Phóng to |
Ngày 16-1, hơn 100 giáo viên chuyên trách, kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp ở các trường THPT từ 20 tỉnh thành có chuyến tham quan tìm hiểu thực tế ngành nghề tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Hà Bình |
Sáng 14-1, cô Trần Thị Ngọc - giáo viên ngữ văn Trường THPT Lê Hoàn (Đức Cơ, Gia Lai), đón xe xuống TP.HCM. Nghỉ lại nhà người bạn ở Bình Dương một đêm, hôm sau cô Ngọc đến Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Tại đây, cô thu thập thông tin ngành nghề để về giới thiệu cho học sinh vùng biên giới quá thiếu thông tin của mình.
Không rành hướng nghiệp
"Bộ GD-ĐT nên xem xét đào tạo giáo viên chuyên trách hướng nghiệp cho các trường THPT. Cũng nên thành lập hệ thống đào tạo chuyên ngành về hướng nghiệp" Phan Thanh Nhuận - phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Quảng Nam) |
Đến mỗi khoa, phòng thí nghiệm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cô Ngọc đều cẩn thận ghi chép và cố gắng quan sát thật kỹ để về kể lại cho học sinh nghe.
“Công việc hướng nghiệp ở trường tôi do giáo viên kiêm nhiệm. Không ai có tài liệu, chưa ai được tập huấn bài bản nên quá thiếu thông tin về các trường đại học để giới thiệu cho các em. Vả lại, học sinh trường tôi để đến được các trường đại học tham quan thực tế là rất khó. Tôi đi thay các em” - cô Ngọc chia sẻ. Cô Ngọc kể lâu nay học sinh chỉ biết đến ngành nghề qua kinh nghiệm của giáo viên là chủ yếu.
Trong khi đó, tại Trường THPT An Ninh (Đức Hòa, Long An), thầy Trần Việt Quốc - giáo viên dạy môn kỹ thuật - cũng trăn trở: “Trường chúng tôi ở nông thôn nên cả thầy lẫn trò đều không rành lắm về hướng nghiệp. Giáo viên phổ thông nên không biết hết ngành nghề hiện có ở các trường đại học, cao đẳng. Hằng năm chúng tôi chỉ có tài liệu một số ngành như xây dựng, sư phạm... nên học sinh cũng chỉ biết một số ngành của một số trường thôi. Còn những ngành khác, ngành mới thì chưa được biết”.
Thầy Quốc cho biết công tác hướng nghiệp cho học sinh ở trường chủ yếu dựa vào Những điều cần biết về tuyển sinh đại học - cao đẳng của Bộ GD-ĐT cộng với kinh nghiệm của giáo viên.
Tự bơi là chính!
Một số giáo viên kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp ở các trường THPT cho rằng hiện nay khó khăn lớn vẫn là chưa ai được đào tạo bài bản mà chủ yếu “tự bơi là chính”. Thầy Hoàng Trọng Vĩnh - giáo viên môn toán Trường THPT Chu Văn An (Biên Hòa, Đồng Nai) - nhận định: “Không có chuyên môn hướng nghiệp nên giáo viên chỉ hướng dẫn theo kinh nghiệm của mình. Giáo viên nào biết nhiều thì chia sẻ nhiều. Giáo viên trẻ thì dựa vào bạn bè mình là sinh viên mới ra trường. Giáo viên lớn tuổi tham khảo kinh nghiệm của... con em mình đã thi đại học để hướng dẫn lại cho học sinh. Như vậy sẽ không bao quát hết được tất cả các trường”.
Là phó bí thư phụ trách hướng nghiệp Trường THPT Hậu Nghĩa (Đức Hòa, Long An), cô Nguyễn Thị Kim Sa thừa nhận do không nắm được chính xác ngành nghề của từng trường nên giáo viên chỉ giới thiệu cho học sinh các vấn đề tổng quan. “Còn đi sâu hơn nữa để phân tích cho các em thì hơi khó”- cô Sa tâm sự.
Theo cô Sa, hướng nghiệp không phải là chuyên môn của giáo viên. Giáo viên chỉ được đào tạo một chuyên môn chính để đứng lớp chứ không được đào tạo về hướng nghiệp. Cô nói: “Chúng tôi chỉ lấy kinh nghiệm của mình, thông tin mình thấy được từ thị trường lao động qua báo đài để cùng học sinh chọn ngành nghề. Hằng năm đến mùa tuyển sinh trường cử một vài giáo viên hướng dẫn tuyển sinh, chứ giáo viên phụ trách xuyên suốt cả năm thì chưa có”.
Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cũng nêu ra một số khó khăn mà người làm công tác hướng nghiệp đang gặp phải như hướng nghiệp - tuyển sinh “dính với nhau” nhưng công tác hướng nghiệp thường của giáo viên chủ nhiệm, còn tuyển sinh lại là cán bộ Đoàn nên chưa có sự xuyên suốt, đồng nhất. Ngoài ra, giáo viên khác cho rằng học sinh lớp 12 phải học ngày học đêm nên để đi tham quan, tìm hiểu ngành nghề rất hiếm. “Nhiều em chỉ biết thông tin qua tờ rơi dán trên bảng thông báo của trường...”- một giáo viên cho biết.
Cần đào tạo giáo viên hướng nghiệp
Nhiều giáo viên cho rằng vấn đề cấp thiết trong công tác hướng nghiệp hiện nay là phải đào tạo một đội ngũ giáo viên hướng nghiệp cho các trường THPT. Thầy Trần Việt Quốc đưa ra ý kiến: “Muốn hướng nghiệp cho học sinh hiệu quả cần phải có giáo viên được đào tạo chuyên về hướng nghiệp. Giáo viên hướng nghiệp phải được đi thực tế, tham quan các trường đại học để nắm bắt ngành nghề khác nhau ở các trường như thế nào. Bên cạnh đó, cần có những buổi tập huấn cho giáo viên để trang bị những kỹ năng hướng nghiệp, thông tin ngành nghề ở tất cả các trường, xu hướng thị trường lao động...để giới thiệu cho học sinh”.
Ở một góc độ khác, thầy Phan Văn Nhân, giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản (Cẩm Mỹ, Đồng Nai), kiến nghị hằng năm Bộ GD-ĐT nên tổng hợp một đĩa CD giới thiệu thông tin ngành nghề của các trường đại học, điểm chuẩn, tỉ lệ “chọi” các năm, hình ảnh sơ lược về các trường cùng những thông tin liên quan đến hướng nghiệp và cung cấp cho các trường THPT. Những thông tin ấy sẽ giúp ích rất nhiều cho giáo viên trong việc tư vấn cho học sinh chọn nghề bởi học sinh nông thôn quá thiếu những thông tin này.
Ở một trường có công tác hướng nghiệp cho học sinh khá hiệu quả như Trường THPT Lê Quý Đôn (Tam Kỳ, Quảng Nam), thầy Phan Thanh Nhuận - phó hiệu trưởng - cho rằng trong tình hình hiện nay các trường nên xây dựng một kế hoạch hướng nghiệp xuyên suốt cho học sinh từ lớp 10-12 chứ không nên đợi đến năm cuối cấp. Kế hoạch này phải được thông qua và được sự đồng thuận của hội đồng sư phạm nhà trường. Lúc đó sẽ phân từng giáo viên chịu trách nhiệm từng phần trong kế hoạch này.
Nhiều thông tin chưa đầy đủ Cũng có một số trường được đón tiếp các trường ĐH, CĐ đến tư vấn cho học sinh như Trường THPT Tân Phú (Định Quán, Đồng Nai). Thế nhưng, thầy Lê Văn Tuấn - bí thư Đoàn trường - cho biết khi “các trường đến chủ yếu là phát tờ rơi. Học sinh không được hỏi, trao đổi nhiều nên rất nghèo thông tin”. Đó là chưa kể một số trường ĐH, CĐ lại cung cấp những thông tin chưa đầy đủ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận