Tiệc cuối năm của công ty, vợ chồng tôi dẫn con gái tham dự. Ngồi đối diện tôi tại bàn ăn là các cô bé, cậu bé con đồng nghiệp trạc tuổi con gái tôi, khoảng 12 tuổi.
Buổi tiệc buffet nên có rất nhiều món tự chọn, từ những món lạ đến cả vài món quen thuộc như cơm, bún... Lúc gắp chọn thức ăn, cậu bé ngồi cùng bàn bưng một dĩa đầy ắp nên sẩy tay, khiến con tôm to rơi xuống mặt bàn. Cậu nhón con tôm bự cho vào cái dĩa đựng xương, bỏ đi.
Một lúc sau, trong lúc dùng cơm, vài hạt cơm rơi xuống mặt bàn, cô bé cùng bàn tỉ mỉ nhặt hết, không để sót một hạt nào, rồi cho vào chén cơm của mình để ăn tiếp. Con gái tôi ngạc nhiên: "Mấy hạt cơm rơi, bạn nhặt làm gì?".
Cô bé kia trả lời: "Ông bà mình bảo người nông dân rất cực khổ mới làm nên một hạt gạo, vì vậy chúng ta phải biết trân trọng hạt cơm, không được bỏ phí, vì như vậy sẽ mang tội. Ăn không hết cơm trong chén là không văn minh!".
Tôi giật mình và mừng thầm vì thấy trẻ con Việt Nam vẫn trân trọng hạt gạo, cho dù nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp khác đã bị mai một trong xã hội hiện đại. Câu chuyện đưa tôi trở về với thời ấu thơ nghèo khó, hồi đó các nhà trong xóm hay treo bịch cơm thừa lủng lẳng ở hàng rào, để dành cho nhà nào nuôi heo nuôi gà tự động đi thu gom về cho gia cầm gia súc.
Dịp Tết, vợ chồng tôi sẽ đưa con gái về quê thăm ông bà. Dẫn con ra cánh đồng, tôi sẽ giải thích với con về truyền thống và tấm lòng người Việt đối với từng hạt gạo, về công khó nhọc của người nông dân khi trồng ra được một bông lúa, rồi từ bông lúa phải xay, giã, dần, sàng, mới trở thành một hạt gạo trắng thơm ngon.
Mong rằng trong mỗi gia đình hiện đại ngày nay sẽ luôn giữ gìn được những truyền thống tốt đẹp ấy, đó là nét duyên văn hóa trong mỗi con người Việt Nam.
Bạn nghĩ sao về những quy tắc trên mâm cơm Việt? Mời bạn chia sẻ ý kiến trong phần Bình luận cuối bài viết, hoặc gửi bài về email [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận