19/02/2016 08:23 GMT+7

Giáo viên “đặt hàng” ban tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh

TR.TÂN ghi
TR.TÂN ghi

TT - Lần đầu tiên báo Tuổi Trẻ phối hợp với ba sở GD-ĐT Đắk Lắk, Bình Thuận và Đồng Tháp tổ chức chương trình trao đổi hướng nghiệp với giáo viên của ba tỉnh này.

Học sinh Đắk Lắk tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2015 do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức - Ảnh: TR.Tân
Học sinh Đắk Lắk tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2015 do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức - Ảnh: TR.Tân

Chương trình trao đổi hướng nghiệp đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk sẽ diễn ra vào chiều 20-2 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Buôn Ma Thuột, với sự tham gia của TS Trần Văn Nghĩa (phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục) và TS Hoàng Ngọc Vinh (vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp) cùng các thầy cô trong ban tư vấn của báo Tuổi Trẻ:

TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM,

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM,

PGS.TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM,

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM,

TS Trần Thế Hoàng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM,

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing,

TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM,

TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM,

Thạc sĩ Lương Đình Thành - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM,

TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM,

Thạc sĩ Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM,

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM,

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk.

Trước buổi tập huấn công tác tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2016 dành cho giáo viên Đắk Lắk, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên tại đây đã “đặt hàng” cho ban tổ chức những mong muốn của mình.

Các thầy cô giáo mong được chia sẻ thông tin cụ thể về những thay đổi ở các ngành, các trường, dự báo về thị trường lao động, việc làm trong những năm tiếp theo...

Ông TRƯƠNG THỨC (chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk):

Nên tập trung tư vấn những điểm mới

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT năm nay có thêm phần tập huấn hướng nghiệp cho các giáo viên làm công tác hướng nghiệp tại các trường.

Đây là điều rất quý và cần thiết, tạo điều kiện cho các trường có thêm thông tin, kỹ năng để về tư vấn cho học sinh, mỗi khi các em cần.

Việc tập huấn cho giáo viên là để nhân rộng thông tin tuyển sinh cho tất cả học sinh, giúp các em tự tin hơn trong lựa chọn ngành nghề vào đời của mình. Như vậy công tác tư vấn, hướng nghiệp sẽ cụ thể, hiệu quả hơn.

Theo tôi, chương trình tập huấn lần này nên tập trung vào những điểm thay đổi, điểm mới của từng trường, từng ngành cụ thể, để giáo viên kịp thời cập nhật, nhằm truyền đạt tốt hơn cho học sinh của mình.

Ông PHAN VĂN VINH (hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk):

Giáo viên rất cần được trang bị kỹ năng tư vấn hướng nghiệp

Phần lớn giáo viên làm công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông hiện nay đều là kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Những buổi “lên lớp” của các thầy cô đều dựa vào kinh nghiệm và sách hướng dẫn (dành cho ba cấp học) của Bộ GD-ĐT cung cấp cùng những thông tin thu nhận được từ sách báo, mạng Internet. Vì thế công tác hướng nghiệp chưa đi vào chiều sâu.

Giáo viên rất cần những thông tin từ toàn diện cho đến cụ thể của từng trường như về ngành học, tổ hợp môn thi của các ngành; những thay đổi trong công tác tuyển sinh từ Bộ GD-ĐT cho đến các trường. Có những thông tin cập nhật như vậy, giáo viên mới tự tin tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh ngay tại lớp học.

Tại Trường THPT Buôn Ma Thuột, việc tư vấn, hướng nghiệp đều do các giáo viên chủ nhiệm đảm nhận thông qua các buổi nói chuyện, sinh hoạt lớp. Tuy nhiên vì thiếu thông tin cụ thể, việc định hướng của giáo viên có phần còn dè dặt. Nếu được, trong buổi tư vấn cho các thầy cô giáo, ban tư vấn nên có dự báo sơ bộ về các ngành học đang dư thừa học viên, những ngành nghề mà xã hội, địa phương đang cần...

* Ông NGUYỄN VIẾT ĐỒNG (giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana, Đắk Lắk):

Thông tin ngành nghề cần gắn với địa phương

Theo tôi, chương trình nên tập trung tư vấn hướng nghiệp cho giáo viên để truyền đạt đến học sinh những ngành nghề cụ thể, gắn với từng địa phương.

Ví dụ như tại Đắk Lắk, nhiều học sinh không có khả năng thi ĐH, CĐ thì nên hướng các em đến những ngành nghề về nông lâm nghiệp, bảo vệ thực vật... Giáo viên cần có thông tin về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương như có thể trồng cây gì, nuôi vật nuôi gì; vốn liếng, kỹ thuật chăm sóc, tổng thu nhập ra sao để tư vấn cho học sinh.

* TS Hoàng Ngọc Vinh (vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp):

Một đổi mới thiết thực trong tư vấn tuyển sinh

Năm nay, chương trình tư vấn hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ có sáng kiến không chỉ tư vấn cho học sinh thi tuyển vào ĐH, CĐ mà còn tổ chức tập huấn hướng nghiệp cho giáo viên THPT làm công tác hướng nghiệp.

Bộ GD-ĐT đánh giá cao sáng kiến này của báo Tuổi Trẻ. Tôi cho rằng đây là một đổi mới rất thiết thực đối với giáo viên và học sinh trong tư vấn tuyển sinh. Điều này sẽ tạo cơ hội cho đội ngũ làm công tác hướng nghiệp trong nhà trường ở các địa phương có cơ hội cập nhật thông tin về thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực, ngành nghề, đồng thời được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hướng nghiệp cho học sinh.

T.HÀ ghi

* Ông Phan Đoàn Thái (giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận):

100 giáo viên Bình Thuận sẽ tham gia

Việc báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức chương trình tập huấn về kiến thức tư vấn tuyển sinh cho giáo viên là rất cần thiết. Vì hơn ai hết, các thầy cô có sự hiểu biết về học sinh; biết em nào khá, giỏi, yếu ở đâu để từ đó có hướng tư vấn cặn kẽ cho từng học sinh.

Các giáo viên cũng có nhiều cơ hội và thời gian để tư vấn cho học sinh hơn; đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, ngoài tiết dạy chuyên môn ra các thầy cô còn có giờ sinh hoạt lớp để phổ biến những thông tin tuyển sinh. Trong chương trình tập huấn hướng nghiệp năm nay, tại Bình Thuận sẽ có khoảng 100 giáo viên tham dự.

NG.NAM ghi

* Ông Trần Thanh Liêm (giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp):

Giáo viên phấn khởi, háo hức chờ tập huấn

Những năm trước giáo viên không có được kênh thông tin dành riêng như thế này. Thầy cô thường sẽ căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của bộ và sở GD-ĐT để thông tin cho học sinh về kỳ thi THPT quốc gia. Do đó, giáo viên dạy hướng nghiệp thường bị động trong việc nắm thông tin các ngành nghề đào tạo của các trường ĐH, CĐ để giới thiệu cho học sinh.

Năm nay, giáo viên được tập huấn tận nơi, được tư vấn, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hướng nghiệp. Theo tôi, đây là một sự thay đổi tích cực của chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp.

Điều này sẽ giúp giáo viên thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường THPT có được thông tin kịp thời, mới, sát thực tế. Và lẽ dĩ nhiên, giáo viên đang rất phấn khởi và háo hức chờ đón buổi tập huấn sắp tới.

NGỌC TÀI ghi

Ngày 20, 21-2: tư vấn tuyển sinh tại Đắk Lắk, Khánh Hòa

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2016 tại tỉnh Đắk Lắk (do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Đắk Lắk và Tỉnh đoàn Đắk Lắk phối hợp tổ chức) diễn ra tại Trường THPT Buôn Ma Thuột (57 Bà Triệu, TP Buôn Ma Thuột) vào 7g30 sáng 20-2. Đây là buổi tư vấn đầu tiên của Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2016.

Chiều cùng ngày, buổi trao đổi kinh nghiệm hướng nghiệp đầu tiên dành cho giáo viên của chương trình năm nay cũng sẽ diễn ra tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP.Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk (số 2 Nguyễn Hữu Thọ, TP Buôn Ma Thuột). Chương trình này do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Đắk Lắk phối hợp tổ chức.

Sau đó, vào 7g50 sáng 21-2 Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2016 tại tỉnh Khánh Hòa do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Khánh Hòa, Tỉnh đoàn Khánh Hòa và Trường ĐH Khánh Hòa phối hợp tổ chức diễn ra tại Trường ĐH Khánh Hòa (01 Nguyễn Chánh, P. Lộc Thọ, TP Nha Trang).

Chương trình này sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - truyền hình Khánh Hòa KTV, truyền hình trực tuyến trên tuoitre.vn và tv.tuoitre.vn. Đồng thời, chương trình cũng được phát thanh trực tiếp trên sóng VOV2 Đài Tiếng nói VN.

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sẽ gồm ba phần: tư vấn chung, tư vấn chuyên sâu, tư vấn trực tiếp. Với phần tư vấn chung, ban tư vấn sẽ cung cấp cho các học sinh những thông tin chung nhất về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2016.

Tư vấn chuyên sâu theo từng nhóm ngành nghề, trả lời những thắc mắc cụ thể hơn tại các khu vực tư vấn chuyên sâu gồm có: nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh...; nhóm ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, xây dựng, giao thông, cơ khí, điện tử, nông lâm...; nhóm ngành khoa học xã hội, sư phạm, ngoại ngữ, luật, quân đội, công an, y dược...

Và ở phần tư vấn trực tiếp, học sinh có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các thầy cô ban tư vấn.

TRẦN HUỲNH

TR.TÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp