Rất nhiều kết quả công tác của trường được kết luận thanh tra đạt ưu điểm, tốt. Toàn bộ 104 cán bộ, giáo viên của trường đều có trình độ chuyên môn được đào tạo chính quy, đạt chuẩn và “trên chuẩn” (có 24 thạc sĩ); 100% đều viết đăng ký học tập về tư tưởng chính trị, đạo đức.
Trong đó, có bảy giáo viên của trường được biểu dương vì đã “thực hiện viết tay đúng yêu cầu chỉ đạo”. Còn lại gần 100 cán bộ, giáo viên của trường “khi viết bài thu hoạch, còn đánh máy, không thực hiện viết tay theo yêu cầu của cấp trên”. Kết luận thanh tra cho rằng đó là một trong những “khuyết điểm” của trường.
Theo một cán bộ trong ngành GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, trước đây có nhiều trường ở Khánh Hòa còn quy định bắt buộc thầy cô phải soạn giáo án bằng cách viết tay, chứ không được soạn giáo án bằng máy vi tính.
Trong khi nhiều học sinh đã sử dụng máy vi tính để học tập, truy cập mạng tìm thông tin tài liệu thì việc buộc thầy cô phải soạn giáo án bằng cách viết tay không phù hợp chút nào. Quy định “lạc hậu” ấy sau đó phải bỏ.
Đến nay, hầu hết các ngành đều sử dụng công nghệ thông tin vào tất cả mọi công việc. Hệ thống hành chính các cấp cũng đã và đang áp dụng “cửa điện tử” để phục vụ công dân. Các văn bản quy phạm pháp luật, hành chính được soạn thảo, phát hành bằng văn bản điện tử.
Vậy thì việc quy định thầy cô giáo phải viết bằng tay khi đăng ký học tập, viết bài thu hoạch như đã nêu trên liệu có còn “hợp thời” nữa không? Hay cần phải chấm dứt? Bởi muốn đánh giá kết quả thì phải căn cứ theo chính nội dung được trình bày, còn “viết máy” hay “viết tay” chỉ là cách để thể hiện nội dung ấy mà thôi.
Do đó, nhiều ý kiến của thầy cô cho rằng hãy để cho thầy cô được có quyền lựa chọn sử dụng công cụ nào thuận tiện nhất. Cần tránh những áp đặt bất cập, mất sức không phù hợp. Đó cũng là một cách tạo điều kiện để thầy cô có thêm sức lực, thời gian dành cho chuyên môn, giảng dạy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận