15/09/2011 05:43 GMT+7

Giấu thông tin, cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết

Ông VŨ BẰNG(chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước)
Ông VŨ BẰNG(chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước)

TT - Xử lý sai phạm chậm công bố thông tin của Công ty CP dược Viễn Đông (DVD), Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) chưa phản ứng nhanh nhạy, một phần do quy trình chưa chặt chẽ nhưng người xử lý cũng có phần lỗi...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Bằng - chủ tịch SSC - thừa nhận như vậy. Ông Bằng nói:

xbUexFR1.jpgPhóng to
Ảnh: C.T.V.

"Không riêng gì vụ DVD mà việc xử lý các vi phạm về công bố thông tin của nhiều doanh nghiệp khác, quy trình hiện nay là chưa ổn"

- Trong quá trình xử lý thông tin liên quan đến DVD, kể từ khi SSC nhận được đơn khiếu nại về đợt phát hành thêm của DVD vào đầu tháng 9-2010 đến khi cơ quan công an vào cuộc phanh phui những sai phạm tại DVD, bắt giữ một số lãnh đạo doanh nghiệp này, SSC đã luôn theo sát diễn biến, kịp thời công bố thông tin cho toàn thị trường.

Có thể nói SSC lẫn HoSE đều chịu rất nhiều áp lực trong suốt quá trình này, từ việc tạm dừng đợt phát hành, sau đó hủy đợt phát hành... Nếu làm nhanh mà không đúng, doanh nghiệp có thể kiện chúng tôi và ngược lại, làm chậm thì nhiều nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại...

* Điều mà nhiều nhà đầu tư bức xúc là cho đến trước khi cổ phiếu DVD đột ngột bị hủy niêm yết, cơ quan quản lý đã không đưa ra bất cứ cảnh báo nào cho nhà đầu tư, cũng không xử lý mạnh tay những vi phạm về chậm công bố thông tin của DVD, thưa ông?

- Quả thật, đối với vi phạm của DVD về việc chậm công bố thông tin quan trọng từ đầu năm đến nay, trong ứng xử của SSC và HoSE cũng có những cái chưa thật sự nhanh nhạy, một phần do quy trình nhưng cũng có lỗi của người xử lý. Khi rà soát lại quy trình, SSC và HoSE đều thấy có nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.

Không riêng gì vụ DVD mà việc xử lý các vi phạm về công bố thông tin của nhiều doanh nghiệp khác, quy trình hiện nay là chưa ổn. Tôi lấy ví dụ, khi một doanh nghiệp chậm công bố thông tin, các sở có văn bản yêu cầu phải giải trình, chờ doanh nghiệp trả lời và khi phát hiện có sai phạm nào đó, thông tin mới được chuyển lên Vụ Giám sát của SSC.

Sau khi rà soát các thông tin và kiểm tra bước đầu, hồ sơ mới chuyển sang bộ phận thanh tra của SSC xử lý. Quá trình này mất rất nhiều thời gian, chuyện phạt “nguội” cũng do những thủ tục giấy tờ này mà ra. Vừa rồi, chúng tôi đã làm việc với các sở và đã thống nhất sửa lại các quy trình này để có những biện pháp xử lý nhanh, kịp thời đối với những sai phạm của các doanh nghiệp.

* Vừa qua hàng loạt doanh nghiệp niêm yết khác cũng thuộc diện bị nhắc nhở nhiều lần vì chậm công bố thông tin, liệu tới đây SSC có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này, thưa ông?

- Việc xử phạt hành chính đối với sai phạm về công bố thông tin, hay sự chậm công bố thông tin của doanh nghiệp, theo quy định hiện nay chưa mang tính răn đe do số tiền bị phạt không nhiều. Nhưng muốn có các biện pháp thật sự răn đe, trước hết phải có cơ sở pháp lý. Thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý thị trường cũng rất lúng túng đối với các trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, cổ phiếu DVD cũng là một ví dụ do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, cụ thể.

Sau vụ việc tại DVD, chúng tôi đã giao các vụ chức năng của SSC làm việc với các sở nghiên cứu những biện pháp chế tài phù hợp hơn để bổ sung vào quy chế, nghị định xử phạt. Tôi lấy ví dụ, một doanh nghiệp chậm công bố thông tin trong vòng 5-7 ngày thì mức độ xử lý phải khác với doanh nghiệp cố ý kéo dài thời gian, che đậy thông tin... Với từng mức độ vi phạm, nhẹ thì có thể bị cảnh cáo, nặng hơn sẽ bị tạm dừng giao dịch một thời gian để cảnh báo cho nhà đầu tư.

Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng như giả mạo thông tin thì cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết... Ngoài ra, SSC cũng giao các sở nghiên cứu một số cách thức để tạo sự chú ý nhiều hơn đối với các cổ phiếu nằm trong danh sách bị cảnh báo.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển:

Phải có biện pháp bảo vệ nhà đầu tư

Tôi cho rằng SSC và HoSE đã không làm tròn trách nhiệm trong việc bảo vệ nhà đầu tư đối với vụ việc xảy ra tại DVD, nhất là kể từ sau khi hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp này bị bắt giữ vào cuối năm 2010.

Lẽ ra với một doanh nghiệp có quá nhiều vấn đề như DVD, cơ quan quản lý phải có các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn, đồng thời đưa ra cảnh báo kịp thời cho nhà đầu tư trên toàn thị trường, thay vì để một khoảng trống thông tin về DVD trong một thời gian dài trước khi cổ phiếu này đột ngột bị hủy niêm yết.

Chẳng hạn sau khi lãnh đạo DVD bị bắt giữ, cổ phiếu này vẫn giao dịch một cách bình thường, có thời điểm sôi động với mức giá rất cao. Thậm chí DVD còn bị bắt... giải trình khi cổ phiếu này giảm sàn liên tiếp vào cuối tháng 4-2011!

Có thể không ít nhà đầu tư đã sai, nhưng họ mua cổ phiếu DVD vì thấy doanh nghiệp này vẫn có lợi nhuận trong năm 2010 (báo cáo tài chính chưa kiểm toán), nhưng cơ quan quản lý thị trường lẽ ra phải lên tiếng.

Với một doanh nghiệp đã có nhiều vấn đề và được công khai như DVD, cơ quan quản lý thị trường cũng không giám sát được, không có những biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, vậy với cổ phiếu của những doanh nghiệp khác có thể đang che giấu thông tin, họ có thật sự an tâm?

Sự minh bạch của thị trường đòi hỏi từ hai phía, bản thân doanh nghiệp phải tự ý thức, nhưng cơ quan quản lý phải có trách nhiệm đảm bảo doanh nghiệp phải tuân thủ đúng. Trong khi hàng ngàn nhà đầu tư bị mất tiền oan, cơ quan quản lý vô can thì ai còn dám đặt niềm tin vào thị trường.

Ông VŨ BẰNG(chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp