Giáo viên phải biết xây dựng bài giảng

NGUYỄN KIM HỒNG (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
NGUYỄN KIM HỒNG (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

TT - Mấy hôm rồi, báo Tuổi Trẻ đăng bài về sách giáo khoa một số môn học do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn đã được giáo viên ở thành phố đón nhận với những dấu hiệu tích cực.

Nhiều nhà giáo sau khi đọc tin này đã tỏ rõ sự vui mừng, trong đó có những thầy cô đưa ra ý kiến góp ý cho việc chuẩn bị đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần nghị quyết trung ương 8 với ý muốn một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Đứng trên quan điểm một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Ý kiến tôi sẽ trình bày dưới đây nhắm đến giải quyết tận gốc việc tổ chức dạy học ở các trường phổ thông chúng ta hiện nay, trong đó nhiều bộ sách giáo khoa chỉ là phương tiện, tuyệt nhiên không là mục đích.

Gần mười năm trước, khi theo học khóa học bốn tuần về xây dựng chương trình học, được tiếp xúc với chương trình một số môn học bậc trung học phổ thông của bang Queensland (Úc), chúng tôi mới biết chương trình bộ môn địa lý lớp 10 được viết vỏn vẹn trong 67 trang, gồm cả những vấn đề tài liệu học tập, nội dung chương trình, cách kiểm tra đánh giá, trong đó phần nội dung có 23 trang với bốn chủ đề (tám chủ điểm) - so với bộ chuẩn chương trình học mà chúng ta ban hành đợt thay đổi chương trình và sách giáo khoa vừa rồi thì quả là có “khiêm tốn”. Người giáo viên ở bang Queensland có trách nhiệm chọn sách giáo khoa (mà sách giáo khoa thì nhiều), các tài liệu... để soạn bài giảng. Các giáo viên bộ môn tập hợp nhau, xây dựng bài giảng cho bộ môn mình, trường mình. Các hạt giáo dục thông qua các bài giảng này và phê duyệt trước khi giáo viên tổ chức dạy học trên lớp. Khi nêu việc này trong một hội thảo về giáo dục so sánh ở TP.HCM, nhiều người tham dự hội thảo sau khi nghe chúng tôi trình bày đã nói điều này không thể thực hiện được ở VN lúc đó.

Năm rồi, khi tìm hiểu giáo dục ở Berlin (Đức), chúng tôi cũng được bạn tặng một tài liệu về chương trình học các môn học, xin dẫn chương trình học bộ môn lịch sử các năm học trung học phổ thông với 27 trang A4. Tài liệu cho phép các trường trong bang chọn trong khoảng mười cuốn sách giáo khoa khác nhau để thực hiện chương trình. Các thầy cô giáo phải lựa chọn tài liệu và giảng dạy những nội dung do nhà nước bang quy định. Dạy như thế nào (để đạt được những quy định trong chương trình) là của giáo viên và nhà trường.

Cả hai quốc gia mà chúng tôi đến tham quan học tập đều là những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Điều gì làm nên một nền giáo dục như vậy? Theo tôi, chính là đội ngũ giáo viên và chương trình đào tạo của các trường sư phạm, các trung tâm đào tạo giáo viên. Thầy cô giáo phải xây dựng được bài giảng, hệ thống bài giảng đáp ứng những yêu cầu đã được đặt ra trong chương trình giáo dục các môn học của bang, liên bang. Một trong những điều giúp họ đạt được trình độ xây dựng các bài giảng cho mình (framework) chính là nhờ họ được học cách thức xây dựng bài giảng trong môn học xây dựng chương trình học ở trường đại học hoặc trong các trung tâm đào tạo giáo viên. Tham khảo chương trình của một số ngành học đào tạo giáo viên bậc tiểu học ở Úc và New Zealand chúng tôi thấy tiêu đề các môn học thường là “xây dựng chương trình học môn toán (tiếng Anh, giáo dục thể chất, âm nhạc...)” - không giống như chương trình các ngành sư phạm ở nước ta.

Vấn đề là cần những thay đổi trong đào tạo giáo viên từ tuyển đầu vào, chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo trong các trường sư phạm; cách thức tuyển dụng giáo viên và các chính sách đãi ngộ khác của Nhà nước dành cho nhà giáo; sự đầu tư cho giáo dục phải được coi là đầu tư cho phát triển.

Phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa

Cách đây không lâu, trong một bài viết trên báo Tuổi Trẻ, tôi nhớ đến đoạn trong bài viết của PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, đại ý: một ngày xấu trời nào đó, thiên tai, hỏa hoạn xảy ra ở một ngôi trường cách biệt, sách giáo khoa của trường học đó bị cháy hết, giáo viên không thể mượn, tải sách giáo khoa và các thông tin trên Internet về thì không biết hoạt động dạy - học có thể diễn ra ở đó không? Chúng tôi hiểu giả dụ trên chỉ muốn nói một điều: thầy cô giáo chúng ta hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, sách giáo viên trong khi đối với giáo dục hiện đại sách giáo khoa, sách giáo viên chỉ là một trong những nguồn tài liệu để giáo viên tổ chức việc dạy - học trong nhà trường.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

NGUYỄN KIM HỒNG (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp