13/02/2025 13:33 GMT+7

Giáo viên về hưu và sinh viên dạy thêm có phải theo thông tư 29?

Những thay đổi về dạy thêm có hiệu lực từ 14-2 sẽ chỉ điều chỉnh với giáo viên hay với cả giáo viên nghỉ hưu, sinh viên dạy kèm?

Sinh viên, giáo viên về hưu dạy thêm có phải tuân theo Thông tư 29? - Ảnh 1.

Học sinh đến một điểm học thêm tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng theo điều 1 thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 14-2-2025) quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của thông tư liên quan đến dạy thêm này như sau:

"1. Thông tư này quy định về dạy thêm, học thêm đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, bao gồm: nguyên tắc dạy thêm, học thêm; các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm; tổ chức dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

2. Thông tư này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm và các tổ chức, cá nhân có liên quan".

Bên cạnh đó, tại khoản 1 điều 2 thông tư 29 có quy định: "Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) trong chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành" .

Như vậy, thông tư 29 không chỉ điều chỉnh hoạt động dạy thêm của riêng giáo viên mà tất cả tổ chức, cá nhân tham gia dạy thêm, tổ chức dạy thêm đều chịu sự điều chỉnh của thông tư này. Do đó, sinh viên dạy kèm 1-1 (gia sư) hay giáo viên về hưu dạy thêm là một hoạt động dạy thêm, nên những đối tượng này cũng sẽ được xem là người dạy thêm.

Tại điều 4 thông tư 29 quy định 3 trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm từ ngày 14-2-2025, gồm:

- Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Như vậy, theo quy định nêu trên, có thể thấy pháp luật không có quy định về việc cấm giáo viên về hưu hay gia sư được dạy thêm. Tuy nhiên, những đối tượng này muốn dạy thêm thì cần lưu ý là không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học; việc tổ chức các lớp học bồi dưỡng kiến thức cho học sinh tiểu học là không được phép, trừ khi đó là các hoạt động liên quan đến bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống và thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 điều 6 thông tư 29, quy định về cơ quan, tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện các yêu cầu sau:

- Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. Mọi thông tin công khai phải tuân thủ theo mẫu số 02 được quy định tại phụ lục kèm theo thông tư 29.

Và người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

Theo ông Hạnh, thông tư 29 là một bước quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm trong giáo dục. Do đó, với sự ràng buộc chặt chẽ của các quy định pháp luật, người dạy thêm, trong đó có giáo viên về hưu và gia sư cần thực hiện đúng quy định để hoạt động dạy thêm được hiệu quả và đảm bảo về mặt pháp lý.

Sinh viên đang dạy thêm nói gì?

Phạm Lê Song Tú - sinh viên ngành công nghệ thực phẩm, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - bắt đầu công việc gia sư từ cuối năm nhất để kiếm thêm thu nhập và rèn luyện kỹ năng xã hội. Hiện tại, Tú chủ yếu dạy môn toán cho học sinh cấp 2 và cấp 3, nhận lớp thông qua người quen.

Về thông tư 29, Tú cho biết bạn chưa tìm hiểu sâu nhưng có biết đến lệnh cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Khi được hỏi liệu có lo lắng không, Tú chia sẻ: "Mình không lo lắng lắm. Vì mình nghĩ mình chỉ dạy kèm nhỏ lẻ, tầm 3 học sinh thì chắc sẽ không bị ảnh hưởng".

Trần Ái Vy - sinh viên ngành quản trị nhân sự, Đại học RMIT Nam Sài Gòn - lại có những lo ngại khác. Vy làm việc dưới danh nghĩa trung tâm, nhưng không có tên trong danh sách giáo viên chính thức do chưa có bằng sư phạm. Cô bạn cho biết: "Mình khá lo lắng cho công việc hiện tại vì chưa có bằng cấp sư phạm chính quy".

Ngoài ra, bạn cũng băn khoăn về việc quản lý thực tế: "Mình nghĩ sẽ có tình trạng học thêm 'chui', và có thể gây khó khăn cho những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa nếu họ không đủ điều kiện để đăng ký trung tâm".

Sinh viên, giáo viên về hưu dạy thêm phải tuân theo Thông tư 29? - Ảnh 3.Thông tư về dạy thêm, học thêm có hiệu lực: Vai trò quan trọng của hiệu trưởng

Từ ngày mai, 14-2, thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm có hiệu lực. Có thể thấy, để thông tư đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bên, trong đó đặc biệt có vai trò quan trọng của hiệu trưởng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp