27/04/2018 20:13 GMT+7

Giáo viên môn phụ như 'mớ cá bán chợ trưa'?

HÙNG THOA
HÙNG THOA

TTO - Biết môn mình dạy bị coi là môn phụ, chúng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác tủi hờn khi trong giờ dạy của mình, không ít học sinh đem sách toán, lý ra để học.

Giáo viên môn phụ như mớ cá bán chợ trưa? - Ảnh 1.

Thí sinh hoàn thành bài thi môn lịch sử tại hội đồng thi cụm thi Trường đại học Sư phạm TP.HCM kỳ thi THPT quốc gia 2016 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Tôi là dạy lịch sử một trường cấp ba. Những năm gần đây, học sinh đạt điểm khá thấp trong các kỳ thi khiến dư luận đổ xô vào chỉ trích giáo viên dạy khô khan, chưa lôi cuốn được học sinh.

Nhưng mấy ai hiểu rằng thực trạng các em quay lưng với môn sử và nhiều khác còn có lý do lớn hơn - vì đó là môn phụ.

Học trò học đối phó...

Với những em học khối A, khối B, khối D thì các môn như lịch sử, địa lý… là những môn "râu ria", không cần đầu tư nhiều thời gian, công sức.

Chúng tôi tự hiểu ngầm với nhau như thế và cũng thông cảm cho các em, đôi lúc các em không thuộc bài vẫn cho nợ, cho khất lần sau. Nếu lần hai, lần ba các em vẫn chưa trả nợ được thì đành tự "chêm" điểm vào sao cho đẹp mắt.

Nhiều khi trong giờ giảng của mình, tôi vẫn mắt nhắm mắt mở để các em đem sách môn khác ra làm bài tập.

Không phải nói quá nhưng thực sự theo tôi thấy, địa lý, lịch sử, giáo dục công dân… là những môn bị xã hội nói chung, học sinh và phụ huynh nói riêng mặc định là môn phụ. Mà đã là môn phụ thì những tiết dạy trôi qua rất nặng nề, nhạt nhẽo.

Học sinh thường chú tâm học các môn để thi đại học là chính. Các em xem nhẹ môn phụ nên bất hợp tác trong quá trình dạy và học. Chuyện các em không thuộc lòng, chuyện kiểm tra 15 phút hay một tiết chủ yếu để đối phó đã là chuyện thường.

Tôi thường dành khá nhiều tâm huyết để chuẩn bị cho bài giảng dù biết trong lớp chỉ có 5-10% còn lắng nghe. Tôi vẫn thường tìm sách, truy cập Internet, chọn lọc các câu chuyện lịch sử để lồng ghép vào bài giảng cho đỡ nhàm chán, căng thẳng.

Tuy nhiên, dù không khí buổi học có vui vẻ hơn, thoải mái hơn, nhưng tôi biết các em chỉ học đối phó.

Có lúc tôi cảm thấy thèm những giờ dạy mà cô trò cùng hào hứng, cùng chờ đợi, đón nhận. Nhất là năm lớp 12, khi các em đã hình thành khá rõ khối thi cũng như hướng đi của mình thì những môn phụ giống như có cũng được, không có cũng chẳng sao, dạy thì thừa, không dạy thì thiếu...

Sự phân biệt rạch ròi giữa môn chính - môn phụ khiến những thầy cô giáo môn phụ cảm thấy bị coi thường, luôn đứng bên lề, "vai phụ" mà thôi.

Bình thường thì thế, đến ngày 20-11, nếu như những thầy cô giáo dạy môn toán, lý, hóa, tiếng Anh… được phụ huynh và học sinh hết lòng săn đón thì những thầy cô giáo môn phụ cảm thấy bị… hẩm hiu, “ế ẩm” kinh khủng.

Có đồng nghiệp dạy địa lý từng ví von: "Chúng ta dạy môn phụ không khác gì mớ cá bán chợ trưa là mấy". Mọi người cùng cười, nhưng tôi hiểu có những nụ cười đắng chát.

Nhìn những thầy cô môn chính được các trò nể sợ, đôi lúc chúng tôi cũng thèm, cũng ngưỡng mộ. Tôi được biết không ít giáo viên môn phụ đã phải đi làm thêm như bán hàng qua mạng để đủ chi tiêu, "khéo co thì ấm".

Phụ huynh cũng coi thường

Thực tế phụ huynh thời nay thường đầu tư thời gian, tiền bạc cho con tập trung học các môn chính để thi đại học. Họ nghĩ rằng giỏi các môn toán, lý, hóa… mới có nghề trong tương lai. Còn mấy môn như giáo dục công dân, sử, địa thì học lúc nào chẳng được?

Chính vì bị phân biệt đối xử kiểu "nhất bên trọng, nhất bên khinh" như thế, đôi lúc chúng tôi cũng cảm thấy tủi với nghề lắm.

Bấy lâu nay, người ta vẫn nói nhiều đến việc dạy kỹ năng cho học sinh, dạy những đức tính tốt, dạy lịch sử để các em hiểu được giá trị của lịch sử... Nhưng cuộc sống dường như thực dụng hơn, các bậc phụ huynh cũng thực tế hơn.

Họ có lý do để xem nhẹ và ghẻ lạnh môn phụ. Chúng tôi than phiền vì học sinh không chịu học môn phụ nhưng nhìn lại, đó là thực trạng chung của cả xã hội chứ không riêng gì trường nào, lớp nào, thầy cô nào.

Biết là thế, nhưng sao tránh được cảm giác tủi hờn khi trong giờ dạy của mình không ít học sinh đem sách toán, lý ra để học? Làm sao có thể không buồn khi các em thanh minh rằng: "Tuần sau chúng em có tiết kiểm tra toán 45 phút, nên em đang ôn chút cô ạ".

Nhìn những gương mặt hồn nhiên của các em cứ giấu sách hóa, sách toán, tiếng Anh trong ngăn bàn, thi thoảng lại kéo ra để đọc, hí hoáy làm bài tập, tôi thấy chạnh lòng.

Rồi triền miên cảnh ở trên giáo viên cứ giảng, ở dưới trò ngó lơ. Có em ngồi nghịch điện thoại, có em làm việc riêng, có em gục xuống bàn ngủ. Hỏi sao không buồn khi các em không quan tâm đến môn phụ?

Dĩ nhiên môn phụ bị coi thường thì giáo viên môn phụ cũng bị xem nhẹ, lời nói của chúng tôi vì thế cũng không còn nhiều trọng lượng.

Để rồi không ít giáo viên cảm thấy đang từng ngày để mất đi sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề, không còn đầu tư công sức chuẩn bị giáo án, những giờ giảng chất lượng nữa. Bởi có đầu tư giờ dạy hay nhưng các em đâu có đón nhận?

Phụ huynh cũng không quan tâm nhiều điểm số các môn phụ của con, chỉ cần đủ điểm, thi qua là được. Các em cảm thấy không cần học nhưng vẫn đủ điểm do giáo viên nương tay.

Thi thoảng tôi cũng lóe lên suy nghĩ làm sao để cứu rỗi tâm hồn của các em, muốn các em đón nhận môn phụ một cách vui vẻ, trân trọng. Không thể buông lỏng các em muốn học gì thì học, muốn làm gì thì làm, năm này qua năm khác xem nhẹ, ngó lơ môn phụ…

Nhưng rồi lại nghĩ để thay đổi thực trạng này không phải là dễ trong ngày một, ngày hai. Khi mà xã hội vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử rõ rệt giữa môn chính, môn phụ thì rất khó để phụ huynh và các em học sinh biết yêu và tôn trọng môn phụ.

Nỗi lòng giáo viên môn phụ

TT - Đổi mới phương pháp giảng dạy đang là yêu cầu bức bách trong bối cảnh “chấn hưng giáo dục” như hiện nay. Điều này càng quan trọng hơn đối với các môn gọi là phụ vì nó giúp mục tiêu giáo dục toàn diện được thực hiện, mặc dù không dễ.

HÙNG THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp