12/04/2011 06:26 GMT+7

Giáo viên chủ nhiệm: khổ hơn chăm con mọn

LÊ THÚY HẰNG
LÊ THÚY HẰNG

TT - Các vụ bạo lực học đường được phát tán rộng rãi và gần như trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối. Khi xem những đoạn phim hay bức ảnh đó, sự chú ý của mọi người sẽ dồn vào bộ đồng phục các em đang mang và bảng tên, phù hiệu được khâu trên áo. Dư luận xã hội đương nhiên sẽ đặt câu hỏi: các trường học đã giáo dục đạo đức cho học sinh thế nào mà để xảy ra nông nỗi này?

Tại trường học, những giáo viên chủ nhiệm “kém may mắn” cũng được hỏi câu tương tự: các thầy cô đã quản lý thế nào mà để học sinh làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà trường thế kia?

Ở nhà, bố mẹ các em cũng sẽ tuyệt vọng: tốn cơm cho ăn học nhưng chỉ học được những điều làm xấu mặt cha mẹ vậy hả?

Có thể nói không ngoa rằng gánh nặng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đang đè ngày một nặng trên vai giáo viên chủ nhiệm. Bộ môn giáo dục công dân cung cấp cho các em những kiến thức và chuẩn mực đạo đức. Còn việc hướng dẫn các em thực hành, biến những kiến thức chuẩn mực đó thành kỹ năng, phong cách sống lại thuộc về giáo viên chủ nhiệm.

Nói như vậy không phải để phủ nhận vai trò kết hợp của các giáo viên bộ môn. Nhưng việc giáo viên bộ môn có thể phối hợp chỉ là ghi tên những em học sinh vi phạm vào sổ đầu bài hay “méc lại” để giáo viên chủ nhiệm giải quyết.

Chúng tôi thường ví von với nhau rằng làm chủ nhiệm vất vả như nuôi con mọn. Hết giờ dạy, xách cặp về phòng hội đồng nghỉ 5 phút thể nào cũng có đồng nghiệp “kể tội” học sinh lớp chủ nhiệm. Giờ chào cờ, tên các lớp bị phê bình luôn được xướng lên kèm với sở hữu cách “của cô A (thầy B)”.

Về đến nhà vẫn chưa yên bởi thỉnh thoảng sẽ có phụ huynh gọi điện hoặc hớt hải chạy đến “không biết con tui đi đâu giờ chưa thấy về”. Lúc nào cũng thấy có em tóc dài cần phải nhắc chiều đi học về nhớ cắt, có đứa ngồi học lơ đãng cần hỏi han. Nhìn thấy chỗ trống trong lớp là tưởng tượng coi giờ này trò không đi học thì đang ở đâu. Thấy tờ giấy xin phép kẹp trong sổ đầu bài cũng kiểm tra xem chữ ký có thật của phụ huynh không, rồi tìm số phụ huynh mà hỏi lại coi có thật vậy không.

Có thể làm giáo viên chủ nhiệm còn cực hơn nuôi con mọn nữa. Quản lý và giáo dục gần 50 học sinh đang trong độ tuổi “tâm lý ẩm ương” quả là một việc “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Con cái được gắn kết với cha mẹ bằng sợi dây tình cảm, phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế, nên cha mẹ có nhiều lợi thế, có nhiều thứ để phạt hoặc thưởng hơn. Giận quá, cha mẹ có thể phết vào mông con vài roi cho “nhớ đời, lần sau chừa nghe con”. Nhiều vũ khí lợi hại vậy mà nhiều bậc phụ huynh còn bó tay, phó thác cho những người “tay không lâm trận”: Trăm sự nhờ cô thầy, tui nói nó không thèm nghe. Nó hư, thầy cô cứ thoải mái đánh mắng.

Giáo viên chủ nhiệm quản lý học sinh theo kinh nghiệm (nếu có), trách nhiệm và tình thương là chính. Việc giáo dục đạo đức học sinh cực kỳ quan trọng nhưng nghiệp vụ chủ nhiệm lại được trang bị rất ít ỏi, hiếm khi được tập huấn thêm các kỹ năng (trong 12 năm đi dạy của tôi thì chưa bao giờ). Tài liệu về công tác chủ nhiệm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chế độ đãi ngộ thê thảm: 4 tiết/tuần (trong đó: 1 tiết sinh hoạt, 6 buổi 15 phút đầu giờ, 1 buổi lao động, hoàn thành sổ sách, cộng điểm, thu tất tật các loại tiền, cùng tham gia chào cờ và các dịp sinh hoạt khác...). Tiền điện thoại liên hệ phụ huynh (tháng nào ít cũng hơn trăm ngàn), tiền xăng xe đến thăm nhà học sinh không hề mảy may được xem xét đến. Nhưng trách nhiệm thì nặng nề, công việc vụn vặt nhiều vô kể, áp lực không nhỏ.

Đúng là chủ nhiệm chẳng khác nào có thêm đàn con mọn - không có thì trống trải vô vị, mà có thì chẳng lúc nào yên.

LÊ THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp