảm được cụ thể bao nhiêu giấy tờ có liên quan cho người dân?
“Tôi chưa thấy cơ quan soạn thảo làm rõ được các vấn đề đó” - ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) nói.
Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo tạm dừng việc cấp CMND theo công nghệ mới, trong đó có số CMND 12 số tại TP Hà Nội và một số địa phương để bảo đảm ổn định trong quản lý và sử dụng CMND của công dân. Đây là đề nghị cần thiết, ít nhất cho đến khi chi phí thực hiện và lợi ích của thẻ căn cước công dân được công khai rõ ràng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận