30/12/2019 14:55 GMT+7

Giáo viên bị tước quyền cho điểm chính xác và kỷ luật học sinh

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - 'Giáo viên có cảm giác nghề không phải là nghề khi hai vũ khí của họ đã bị tước đoạt là cho điểm chính xác và kỷ luật học sinh'.

Giáo viên bị tước quyền cho điểm chính xác và kỷ luật học sinh - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia hội thảo - Ảnh: M.G.

Đó là ý kiến của PGS.TS Lê Khánh Tuấn - nguyên phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT - tại hội thảo "Đánh giá tổng quát chất lượng giáo dục Việt Nam - tiếp cận và thách thức" do Trường đại học Sài Gòn và Trường đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 30-12.

Quá chú trọng bằng cấp

Theo các đại biểu, không thể phủ nhận chất lượng giáo dục phổ thông đã có những tiến bộ. Nhưng nếu so sánh với nhu cầu và kỳ vọng của xã hội thì chưa đủ.

PGS.TS Lê Khánh Tuấn - nguyên phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT - cho rằng hiện thân chất lượng tại Việt Nam là bằng cấp nên người học ít quan tâm đến thu nhận kiến thức, phương pháp mà chỉ quan tâm đến bằng. Mục tiêu của ngành giáo dục là hướng đến sự rèn luyện tư duy, phát triển học sinh nhưng phụ huynh lại không biết đến những điều này.

Ngoài ra còn có nhiều yếu tố bất lợi trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, như sự thiếu ổn định trong chính sách tuyển dụng, ý kiến giáo viên ít được lắng nghe dẫn đến họ làm việc theo phận sự là chủ yếu, không mạnh dạn đổi mới, sáng tạo.

Ông chia sẻ: "Giáo viên có cảm giác nghề không phải là nghề khi hai 'vũ khí' của họ là cho điểm chính xác và kỷ luật học sinh bị tước đoạt vì sự bảo vệ giáo viên chưa đủ độ và bệnh thành tích của trường. 

Ngoài ra dạy thêm, học thêm không phải là xấu, nhưng trong đối xử lại đánh đồng nó với 'dạy thêm học thêm tràn lan', như vậy là không công bằng trong quan niệm nghề nghiệp. Bác sĩ có thể làm thêm ngoài giờ tại sao giáo viên lại không được làm một cách chính đáng?".

Học sinh muốn học gắn với ứng dụng

Giáo viên bị tước quyền cho điểm chính xác và kỷ luật học sinh - Ảnh 2.

Khánh Lam - học sinh lớp 10 Trường trung học Thực hành - chia sẻ mong muốn của mình tại hội thảo - Ảnh: M.G.

Một trong những ý kiến được quan tâm, trao đổi nhiều tại hội thảo này lại đến từ những học sinh. Khánh Lam - học sinh lớp 10 Trường trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM - chia sẻ mong muốn chương trình giáo dục phổ thông phù hợp hơn, kiến thức ở mức cơ bản chứ không quá nặng. Học sinh sẽ còn học đại học nên những kiến thức nặng nên được phân bổ ở đại học.

Nên có nhiều hơn nội dung về kỹ năng, mang tính thực tiễn, tăng các hoạt động trải nghiệm để học sinh có thể ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế -

Khánh Lam - học sinh lớp 10 Trường Trung học thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM

Tương tự, Hoàng Quân - lớp 9 Trường trung học Thực hành Sài Gòn - bày tỏ: môn văn học sinh được học nhiều thể loại nhưng để kiểm tra, đề thi lại chủ yếu tập trung vào nghị luận văn học nặng về kiến thức, ít nghị luận xã hội. 

"Nghị luận xã hội cũng là ứng dụng văn học vào thực tiễn. Đề thi nên ít tập trung vào phần nghị luận văn học, tăng nghị luận xã hội để học sinh có nhiều cơ hội ứng dụng vào thực tế cuộc sống", Quân đề xuất.

Chia sẻ với các ý kiến này, PGS.TS Dương Thị Hồng Hiếu - Trường đại họcSsư phạm TP.HCM - cho rằng những vấn đề học sinh trăn trở sẽ được giải quyết khi chương trình sách giáo khoa mới chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, tăng trải nghiệm, ứng dụng thực tiễn. Đề kiểm tra văn tập trung vào kỹ năng vận dụng chứ không quá chú trọng vào kiến thức nội dung như hiện nay.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thanh Minh - Trường đại học Sài Gòn - thừa nhận chương trình và nội dung kiểm tra hiện nay đúng như học sinh phản ảnh. Tuy nhiên, bà Minh cho biết đã có một số thay đổi theo hướng ý kiến học sinh nêu: "Những người làm giáo dục cũng đã thấy và chương trình mới sẽ có cách kiểm tra, đánh giá phù hợp để học sinh không còn ngán môn văn".

Trường đại học có tác động đến chất lượng phổ thông

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - phó hiệu trưởng Trường đại học sư phạm TP.HCM, nhiều ý kiến đặt vấn đề các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục phổ thông nhưng chưa nêu vai trò của trường đại học.

"Trường đại học cũng có tác động rất lớn đến chất lượng giáo dục phổ thông. Các trường tuyển sinh, đào tạo chất lượng thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ giáo viên giảng dạy trong hệ thống giáo dục sau này", ông Sơn nói.

Thiếu 76.000 giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới Thiếu 76.000 giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

TTO - Chiều 9-1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó sẽ bàn kỹ các điều kiện đủ để chương trình khả thi và lộ trình thực hiện.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp