30/09/2020 08:01 GMT+7

Giao tranh Armenia - Azerbaijan leo thang, Nga - Thổ sẽ nhảy vào?

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 28-9 cho biết đã gọi điện cho các lãnh đạo Azerbaijan và Armenia để kêu gọi ngừng bắn. Trong khi đó, tình hình chiến sự tại Nagorno-Karabakh vẫn nóng lên.

Giao tranh Armenia - Azerbaijan leo thang, Nga - Thổ sẽ nhảy vào? - Ảnh 1.

Các binh sĩ Azerbaijan trong cuộc giao tranh với phía Armenia ở vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno - Karabakh - Ảnh: AP

Cuộc giao tranh này là một diễn biến cực kỳ nguy hiểm.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert nói ngày 28-9

Antonio Guterres kêu gọi các bên "ngay lập tức dừng giao tranh, xuống thang căng thẳng và quay lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa mà không cần điều kiện tiên quyết". Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng lên kế hoạch tổ chức họp khẩn theo hình thức họp kín về tình hình tại Nagorno-Karabakh.

Dọa dùng tên lửa Nga

Ngày 29-9, các lực lượng của Armenia và Azerbaijan tiếp tục triển khai pháo hạng nặng khi cuộc giao tranh tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh bước vào ngày thứ ba. Đã có ít nhất 95 người chết, gồm cả dân thường, từ các bên trong ba ngày giao tranh.

Theo Hãng tin Reuters, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết phía Azerbaijan khai hỏa nhắm vào một đơn vị quân đội của Armenia và một xe buýt của người dân bốc cháy sau khi bị máy bay không người lái của Azerbaijan tấn công trong ngày 29-9.

Trong khi đó, các quan chức Armenia tuyên bố nước này sẵn sàng sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander do Nga chế tạo ở vùng Nagorno-Karabakh nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các tiêm kích F-16 do Mỹ chế tạo để ủng hộ các lực lượng của Azerbaijan. 

Đại sứ Armenia tại Nga Vardan Toganyan cho biết "tất cả biện pháp, gồm dùng tên lửa Iskander" đều đang được xem xét. Còn người phát ngôn Artsrun Hovhannisyan của Bộ Quốc phòng Armenia nói rằng Armenia có thể sử dụng các vũ khí hạng nặng nếu cần thiết. Nghị sĩ Lilit Makunts của Armenia cho biết nước này đang xem xét khả năng dàn xếp một liên minh quân sự - chính trị với Nagorno-Karabakh.

Căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan đã có từ thời điểm Liên Xô sụp đổ cách đây 30 năm, khi Nagorno-Karabakh, một vùng đất có đa số người Armenia sinh sống nhưng lại nằm bên trong lãnh thổ Azerbaijan, tuyên bố độc lập sau một cuộc chiến vào đầu thập niên 1990 cướp đi mạng sống của khoảng 30.000 người.

Tuy nhiên, Nagorno-Karabakh không được các quốc gia công nhận là một nước cộng hòa độc lập và cộng đồng quốc tế vẫn xem đây là một phần lãnh thổ của Azerbaijan. Trong khi đó, Armenia ủng hộ Nagorno-Karabakh.

Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan đầu tuần này đã huy động quân đội và một phần lực lượng quân dự bị với mục tiêu giành lại quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh.

Quân đội Azerbaijan cũng phát một tuyên bố khẳng định mục tiêu là thay đổi hiện trạng bằng cách chiếm lại vùng đất này. "Các đơn vị quân đội của Azerbaijan hiện triển khai hoạt động chiến đấu để tiêu diệt kẻ thù và giải phóng những vùng đất bị chiếm đóng" - tuyên bố nêu.

Hãng tin nhà nước Azertac của Azerbaijan dẫn lời tướng Mayis Barkhudarov của Azerbaijan: "Quân đoàn dưới sự chỉ huy của tôi sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để hoàn toàn tiêu diệt kẻ thù và giành thắng lợi".

Nga - Thổ nhảy vào?

Những ngày gần đây, xe tăng, trực thăng, pháo binh, bộ binh... liên tục được triển khai ở vùng Kavkaz - khu vực địa lý nằm ở biên giới giữa châu Âu và châu Á.

Báo New York Times bình luận điều đó cho thấy cả hai phía - Azerbaijan và Armenia - đều đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột dài hơi hơn so với các cuộc trạm chán nhỏ nơi biên giới những năm qua. Và cuộc chiến địa phương vì một vùng đất mang ít giá trị chiến lược, Nagorno-Karabakh, có khả năng sẽ lôi kéo những nước lớn hơn trong khu vực như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện Nga có thỏa thuận phòng thủ chung với Armenia - mà sẽ có hiệu lực nếu cuộc giao tranh lan vào Armenia. Phía Armenia đã ghi nhận một số đạn pháo rơi trên lãnh thổ của họ.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ủng hộ Azerbaijan. Đầu tuần này, một cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ra một tuyên bố lên án Armenia. 

Thúc giục Armenia "dừng vi phạm luật quốc tế", tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với người dân và Chính phủ Azerbaijan chống lại bất kỳ cuộc xâm lược của Armenia hay bất kỳ quốc gia nào khác".

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng hỗ trợ cho các nhóm đối lập trong các cuộc chiến ở Libya và Syria. Trong cuộc giao tranh mới nhất, một hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã tấn công các mục tiêu tại vùng Nagorno-Karabakh, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại đây.

Các nhà lãnh đạo nước ngoài đã kêu hai bên ngừng bắn nhanh chóng, nhưng Armenia và Azerbaijan cho thấy họ có thể dính vào một cuộc giao tranh lâu hơn. Một cuộc giao tranh trong khu vực vào năm 2016 đã khiến 200 quân nhân thiệt mạng ở cả hai bên nhưng nhanh chóng kết thúc nhờ sự hòa giải của Nga.

Tuy nhiên, nhà phân tích Olesya Vartanyan đến từ Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG) đánh giá với tác động của đại dịch COVID-19, các biện pháp hạn chế đi lại đã cản trở nỗ lực ngoại giao và "đây là thời điểm hoàn hảo" để bắt đầu một cuộc chiến. Đầu tuần này, sân bay quốc tế ở thủ đô Baku của Azerbaijan đã hủy các chuyến bay.

Máy bay Armenia bị Thổ bắn hạ?

Bộ Quốc phòng Armenia ngày 29-9 cho biết tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay Su-25 của Armenia trong không phận nước này khiến phi công thiệt mạng.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan cho biết cuộc tấn công được thực hiện từ không phận Azerbaijan vào 10h30 sáng cùng ngày, theo giờ địa phương.

Báo Nga Sputnik News đưa tin cố vấn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Altun đã phủ nhận cáo buộc từ phía Armenia. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng đã phủ nhận vụ việc.

MINH KHÔI

Giao tranh giữa hai nước Liên Xô cũ: Số người chết tăng, LHQ họp khẩn Giao tranh giữa hai nước Liên Xô cũ: Số người chết tăng, LHQ họp khẩn

TTO - Tổng số thương vong trong cuộc giao tranh tại vùng Nagorno-Karabakh đã tăng lên ít nhất 95. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến tổ chức họp khẩn theo hình thức họp kín trong ngày 29-9 để bàn về cuộc giao tranh ác liệt này.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp