01/11/2022 10:32 GMT+7

Giao xăng dầu về một mối quản lý

NGỌC AN - LÊ THANH
NGỌC AN - LÊ THANH

TTO - Bộ Tài chính cho biết Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.

Giao xăng dầu về một mối quản lý - Ảnh 1.

Một cây xăng tại TP.HCM ngưng bán, thông báo “hết xăng còn dầu” vào ngày 31-10 - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trong đó có phương án mà bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất là giao Bộ Công Thương toàn quyền và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành giá xăng dầu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-10, đại diện Bộ Công Thương cho rằng trong trường hợp có đề xuất thay đổi, cần làm theo đúng quy định của luật và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đánh giá tác động kỹ lưỡng về đề xuất thay đổi so với thực tế.

Hợp lý

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định Luật giá đã quy định phân cấp và chuyển quản lý giá với từng mặt hàng, lĩnh vực về bộ ngành. 

Do đó, việc chuyển thẩm quyền quản lý mảng xăng dầu hoàn toàn về Bộ Công Thương chỉ cần thực hiện việc sửa đổi các quy định tại nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, sẽ có căn cứ để thực hiện.

Ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), cho rằng việc quản lý xăng dầu được tập trung vào một đầu mối là hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh giá cả và cung cầu thị trường xăng dầu biến động như thời gian vừa qua. 

Kể từ nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu cho đến nghị định 95 sửa đổi bổ sung của nghị định 83 đã phân công trách nhiệm quản lý xăng dầu với đầu mối chính là Bộ Công Thương, trong khi Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát các chi phí trong công thức tính giá. 

Trên cơ sở công thức tính giá đã được liên bộ xác lập, Bộ Tài chính sẽ rà soát chi phí dựa trên báo cáo số liệu của các doanh nghiệp để làm căn cứ thực hiện công thức tính giá cơ sở.

"Việc rà soát chi phí và thực hiện tính giá cơ sở dựa trên công thức đã có sẵn nên Bộ Công Thương có thể đảm nhận được, để bám sát vào diễn biến thị trường, chủ động hơn trong điều hành giá cả, cung cầu thị trường, đặc biệt khi thị trường có biến động. 

Đặc biệt khi xăng dầu vẫn là mặt hàng mà Nhà nước định giá thì việc tập trung vào một đầu mối là hợp lý", ông Bảo chia sẻ.

Một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nêu chuyện thời gian qua Bộ Công Thương luôn khẳng định nguồn cung thị trường đảm bảo nhưng doanh nghiệp cứ nhập hàng về là lỗ khi nhiều chi phí chưa được tính đúng tính đủ, nên rất khó để tạo nguồn, vừa ảnh hưởng tới cung - cầu vừa không thể tăng chiết khấu cho thương nhân phân phối và các đại lý. 

Trong khi đó, thẩm quyền rà soát và điều chỉnh chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở lại do Bộ Tài chính quyết định nên dẫn tới các bộ, ngành phải "xin ý kiến đi, xin ý kiến lại", gây mất thời gian và chậm trễ trong việc ra quyết định. Khi chi phí được điều chỉnh thì đã lỗi thời, thị trường xăng dầu rơi vào vòng luẩn quẩn.

Liệu khi giao toàn quyền và trách nhiệm quản lý, điều hành xăng dầu một bộ thì có lo ngại sẽ chiều theo ý doanh nghiệp xăng dầu khiến giá xăng dầu tăng cao? Đại diện Bộ Tài chính cho biết cũng có ý kiến đặt ra như vậy. 

Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành giá và công thức tính giá cơ sở xăng dầu khá rõ ràng, nên không có chuyện cơ quan quản lý chiều theo ý doanh nghiệp xăng dầu mà tăng giá bán mặt hàng này một cách không phù hợp. 

Hơn nữa, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, đầu vào của nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và có tác động lớn đến chi tiêu của người tiêu dùng. Do đó, điều hành giá xăng dầu luôn được cân nhắc theo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Giao xăng dầu về một mối quản lý - Ảnh 2.

Cây xăng Nam Triệu 03 (Thụy Khuê, Hà Nội) hoạt động 50% công suất trong ngày 31-10, dân xếp hàng dài chờ tới lượt - Ảnh: PHẠM TUẤN

Cần giám sát giá theo thị trường

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng theo tinh thần của Luật giá và dự thảo Luật giá (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội lấy ý kiến tại kỳ họp này, sẽ phân cấp và ủy quyền rành mạch hơn việc quản lý giá của các bộ ngành với từng lĩnh vực, mặt hàng được phân công, thay vì chức năng quản lý trước đây còn có Bộ Tài chính. 

Đơn cử như xăng dầu, việc phân cấp quản lý sẽ được giao về Bộ Công Thương, bao gồm cả quản lý giá, rà soát sửa đổi các quy định liên quan tới công thức tính giá, kê khai giá...

"Bộ Tài chính sẽ là cơ quan nhà nước quản lý chung về giá để triển khai Luật giá, nhưng nội dung cụ thể quản lý giá với từng mặt hàng sẽ thuộc trách nhiệm quản lý từng bộ ngành từ khâu đầu đến khâu cuối, như định giá, quản lý việc chấp hành niêm yết, kê khai giá... 

Với việc phân cấp rõ như vậy, các bộ ngành cũng sẽ tăng cường trách nhiệm của mình trong quản lý giá của lĩnh vực đó. 

Đặc biệt với những mặt hàng mang tính chiến lược, việc ra quyết định liên quan tới quản lý giá sẽ kịp thời và yêu cầu đề cao trách nhiệm cao hơn, do bộ ngành đó nắm bắt được tình hình cụ thể, sâu sát hơn, hiệu quả quản lý ngành tốt hơn", ông Lâm nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng cũng không hoàn toàn tách biệt thẩm quyền quản lý giá của Bộ Tài chính với mặt hàng xăng dầu hay bất cứ mặt hàng nào khác. Bởi mặc dù các lĩnh vực, mặt hàng sẽ được giao về cho bộ chuyên ngành quản lý và có thẩm quyền quyết định về giá, nhưng Bộ Tài chính cần thực hiện vai trò giám sát, thẩm định việc kê khai giá, điều chỉnh giá và niêm yết giá với các mặt hàng, đặc biệt là lĩnh vực nhạy cảm như xăng dầu. 

Do đó, ông cho rằng cũng không nên hoàn toàn "phó mặc" cho ngành công thương trong quản lý giá xăng dầu, khi đây là mặt hàng Nhà nước định giá, mà cần nhấn mạnh vai trò của ngành tài chính trong thẩm định, giám sát việc điều chỉnh giá mà Bộ Công Thương đã có thẩm quyền quyết định.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo đề nghị về lâu dài cần có ứng xử về cơ chế giá với mặt hàng xăng dầu theo đúng nguyên tắc thị trường. 

Mặc dù đây là mặt hàng có sự quản lý của Nhà nước, là mặt hàng thiết yếu và quan trọng, thuộc diện bình ổn giá, nhưng giá xăng dầu phụ thuộc rất lớn vào biến động giá thế giới, nên việc can thiệp để bình ổn giá hoặc định hướng về giá cần phù hợp hơn.

Một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cũng cho rằng khi quy về một mối trong công tác điều hành xăng dầu là Bộ Công Thương, Bộ Công Thương sẽ toàn quyền và chịu trách nhiệm điều hành theo thực tế giá, nguồn hàng, chi phí doanh nghiệp... phù hợp với điều kiện thực tế vùng miền. Bộ Tài chính chỉ quản lý điều hành về thuế.

Thực tế, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam thời gian qua không được điều chỉnh kịp thời khiến doanh nghiệp xăng dầu lỗ 300 - 650 đồng/lít tùy mặt hàng. Bên cạnh đó, chi phí kinh doanh định mức từ năm 2014 đến nay vẫn giữ nguyên.

Trước mắt, cần điều chỉnh kịp thời chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để doanh nghiệp xăng dầu kinh doanh không bị mua cao bán thấp. Mặt khác, việc sửa nghị định 95 cần làm ngay để sửa đổi bất cập chính sách như quy định về tần suất điều chỉnh giá 10 ngày nên rút ngắn lại. 

"Muốn giá xăng dầu tiến tới cơ chế thị trường, đảm bảo bắt kịp theo diễn biến giá thế giới thì không thể để 10 ngày mới điều chỉnh. Nếu ngày điều chỉnh rơi vào kỳ nghỉ lễ, Tết thì sẽ lùi đến ngày làm việc ngay sau ngày nghỉ. Quy định này khiến thị trường xăng dầu bị bóp méo", vị này nói.

Giao xăng dầu về một mối quản lý - Ảnh 3.

Người dân đổ xăng tại một cây xăng ở quận Gò Vấp, TP.HCM chiều 31-10 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chỉ nên định hướng giá và biên độ giá

"Không phải lúc nào giá xăng dầu cũng cần phải bình ổn, mà chỉ nên thực hiện trong những giai đoạn thị trường có biến động bất thường, giá cả bất ổn tác động lớn đến đời sống. Còn thông thường quản lý nhà nước chỉ mang tính định hướng, đưa ra mức giá trần, hoặc doanh nghiệp được tăng/giảm giá trong biên độ Nhà nước cho phép, như quy định trước đây là +/-3% theo giá cơ sở", ông Bùi Ngọc Bảo nêu quan điểm.

Về lâu dài khi thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh, chuyên gia trong ngành cũng gợi ý nên để giá xăng dầu lên xuống theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp tự quyết định giá bán. Nhà nước chỉ đưa ra giá định hướng và biên độ điều chỉnh để giá bán xăng dầu xoay quanh trong mức này.

Hà Nội vẫn còn cây xăng bán cầm chừng

Ngày 31-10, ghi nhận tại một số cây xăng trên địa bàn quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa... hiện đa số đã hoạt động ổn định, tình trạng thiếu xăng không còn diễn ra phổ biến như thời điểm trước đó.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cây xăng bán cầm chừng, dán biển hết xăng hoặc "không có đủ nhân viên".

Ông Chu Xuân Kiên, cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, khẳng định tình trạng các cây xăng bán cầm chừng tại Hà Nội chủ yếu là do nguồn cung, không có tình trạng găm hàng.

Trong khi đó tại TP.HCM trong vài ngày gần đây tiếp tục ghi nhận một số cây xăng treo bảng "hết xăng, còn dầu".

P.TUẤN - N.BẢO - N.HIỂN

Quan trọng là tính đúng, tính đủ

Ông Giang Chấn Tây, giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (bán lẻ xăng dầu), cho rằng việc giao Bộ Công Thương tính toán chi phí sẽ giúp bộ này sớm quyết định giá cơ sở phù hợp, linh hoạt tính các mức chi phí liên quan đến xăng dầu như tỉ giá, chi phí vận chuyển...

"Khi các chi phí đã tính đúng, tính đủ thì chúng tôi đề nghị trong các ngày lễ Tết, Bộ Công Thương cũng phải cắt cử người để điều hành giá, không thể để tình trạng chậm điều hành tái diễn. Khi đã có trong tay hết các công cụ điều chỉnh, Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm cao nhất và không đổ lỗi cho ai nữa", ông Tây nói.

Ngoài ra, theo ông Tây, trước mắt khó khăn của thị trường chưa dứt trong khi nghị định không thể sửa trong vài ngày nên các bộ vẫn phải phối hợp xử lý rốt ráo với nhau để thị trường được ổn định giai đoạn cuối năm, không để những bất ổn kéo dài thêm nữa.

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho rằng điều quan trọng là có một quy chế linh hoạt để điều hành và nếu giao hết cho Bộ Công Thương thì bộ này phải đảm bảo đủ các nguồn lực để đảm đương nhiệm vụ từ tính giá cả, chi phí, đảm bảo quản lý nhà nước về mặt cung ứng từ hệ thống đầu mối đến cửa hàng bán lẻ.

Theo vị này, hiện phụ phí nhập khẩu đã lên trên 10 USD/thùng, thậm chí lên mức 12 - 13 USD/thùng, trong khi trước đó mức cao lắm cũng chỉ 6 - 7 USD/thùng. Với mức phụ phí cao chót vót này, rất khó để doanh nghiệp nhập hàng về nên dữ liệu nhập khẩu thực tế mà Bộ Tài chính đang yêu cầu báo cáo cũng sẽ khó có đầy đủ.

NGỌC HIỂN

tai xe

Các tài xế xếp hàng mua xăng tại cửa hàng trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM, sáng 31-10 - Ảnh: TỰ TRUNG

Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN THỊNH:

Chuyển Bộ Công Thương là hợp lý

Hiện nay việc chủ trì chính trong quản lý nhà nước về xăng dầu vẫn là ngành công thương. Tuy nhiên có một số vấn đề trong điều hành giá hay các định mức liên quan chiết khấu... thuộc về Bộ Tài chính. Việc Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất giao toàn diện quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương là phù hợp và nên sớm xem xét, cân nhắc.

Việc này sẽ giúp thể hiện rõ người chịu trách nhiệm và từ đó việc đầu tư cho công tác quản lý sâu, sát sao hơn. Quá trình xử lý vướng mắc, công tác quản lý sẽ tránh được việc phải họp bàn, thảo luận kéo dài.

Thêm vào đó với các vấn đề về giá hay quy định định mức chiết khấu không phải là vấn đề đòi hỏi nghiệp vụ quá lớn, quá khó đối với ngành công thương. Song để đảm bảo khách quan, chính xác, vẫn nên thành lập một hội đồng, trong đó Bộ Công Thương chủ trì và có đại diện của Bộ Tài chính tham gia.

T.CHUNG ghi

Nhiều cây xăng ở Hà Nội bán cầm chừng, quản lý thị trường nói Nhiều cây xăng ở Hà Nội bán cầm chừng, quản lý thị trường nói 'không phải găm hàng'

TTO - Tình trạng thiếu xăng tại Hà Nội đã không còn diễn ra phổ biến như trước, tuy nhiên hiện một số cây xăng vẫn hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân viên bán xăng, khiến người dân mệt mỏi xếp hàng chờ tới lượt.

NGỌC AN - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp