Theo Hãng tin AP ngày 15-7, giao tranh giữa quân đội Myanmar và các nhóm nổi dậy ở đông bắc nước này đã trở nên phức tạp hơn trong vài ngày qua. Ít nhất 2 nhóm trước đây không tham gia giao tranh nhưng giờ đã bắt đầu can dự và muốn đóng vai trò lực lượng thứ ba đứng ra đảm bảo ổn định trong khu vực.
Hai nhóm này là Đội quân liên hợp bang Wa (United Wa State Army, UWSA) và Đội quân bang Shan-Bắc (Shan State Army-North, SSA-N).
Hiện nay các nhóm đang đổ dồn sự chú ý vào thành phố Lashio (bang Shan), nằm cách Mandalay khoảng 210km về phía đông bắc. Mandalay là thành phố lớn thứ hai của Myanmar và là nơi đặt trụ sở bộ chỉ huy quân sự đông bắc của các tướng lĩnh cầm quyền Myanmar.
Hai nhóm vũ trang là Quân đội Giải phóng quốc gia Ta'ang (TNLA) và Đội quân Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) tuần trước đã tiến về Lashio, thành phố lớn nhất ở phía bắc bang Shan.
TNLA, MNDAA, cùng với Đội quân Dân tộc Arakan (AA) nằm trong "Liên minh 3 anh em". Tháng 10 năm ngoái, liên minh này đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ và thành công trong việc chiếm giữ các phần lãnh thổ rộng lớn dọc theo biên giới Myanmar với Trung Quốc.
Vào cuối tuần trước, Đội quân liên hợp bang Wa (UWSA) và Đội quân bang Shan-Bắc (SSA-N) - những lực lượng không tham gia vào cuộc tấn công tháng 10 năm ngoái - bất ngờ điều động lực lượng đến khu vực Lashio, dường như nhằm cản trở cuộc tấn công của TNLA và MNDAA.
UWSA tuyên bố đã điều khoảng 2.000 quân vào hôm 11-7 đến Tangyan, một thị trấn giáp ranh với Lashio - nơi đã bị TNLA tấn công. Tangyan được cho là nơi sinh sống của số lượng lớn người dân tộc Wa.
Ông Nyi Rang, một thành viên phụ trách liên lạc của UWSA, tiết lộ động thái này nhằm ngăn chặn xung đột vũ trang lan rộng đến thị trấn nói trên. Ông cho biết UWSA đã đàm phán với chính quyền quân sự Myanmar theo yêu cầu của người dân, trước khi triển khai quân.
Còn nhóm SSA-N đã điều hơn 1.000 quân vào hôm 12 và 13-7 đến thị trấn Mongyai gần đó - nơi MNDAA đang giao tranh với quân đội Myanmar. Người Shan coi Mongyai nằm trong phạm vi ảnh hưởng của họ, không nên để nhóm khác tiếp quản.
Nhóm SSA-N đã đưa ra tuyên bố trên Facebook, nêu rõ họ triển khai quân vì sự ổn định trong khu vực và đảm bảo an ninh cho người dân.
"Đây là khu vực mà chúng tôi đã thống trị. Đó là lý do chúng tôi làm như vậy để ngăn thị trấn rơi vào tay các tổ chức khác và để giữ nó dưới sự quản lý của Đội quân bang Shan. Người dân cũng yêu cầu chúng tôi bảo vệ họ" - ông Sai Su, người phát ngôn của nhóm, nói.
Sự can thiệp của các lực lượng chiến đấu hùng mạnh nói trên càng làm nổi bật tình hình căng thẳng ở Myanmar. Nhiều thập niên qua các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở Myanmar đã tìm cách giành quyền tự chủ lớn hơn từ chính quyền trung ương nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận