Hình ảnh Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình chuẩn bị bắt tay nhau sau cuộc họp báo chung ở Bắc Kinh hồi tháng 11-2017 trong chuyến thăm của ông Trump tại đây - Ảnh: REUTERS
Truyền thông Mỹ từng thông tin đầy quan ngại về chuyện Trung Quốc nhanh chóng tiến hành đánh thuế cao đối với mặt hàng bo bo (còn gọi là cao lương, lúa miến) nhập từ Mỹ.
Khi đó nhiều tàu hàng Mỹ đang trên đường đến Trung Quốc đã lúng túng không biết phải làm thế nào.
Trong một thông báo phát đi hôm nay 18-5, Bộ Trung Quốc cho biết đã quyết định dỡ bỏ mức thuế cao đối với nông sản Mỹ vì lo sợ các nhà chăn nuôi trong nước sẽ gặp tình trạng giá cao khó bán, đặc biệt là người nuôi heo, vì bo bo nhập từ Mỹ chủ yếu dùng cho chăn nuôi ở Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết việc áp đặt các biện pháp mang tính trừng phạt sẽ "tác động tới chi phí sinh hoạt của một số lượng lớn người tiêu dùng (Trung Quốc) và sẽ không phục vụ lợi ích chung".
Hồi tháng 4 vừa qua, Bắc Kinh từng thông báo áp dụng mức thuế lên đến 178,6% đối với mặt hàng bo bo nhập từ Mỹ.
Khi đó Bắc Kinh gọi đây là "thuế chống bán phá giá" sau cuộc điều tra sơ bộ cho thấy các công ty Mỹ đã bán phá giá bo bo trên thị trường Trung Quốc, cạnh tranh không lành mạnh gây tổn hại hoạt động sản xuất và kinh doanh trong nước.
Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều nhất bo bo của Mỹ. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 4,8 triệu tấn bo bo từ Mỹ, so với 317.000 tấn hồi năm 2013.
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, giá trung bình trên mỗi tấn bo bo đã giảm, kéo theo sự sụt giảm của mặt hàng bo bo của Trung Quốc.
Cần chú ý là động thái từ Trung Quốc được công bố đúng vào lúc phái đoàn do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu đang tiến hành vòng đàm phán thứ hai về thương mại với Mỹ tại Washington.
Các nhà quan sát xem nó chẳng khác "món quà thiện ý" từ Bắc Kinh để dễ nói chuyện với nhau trên bàn làm việc.
Các quan chức Mỹ trong khi đó còn tự tin cho biết Trung Quốc sẽ đề xuất Tổng thống Mỹ Donald Trump một gói nhượng bộ thương mại và tăng mua hàng hóa Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc khoảng 200 tỉ USD/năm.
Thông tin về đề xuất trên được đưa ra trong ngày đầu tiên trong hai ngày đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra tại thủ đô Washington, tập trung giải quyết các đe dọa thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nguồn tin cho biết tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất nếu ông Trump chấp nhận đề xuất này. Boeing là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ và đã bán khoảng 1/4 số máy bay thương mại của mình cho các khách hàng Trung Quốc.
Mẫu xe hơi mới của hãng Ford trong lần trưng bày tại Triển lãm xe hơi Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 4-2018 - Ảnh: REUTERS
Một nguồn tin khác tiết lộ gói nhượng bộ có thể bao gồm một khoản miễn thuế hiện đang có hiệu lực đối với khoảng 4 tỉ USD hàng nông sản của Mỹ, gồm hoa quả, các loại hạt, thịt lợn, rượu vang và lúa miến.
Nội dung đề xuất trên của Trung Quốc sẽ đáp ứng phần lớn đòi hỏi mà giới chức chính quyền Tổng thống Trump đã gửi tới Trung Quốc trong cuộc gặp cách đây hai tuần.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giảm 200 tỉ USD thâm hụt thương mại trên cơ sở bền vững sẽ đòi hỏi sự thay đổi lớn trong cấu trúc thương mại giữa hai nước, bởi thâm hụt hàng hóa của Mỹ đã lên tới 375 tỉ USD năm 2017. Hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc là máy bay (với 16 tỉ USD ) và đậu nành (12 tỉ USD) trong năm 2017.
Một số nhà quan sát bày tỏ hoài nghi rằng Mỹ khó có thể sớm đạt mục tiêu giảm thâm hụt 200 tỉ USD và cho biết đề xuất gói nhượng bộ nói trên có thể bao gồm các cam kết mà trước đó Trung Quốc đã thông báo.
Dẫu sao cũng có thể thấy rằng sau những phát biểu đầy cứng rắn kiểu "sẵn sàng chơi đến cùng", Bắc Kinh cũng đã điều chỉnh một số điều kiện và hiểu rằng đội ngũ của ông Trump lần này làm thiệt theo tinh thần phải có lợi cho người dân Mỹ.
Tuy nhiên, nếu chấp nhận một thỏa thuận sơ bộ giảm thâm hụt thương mại cũng có thể làm suy yếu mục tiêu thuế ban đầu của Tổng thống Trump nhằm buộc Trung Quốc từ bỏ các chính sách mà chính quyền Mỹ cho là nhằm đánh cắp công nghệ Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận