Giáo viên nước ngoài tại một trường tiểu học ở Q.3, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Họ chủ yếu là giáo viên tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ, vốn đóng cửa từ sau tết do dịch COVID-19.
Việt Nam là nơi tốt nhất
Chị Hà, chủ một nhà trọ trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), kể chuyện một người nước ngoài đến thuê phòng. "Ông ấy nói mình là giáo viên tại Q.1, trước nay chỉ ở khách sạn giá trọn tháng 10 triệu. Giờ có dịch, ổng thất nghiệp, muốn tìm nhà đâu đó dưới 3 triệu thôi" - chị Hà nói.
Nhờ chị Hà, chúng tôi liên hệ được giáo viên này, người Anh, khoảng 45 tuổi. Ông chia sẻ trong hơn 5 năm ở Việt Nam, đây là thời gian khó khăn nhất. Không là giáo viên cơ hữu tại bất kỳ trung tâm nào, thay vào đó ông cộng tác với 3 cơ sở ngoại ngữ tầm trung.
Khi dịch COVID-19 đến, có trung tâm nghỉ hẳn, có trung tâm chuyển sang dạy online, tuy nhiên phần lớn những trung tâm này chỉ xếp giờ cho các giáo viên cơ hữu người Việt, còn những giảng viên cộng tác như ông thì như nằm ngoài lề.
"Trong năm, thường khi có tiết trống và cần người nước ngoài, họ xếp lịch cho tôi. Giờ đây tình hình khó khăn, họ không tiếp tục cũng phải bởi tôi chỉ là cộng tác" - ông nói. Về tài chính, ông có thể cầm cự khoảng 3 tháng tại TP.HCM nhưng phải chi tiêu dè sẻn hơn.
Ông đang tìm kiếm thêm các đầu mối dạy online từ một số gia đình quen biết, hoặc ôn tập từ xa cho học sinh đang chuẩn bị tham dự các kỳ thi quốc tế như IELTS hay IB... "Rồi mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường, tôi tin như thế" - ông nói.
Ông Chubby Vinaltino (Singapore) - cũng là giáo viên nước ngoài tại TP.HCM - chia sẻ ông đến TP.HCM mang theo hi vọng gây dựng được sự nghiệp và gia đình ở Việt Nam. Nguồn thu nhập của Vinaltino gần như hoàn toàn phụ thuộc vào giảng dạy để trang trải mọi chi phí từ tiền nhà đến sinh hoạt.
"Hằng ngày tôi đều săn tìm thêm các trung tâm có sử dụng người nước ngoài dạy online. Điều này tương đối khó, bởi nhìn chung dạy online tại TP.HCM cũng mới và chưa rộng rãi" - ông Vinaltino nói, đồng thời cho biết nghề dạy khó khăn, ông đang tìm các công việc bán thời gian khác như viết báo hay làm trợ lý.
Chúng tôi hỏi liệu Vinaltino có tính đến chuyện về quê? Ông nói đầu mùa dịch có thoáng nghĩ, nhưng cuối cùng chọn ở lại do thấy Việt Nam là nơi tốt nhất vì phòng chống dịch rất hiệu quả. "Sẽ khôn ngoan hơn nếu ở yên một chỗ. Mọi thứ, mọi người ở Việt Nam đều rất tuyệt, tôi nhận được nhiều giúp đỡ như thể họ xem tôi là một phần của cộng đồng" - ông Vinaltino nói.
Rảnh nhiều hơn, ông có thêm thời gian chăm sóc bản thân: nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống kỹ lưỡng hơn để luyện sức khỏe chống dịch, đồng thời hoàn thiện hồ sơ tìm thêm việc.
Thích nghi với dạy online
May mắn hơn, trung tâm tiếng Anh mà giáo viên Ruan Breitenbach (Nam Phi) cộng tác tại TP.HCM đã linh động chuyển hướng sang giảng dạy online ngay từ những ngày đầu dịch khởi phát.
Tuần đầu tiên nghỉ thêm sau tết, trung tâm tập hợp giáo viên và tập huấn kỹ năng dạy online phòng kịch bản nghỉ dài hạn. "Nhờ đó, công việc của tôi vẫn ổn định và dự kiến duy trì tới khi hết dịch" - Ruan Breitenbach nói.
Ruan Breitenbach cho biết vất vả nhất của dạy online là làm sao để học sinh duy trì tập trung vào bài vở trong thời gian trên máy tính, nhất là với các em nhỏ. Nếu như với các lớp học truyền thống, học sinh và giáo viên có thể tương tác với nhau bằng nhiều hoạt động thì trên môi trường mạng khó lòng thực hiện. Chưa kể đường truyền, thiết bị không ổn định, học sinh không thể nghe rõ phát âm hoặc nhìn kỹ khẩu hình của giáo viên.
Ông Kristoffer Danzalan (Philippines), chủ một trung tâm Anh ngữ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng nhận định cách học truyền thống tốt hơn, hiệu quả hơn, học sinh cũng dễ đặt câu hỏi và dễ tương tác hơn. "Thế nhưng trong thời buổi hiện tại, mọi người đều phải thích nghi" - Danzalan nói.
Chưa rõ ngày trở lại Việt Nam
Tháng 2-2019, cô Veronica Romeo (Ý) - giảng viên tình nguyện khoa ngữ văn Ý Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM - nhân lúc sinh viên tạm nghỉ cô rời VN về lại Ý. Cô chia sẻ rất nhớ các sinh viên VN và mong ngóng từng ngày để trở lại. Từng dự định trở lại VN vào tháng 4, đến nay cô phải liên tục đổi lịch bay vì tình hình diễn biến phức tạp. "Tôi cũng nghĩ sẽ bắt đầu dạy học online" - cô Romeo nói.
Phải tính toán tài chính
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện phòng chuyên môn của một trung tâm Anh ngữ lớn tại TP.HCM cho biết do nguồn kinh phí có hạn, lại giảm nguồn thu mùa dịch, họ không thể đảm bảo giờ dạy cho tất cả giảng viên, nhất là giáo viên cộng tác nước ngoài. Vấn đề lớn nhất vẫn là kinh phí khi tiền trả cho một giáo viên bản ngữ thường gấp 3-5 lần giáo viên người Việt. Tuy nhiên, trung tâm vẫn cố gắng cân đo đong đếm, sắp xếp cho giáo viên nước ngoài số tiết online hạn chế theo tỉ lệ 3:1 hoặc 4:1, tương đương 3 hoặc 4 tiếng cho giáo viên Việt thì có 1 tiết cho các thầy cô bản ngữ.
Trong khi đó, ông Andrew William Burlton - giám đốc các chương trình tiếng Anh của Hội đồng Anh (British Council) tại Việt Nam - cho biết hệ thống vẫn giữ nguyên đội ngũ giáo viên cùng mức lương như bình thường trong thời gian vừa qua. Kể từ tết tới nay, các lớp học đều tạm dừng, tuy nhiên giáo viên vẫn làm việc trong suốt thời gian này để phát triển những khóa học từ xa cũng như chuẩn bị thêm tài liệu hay các hoạt động, bài tập cho học viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận