* Một trường cao đẳng nghề là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên có quy định phụ cấp ưu đãi trong quy chế chi tiêu nội bộ như sau: "Mức phụ cấp là 20% đối với các cán bộ quản lý, không có phụ cấp giáo viên, tính theo tiền lương hàng tháng".
Xin hỏi các quy định này là đúng hay sai, được căn cứ theo văn bản quy phạm pháp luật nào và nếu sai thì sẽ bị xử phạt ra sao?
- Luật sư Đặng Hoài Vũ - trưởng Văn phòng luật sư Đặng Hoài Vũ và đồng sự - trả lời:
- Quy định này là chưa rõ ràng. Bởi lẽ, căn cứ theo quy định tại điều 9 nghị định 60/2021/NĐ-CP, trường cao đẳng nghề là đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên là thuộc nhóm 2. Do đó, căn cứ theo điều 10 thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16-9-2022 (có hiệu lực thi hành từ 1-11-2022) quy định:
Thứ nhất, trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương mới theo nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (gọi là nghị quyết số 27-NQ/TW):
a) Quỹ tiền lương, tiền công làm cơ sở để tính trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi trong năm của đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 gồm:
- Tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công theo số lượng người làm việc trong đơn vị quy định tại điều 9 nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10-9-2020 của Chính phủ về vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và mức tiền lương cơ sở do Chính phủ quy định; tiền lương của lao động hợp đồng theo quy định (nếu có).
- Tiền lương tăng thêm do nâng bậc lương theo niên hạn và nâng bậc lương trước hạn của đơn vị theo quy định (nếu có).
- Tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Theo đó, các khoản phụ cấp hiện nay được quy định tại nghị định 204/2004/NĐ-CP bao gồm phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút, phụ cấp lưu động và phụ cấp độc hại, nguy hiểm và phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hướng dẫn tại thông tư số 02/2005/TT-BNV ngày 5-1-2005 của Bộ Nội vụ.
Do vậy, đối với từng chức vụ phải xác định cụ thể, chính xác loại phụ cấp nào, mức hưởng là bao nhiêu chứ không xác định chung chung là 20% đối với cán bộ quản lý, không có phụ cấp giáo viên.
Thứ hai, kể từ thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới do Chính phủ ban hành theo nghị quyết số 27-NQ/TW:
a) Đơn vị nhóm 1 và đơn vị nhóm 2:
- Đơn vị không trích lập quỹ bổ sung thu nhập, không thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm từ quỹ bổ sung thu nhập.
- Đơn vị trích lập quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi trên cơ sở quỹ tiền lương thực hiện được xác định theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hiện, nghị quyết số 27 đang trong lộ trình thực hiện nên vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, khi có các văn bản của Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thì bắt buộc đơn vị sự nghiệp công nhóm 2 phải tuyệt đối tuân thủ.
Đối với trường hợp thực hiện sai thì công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập có thể khiếu nại lên thủ trưởng đơn vị đó, hoặc gửi đơn khiếu nại lên sở nội vụ, sở tài chính, sở lao động - thương binh và xã hội và cơ quan quản lý của đơn vị sự nghiệp công để thanh tra, kiểm tra xử lý theo đúng quy định.
* Bạn đọc hỏi:
Trường này quy định giáo viên các khoa, bộ môn vừa làm việc theo giờ hành chính vừa phải đảm bảo 380 giờ chuẩn/năm, đồng thời không được nghỉ hè mà nghỉ phép, lễ, Tết như người làm hành chính. Xin hỏi quy định này là đúng hay sai, được căn cứ theo văn bản quy phạm pháp luật nào?
- Luật sư Đặng Hoài Vũ trả lời:
Quy định này là không chính xác. Căn cứ theo điểm b khoản 1 và khoản 2 điều 3 nghị định 84/2020/NĐ-CP ngày 17-7-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục: Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 6 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Ngoài thời gian nghỉ hè theo quy định tại khoản 1 điều này, giáo viên, giảng viên được nghỉ lễ, Tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật lao động.
Do đó, người lao động có thể làm đơn gửi cơ quan chủ quản và sở lao động - thương binh và xã hội để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
* Bạn đọc hỏi:
Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2021 của một trường được hiệu trưởng ban hành sau khi biểu quyết thông qua tại hội nghị viên chức, người lao động năm đó và được quy định có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2021.
Đúng ngày 31-12-2021, hiệu trưởng ký một quyết định "Gia hạn thời gian áp dụng quy chế chi tiêu nội bộ năm 2021 từ ngày 1-1-2022 đến thời điểm ban hành quy chế chi tiêu nội bộ năm 2022" theo đề nghị của trưởng phòng tổ chức - hành chính.
Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2022 cũng được biểu quyết thông qua tại hội nghị viên chức, người lao động cùng năm và được hiệu trưởng ký ban hành ngày 28-1-2022 (lần 1), có hiệu lực cùng ngày.
Đến ngày 30-3-2022, hiệu trưởng lại ký ban hành một quy chế chi tiêu nội bộ năm 2022 nữa (lần 2) mà không đề cập gì đến văn bản đã ban hành trước đó, có hiệu lực từ 1-4-2022 và thay thế cho quyết định gia hạn nêu trên.
Cũng trong ngày này, hiệu trưởng ký thêm một quyết định "Gia hạn thời gian áp dụng quy chế chi tiêu nội bộ năm 2021 ở tất cả các điều, khoản không nằm trong quy chế chi tiêu nội bộ năm 2022" cũng có hiệu lực từ 1-4-2022, theo đề nghị của trưởng phòng tổ chức - hành chính.
Ngày 21-7-2022, hiệu trưởng lại ký ban hành một quy chế chi tiêu nội bộ năm 2022 (lần 3) có hiệu lực từ ngày 1-8-2022 và thay cho quy chế lần 2.
Xin hỏi những việc này đúng hay sai, căn cứ theo văn bản quy phạm pháp luật nào và nếu sai thì sẽ bị xử phạt ra sao?
- Luật sư Đặng Hoài Vũ trả lời:
Trong năm 2021, từ ngày 1-1-2021, nghị định số 16/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đang có hiệu lực thi hành, tới ngày 15-8-2021, nghị định số 60/2021 chính thức thay thế nghị định số 16/2015.
Trong nghị định 16/2015 có nhắc đến quy chế chi tiêu nội bộ nhưng chưa xác định cụ thể về cách thức xây dựng, nội dung quy chế đều chưa được quy định rõ. Mà chỉ quy định chung chung là "Thủ trưởng có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ" (khoản 3 điều 23 nghị định 16/2015) và khoản 3 điều 17 nghị định 16/2015 quy định: "Đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, gửi cơ quan quản lý cấp trên. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quy chế, trường hợp quy chế có quy định không phù hợp với quy định của Nhà nước, cơ quan quản lý cấp trên có ý kiến bằng văn bản yêu cầu đơn vị điều chỉnh lại cho phù hợp.
Sau thời hạn nêu trên, nếu cơ quan quản lý cấp trên không có ý kiến, đơn vị triển khai thực hiện theo quy chế, đồng thời gửi cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát thực hiện, kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi".
Cho đến thời điểm ngày 1-11-2022 thông tư số 56/2022/TT-BTC chính thức có hiệu lực thì mới quy định chặt chẽ hơn về "Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ" tại điều 11: "Quy chế chi tiêu nội bộ cần được tổ chức thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong đơn vị và có ý kiến thống nhất của tổ chức công đoàn, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trước khi ban hành.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công có thành lập hội đồng quản lý hoặc hội đồng trường (áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp), đơn vị trình hội đồng quản lý/hội đồng trường thông qua dự thảo quy chế chi tiêu nội bộ trước khi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.
Trong 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm xem xét, có ý kiến bằng văn bản yêu cầu đơn vị điều chỉnh lại các nội dung chi chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Sau thời hạn trên, nếu cơ quan quản lý cấp trên không có ý kiến, thủ trưởng đơn vị ký ban hành quy chế chi tiêu nội bộ để triển khai thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát thực hiện và kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi".
Có thể thấy, trong trường hợp trên, do tình hình thực tế có những sự thay đổi dẫn đến việc thay đổi quy chế chi tiêu nội bộ trong quá trình chuyển tiếp quy định pháp luật thì việc thực hiện của thủ trưởng còn lúng túng, vướng mắc, chưa có nhiều kinh nghiệm thì thủ trưởng hoàn toàn có thể ban hành quy chế phù hợp nhất đảm bảo tình hình thu chi của đơn vị sự nghiệp và đáp ứng quy định pháp luật, gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính cùng cấp và kho bạc nhà nước để kiểm soát là phù hợp, không sai quy định.
* Bạn đọc hỏi:
Hiệu trưởng trường này ban hành hai quyết định, một về bổ nhiệm viên chức (a), một về gia hạn quy chế chi tiêu nội bộ của năm trước (b) có cùng một số văn bản, cùng ngày ban hành và ngày hiệu lực. Trong đó, quyết định (a) có trong hệ thống quản lý văn bản của UBND tỉnh, còn quyết định (b) chỉ cung cấp bản sao cho một cá nhân ở đơn vị.
- Luật sư Đặng Hoài Vũ trả lời:
Đối với hành vi này là không có sự vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, trường cao đẳng chỉ là đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước (khoản 1 điều 9 Luật viên chức), nên không phải là đối tượng áp dụng của nghị định 30/2020 của Chính phủ về công tác văn thư. Do vậy, đối với những vi phạm này của trường cao đẳng là không phải bị xử lý.
Bạn đọc hỏi:
Thông tư số 15/2021/TT-BLĐTBXH quy định "Quy chế tổ chức, hoạt động của trường cao đẳng do hiệu trưởng ban hành theo quyết nghị của hội đồng trường…".
Hiệu trưởng một trường cao đẳng nghề công lập đã ban hành quy chế tổ chức, hoạt động ghi là "Căn cứ nghị quyết số… của Hội đồng trường…" nhưng thực tế không hề có nội dung nào về quy chế tổ chức, hoạt động trong nghị quyết số… này.
Xin hỏi các hành vi này vi phạm quy định pháp luật nào, sẽ bị xử lý ra sao?
- Luật sư Đặng Hoài Vũ trả lời:
Theo khoản 3 điều 53 thông tư số 15/2021/TT-BLĐTBXH quy định:
"Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của trường cao đẳng, hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm gửi các cơ quan sau đây:
a) Cơ quan chủ quản trường đối với trường cao đẳng công lập
b) Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi trường đặt trụ sở chính.
Sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành quy chế tổ chức, hoạt động và các quy định nội bộ khác của trường phù hợp với quy định tại thông tư này.
Trường hợp này, bắt buộc trường phải gửi quy chế cho ba cơ quan nêu trên, và bắt buộc phải làm đúng theo quy định là có nghị quyết của hội đồng trường nhưng trong quá trình thanh tra, kiểm tra mà thiếu nghị quyết này thì buộc hiệu trưởng phải có trách nhiệm giải trình và tùy mức độ nặng nhẹ sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật hiệu trưởng và những người liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận