Giáo viên "cắm bản" - Kỳ cuối: Không thể bỏ cuộc
TT - Trở lại quãng đường đến điểm Trường Đá Đen, Mù Căng Chải (Yên Bái) từng nhiều năm bám trụ, thầy giáo Nguyễn Thanh Luận, hiện là giáo viên ở điểm Trường Tà Ghênh, Nậm Có, Mù Căng Chải, nhớ lại: “Gần 10 năm trước khi vác balô lên vùng cao tôi nản chí vô cùng, chỉ muốn quay về, nhưng cậu học trò đầu tiên tôi gặp trên đường đã đeo balô giúp tôi, động viên tôi đi hết đoạn dốc. Không có cậu bé ấy, có lẽ giờ đây tôi đã không còn là thầy giáo”.
Lớp học ở Tà Phìn, Đồng Văn (Hà Giang) - Ảnh: Bách Việt |
Học sinh xếp hàng vào lớp ở Lùng Cúng - Mù Cang Chải - Ảnh: Hà Hương |
>> Kỳ 1: Trên đỉnh non cao>> Kỳ 2: Hạnh phúc nhọc nhằn
Chúng tôi gặp rất nhiều thầy cô giáo đã gắn bó với những điểm trường xa xôi 10-20 năm, một số người lâu hơn nữa. Có người bỏ đi rồi quay lại. Chính họ cũng không biết trước sẽ ở lại vùng cao lâu đến thế.
Câu chuyện mèn mén
Không phải cứ chịu cực khổ là có thể dạy học, thầy cô giáo “cắm bản” cũng cần phải học rất nhiều thứ để có thể ở lại.
Mời chúng tôi ăn thử mèn mén (ngô xay hấp chín), món ăn chính của người Mông vùng cao nguyên đá, cô giáo Hoàng Thị Sửu ở Đồng Văn (Hà Giang) nói: “Muốn dân tin, tự nguyện cho con đi học thì trước hết phải biết ăn mèn mén. Nếu từ chối bát mèn mén người dân mang cho, hôm sau họ không cho con đến lớp. Ở Tà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang, nhiều cô giáo đã bật khóc vì không vượt qua được thử thách đầu tiên do không thể nuốt nổi mèn mén. Nhưng có cô giáo nói nhìn những đứa trẻ người Mông hồn nhiên bốc mèn mén ăn với canh cải đắng giống như việc hồn nhiên chấp nhận một cuộc sống đầy khắc nghiệt, đã nghĩ mình phải vượt qua khó khăn. Niềm tin của dân bản quyết định việc thành hay bại của sự nghiệp đi gieo chữ”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, cắm bản ở Khâu Vai, Mèo Vạc (Hà Giang), kể về kỷ niệm đầu tiên khi đi “cắm bản”: “Khi vào bản vận động học sinh, dân bản quây lấy tôi nói bằng tiếng nói của họ mà tôi không hiểu, họ nhìn tôi thăm dò, nghi ngại. Em đã khóc vì sợ, tủi thân và nghĩ mình làm sao có thể gọi được học sinh đến lớp, làm sao có thể trụ lại”. Cô giáo Thủy cũng như nhiều thầy cô khác phải tự khám phá những tập tục của người dân tộc thiểu số, cùng ăn cùng ở với dân để có được niềm tin.
Hầu hết thầy cô bám trụ ở những thôn bản xa xôi đều phải học tiếng địa phương để làm quen, thuyết phục, vận động học sinh đi học và để trở thành những “cầu nối ngôn ngữ” cho các em mỗi ngày đến trường.
Cô giáo với học sinh ở Xín Mần (Hà Giang) - Ảnh: Bách Việt |
Luyện phát âm cho trẻ em người Mông ở Xéo Dì Hồ - Mù Cang Chải là một việc khó khăn - Ảnh: Hà Huơng |
Không thể bỏ cuộc
Ở Sìn Hồ (Lai Châu) có một người thầy lên vùng cao từ năm 18 tuổi, 30 năm ròng rã đi mở trường, hết điểm này đến điểm khác. Ông thầy “chuyên đi mở trường” đó là Đỗ Xuân Hướng, hiện đã bước sang tuổi trung niên. Thời thanh xuân của ông gửi lại ở những điểm trường, nơi ông đến là những thôn bản trắng về giáo dục. Giống như người khai phá những vùng đất hoang vắng, thầy Hướng vận động người dân cho con đi học chữ, dạy trẻ những thói quen sinh hoạt văn minh, thuyết phục người dân bỏ hủ tục lạc hậu, biết ăn cơm bằng đũa, giữ gìn vệ sinh...
Khi những điểm trường đã ổn định, giao lại cho các thầy cô mới, thầy Hướng lại nhận lệnh lên đường. Ông đã khóc khi kể với chúng tôi về quãng thời gian mà có những lúc ông muốn bỏ cuộc, bỏ nghề. Nhưng trong sự nhọc nhằn, “người thầy mở trường” lại tìm thấy niềm hạnh phúc khi trên đỉnh non cao vang lên tiếng trẻ đọc bài, khi ở đâu đó trên con đường ông qua có những đứa trẻ trưởng thành từ những lớp học chữ.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hiên với gần 20 năm gắn bó với các điểm trường ở xã Khao Mang, Mù Căng Chải khi kể về thời “cắm bản” của mình cũng thú nhận với chúng tôi về những lúc yếu lòng muốn bỏ nghề. Đó là khi ông phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng để cuốc bộ về điểm trường của mình, là khi ông phải bỏ mặc các con cho vợ ở một điểm trường khác trong tình cảnh thiếu thốn. Nhưng chính vợ ông, một cô giáo hết lòng vì học sinh, đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm “khó khăn đến đâu vẫn nuôi được con và sống chết với nghề”. Và họ đã không bỏ cuộc cho đến tận bây giờ, khi đã có hơn 30 năm tuổi nghề và nhiều học trò trưởng thành từ những điểm trường của họ.
Chỉ có tình thương, sự cảm thông sâu sắc với những đứa trẻ vùng cao mới giúp các thầy cô giáo có nghị lực ở lại.
Thầy Nguyễn Thanh Luận nhớ lại: trên đỉnh núi cao, thầy phải mặc kỳ hết quần áo mình có vào người mà vẫn lạnh run cầm cập, trong khi nhiều đứa trẻ đến trường trong mảnh áo mong manh, có những đứa trẻ chỉ có duy nhất một chiếc áo mặc cho cả mùa đông và mùa hè. Những đứa trẻ ở bản xa trường được cha mẹ chuẩn bị cho nắm cơm, cái ngô ăn đường. Buổi trưa tan học, các em vừa ăn vừa vốc nước suối lên uống. Cũng có em không có gì để ăn. Nhìn cảnh đó, nếu không chịu được khổ mà bỏ trường lớp xem ra thật bất nhẫn.
Có hàng trăm nỗi khổ và không thể đo đếm được những vất vả của các thầy cô giáo “cắm bản”, nhưng nhiều người không thể bỏ cuộc vì có những sợi dây vô hình ràng buộc người thầy với những đứa trẻ vùng khó.
Hầu hết thầy cô giáo “cắm bản” chúng tôi gặp đều không hề biết đến không khí ngày lễ 20-11, không hề được nhận một bông hoa, một lời chúc tụng từ phía người dân và học sinh. Không phải không có những lúc thấy buồn, thấy bất công, nhưng nhìn vào sự tiến bộ của học sinh, thấy những đứa trẻ dần dần học xong tiểu học, tiếp tục học cao hơn, các thầy cô đã được an ủi.
Đề án luân chuyển giáo viên vùng khó khăn được Cục Nhà giáo Bộ GD-ĐT triển khai dự kiến hoàn thành vào quý 2-2009. Theo đó, sẽ thực hiện chuyển những giáo viên công tác ở vùng khó trên 10 năm về nơi thuận lợi theo nguyện vọng, tiếp sau đó sẽ luân chuyển đối với giáo viên có thâm niên năm năm. Trước mắt sẽ luân chuyển trong nội tỉnh, sau sẽ luân chuyển trên toàn quốc, giáo viên vùng khó có nguyện vọng chuyển về quê hương công tác sẽ được tạo điều kiện. Tuy nhiên theo ông Phạm Mạnh Hùng - cục trưởng Cục Nhà giáo Bộ GD-ĐT, hiện đề án vẫn còn dang dở do việc luân chuyển trên thực tế rất khó khăn. Việc rà soát, khen thưởng những giáo viên có cống hiến cho giáo dục vùng khó đến nay cũng chưa làm được. |
VĨNH HÀ - HÀ HƯƠNG
=====================================================================
Ý kiến bạn đọc
* Hạnh phúc của các thầy cô thật nhọc nhằn biết bao. Tôi là người đã đi qua hầu khắp các vùng đất quê hương, nhưng phải thừa nhận nếu không đọc bài viết của Tuổi Trẻ thì tôi cũng không thể tưởng tượng nổi lại có những nỗi gian nan vất vả như vậy. Với chúng tôi, mỗi cuộc đi chỉ là một cuộc chơi. Được ngắm nhìn một vùng đất, lũ người như chúng tôi chỉ biết thưởng thức cái hay, cái đẹp của đất trời mà không biết rằng bên cạnh đó còn có những con người đang từng ngày từng giờ làm đẹp thêm cho mảnh đất đó.
<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Cảm ơn các thầy cô đã thắp sáng tương lai, vẻ đẹp cho từng vùng đất quê hương.
KIỀU XUÂN ANH
* Tôi cảm động đến rơi nước mắt khi đọc được bài viết này. Thật sự đây mới chính là những tấm gương sáng và hy sinh sinh cao cả trong Nghề Trồng Người. Nhân ngày hiến chương Nhà giáo Việt Nam, tôi kính chúc các thầy cô giáo "cắm bản" luôn mạnh khỏe và hạnh phúc và mong rằng Nhà nước ta có những ưu đãi đạc biệt đến những thầy cô giáo nơi vùng xa xôi này.
NGUYEN HONG LINH
* Câu chuyện tình yêu và sự thiếu thốn tình cảm gia đình của các thầy cô làm tôi thấy xúc động vô cùng. Với chúng tôi, hàng ngày đưa đón con đi học, tắc đường, mưa rét, nắng nôi, đã thấy là vất vả lắm rồi, đó là chưa kể đến những lúc con cái ốm đau. Giờ đây mới biết ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác, ngoài nỗi vất vả gian nan này còn có những nỗi đau khác. Tôi thấy thật sự xấu hổ khi suy nghĩ của mình chỉ nhỏ bé như vậy. Xin được gửi lời chia sẻ sâu sắc với các thầy cô, chúc các thầy cô luôn giữ vững lòng tin, sự nhiệt tình trong cuộc sống.
XUÂN AN
* Tôi vốn là vợ bộ đội - những người lính cũng phải xa nhà vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tôi cũng đã thấm thía cảnh những năm tháng dài đằng đẵng xa chồng, một mình nuôi con nhỏ, nhưng cảnh vợ chồng của những thầy cô “cắm bản” thật sự làm tôi xúc động quá. Quả thật, cảnh xa chồng nuôi con dại một mình của tôi chẳng thấm thía gì so với khó khăn của các thầy cô vì tôi còn có người thân hỗ trợ và gia đình ở trung tâm thành phố.
Tôi xin chia sẻ khó khăn của các thầy cô và mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thiết thực nhiều hơn nữa cho các thầy các cô, những người mang ánh sáng cho đồng bào vùng sâu vùng xa.
PHAN THỊ PHI NGA
* Cũng là một giáo viên nhưng chúng tôi còn nhiều may mắn hơn các thầy cô giáo được nói đến trong bài báo. Cảm ơn các thầy cô đã vững vàng, son sắt với công việc trồng người trong hoàn cảnh khó khăn đến như thế. 20-11, ngày của Ngành, tôi gửi đến quý thầy cô nơi vùng xa của Tổ quốc lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, công tác tốt. Hy vọng Nhà nước sẽ có những chủ trương hợp lý để giảm bớt những thiệt thòi mà thầy cô đã, đang trải qua.
ĐOÀN KIM PHÚC
* Tôi rất hiểu những gì ma các thầy, các cô đã, đang và sẽ phải đối mặt, bởi tôi cũng có vợ hiện đang dạy ở xã biên giới. Nhân ngày 20-11, tôi sinh chúc các thầy, các cô khoẻ mạnh, vững tâm để bước tiếp con đường mà các thầy cô đã lựa chọn.
Các thầy cô hãy an tâm rằng những người như chúng tôi luôn luôn cảm ơn các thầy cô đã vượt qua những khó khăn, thử thách vì tương lai của đất nước.
QUANG VĂN QUY
* Tôi cũng là một người vùng xuôi lên công tác tại huyện vùng cao Đồng Văn, Hà Giang. Được tiếp xúc nhiều với các thầy cô giáo tôi cũng thấu hiểu được phần nào nỗi khổ của các cô giáo “cắm bản". Ở những huyện vùng cao như chúng tôi đây còn nhiều khó khăn lắm, thực tế có nhiều vấn đề nữa bài báo này chưa phản ánh hết. Rất mong các ngành chức năng làm chính sách, quan tâm hơn nữa đối với sự nghiệp trồng người trên địa bàn các huyện vùng cao như chúng tôi.
Nhân ngày 20-11, chúc toàn thể các thầy cô giáo mạnh khoẻ, hạnh phúc, luôn vững tin trên con đường mình đã chọn. Cảm ơn các phóng viên đã có bài phóng sự rất hay nhân ngày nhà giáo VN.
HOÀNG NGỌC LINH
* Không phải bây giờ, khi đọc loạt bài viết này tôi mới thấu hiểu những điều kiện khó khăn của những người giáo viên "cắm bản". Đã 10 năm gần đây, được công tác ở miền núi của một tỉnh duyên hải miền Trung, tôi đã chứng kiến, cùng ăn, cùng ở với các thầy giáo, cô giáo "cắm bản", những nỗi khó khăn đó dường như đã thấu hiểu.
Vấn đề ở đây không phải là đọc để cảm thông, để chia xẻ mà mỗi chúng ta phải có những hành động cụ thể để giúp đỡ những người đã thầm lặng hy sinh trong cuộc chiến chống "giặc dốt" trong thiên niên kỷ thứ ba này. Những người thầy, người cô "cắm bản" sống trong điều kiện dưới mức trung bình chung của xã hội, đồng lương thì theo khung ngạch, bậc của Nhà nước, cộng thêm ưu đãi nghề và chế độ thu hút của 5 năm đầu lên vùng cao công tác, nhưng cũng như mọi người khác họ có hàng trăm cái để lo, một "cái bếp" ở đồng bằng bị chia ra thành 3, 4 cái.
Đời sống của họ khó khăn lắm, thức ăn thường xuyên trong mùa này là cá khô, vài mớ rau ven suối, cơm gạo đỏ với muối vừng khô. Đời sống vật chất đã thế, đời sống tinh thần lại càng khổ thêm. Chiếc radio dường như là một “món hàng quá khứ" của người dân đồng bằng thì đó là thứ hàng quá ư là xa xỉ với các thầy, các cô. Thông tin, giải trí, gửi lời thăm cho người thân, bạn bè cũng từ đó.
Chuyện thật như hài cũng từ chiếc radio bé tí này. Từ chương trình âm nhạc trực tiếp do đài địa phương tổ chức, vợ ở đồng bằng muốn nhắn tin cho chồng là thầy giáo "cắm bản" cứ việc nhấc điện thoại gọi xxx.812733 yêu cầu một bài hát tặng chồng và nhắn tin "con đang ốm, anh xin về mấy hôm...".
Còn chuyện tình yêu, chuyện tìm bạn đời của những người giáo viên ở đây cũng là một chuyện dài. Với khoảng 65 -70% giáo viên nữ, trong đó hơn một nửa là chưa lập gia đình, học xong CĐ, ĐH lên vùng cao dạy chữ, dạy người, tuổi trẻ đôi mươi "phơi phới dậy tương lai" nhưng chưa được một lần yêu thật sự. Một năm, hai năm họ chưa lo lắng gì lắm, nhưng vài năm nữa nỗi lo lắng hằn sâu thành những vết chân chim trên khoé mắt viền môi. Nhiều khi thấy một người khác giới ở miền xuôi lên công tác, các cô vội mừng như gặp được người yêu... Và còn bao điều khó khăn, khó khăn hơn nữa.
Cũng là con người, chúng ta phải có những hành động thật cụ thể, thật thiết thực đối với họ. Mỗi trường ở đồng bằng, thành phố hãy vận động trong giáo viên, trong học sinh mua và tặng có các điểm trường (vì địa bàn rộng, học sinh còn nhỏ nên 1 trường phải chia ra nhiều điểm lẻ) 1 cái tivi, 1 bộ chảo parabol để thầy cô giáo có cái mà giải trí. Hãy tổ chức các đợt giao lưu, các trường đồng bằng nên tài trợ cho các trường vùng cao ấy một vài chuyến tham quan, biết đâu qua các đợt đó sẽ có những gia đình mới được lập nên. Còn xã hội, Nhà nước cũng cần có những hành động thật cụ thể...
SƠN TRÀ
-------------
Ý kiến của bạn về câu chuyện này ra sao? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua email [email protected] hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận