31/01/2014 00:00 GMT+7

Giao thừa thiêng liêng: Chia ly để đoàn tụ

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTXuân - Với người Việt, Tết là đoàn tụ. Trong không khí thiêng liêng của phút giao thừa, ở khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và mới, không có gì hạnh phúc bằng tất cả các thành viên trong gia đình quây quần trước bàn thờ tổ tiên.

Có những cuộc đoàn tụ một cách viên mãn với đầy đủ thành viên trong gia đình, nhưng cũng có những cuộc đoàn tụ của người đang sống với người đã khuất, vừa tìm lại được một chút xương tàn...

“Chúng tôi siết chặt lấy nhau. Hạnh phúc vỡ oà mà nước mắt cứ chảy ra, chẳng ai kìm được. Cả người từ chiến trường về lẫn người ở nhà đều đầm đìa nước mắt mừng vui”. Nhiều mùa xuân đã trôi qua, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn không quên thời khắc thiêng liêng ông được quây quần bên vợ con trong mùa xuân hòa bình đầu tiên...

vEqrXZaw.jpg
Vợ chồng tướng Hoàng Anh Tuấn
Uv1a64LQ.jpg
Hòa bình và hạnh phúc của hai vợ chồng tướng Hoàng Anh Tuấn

Chiều muộn cuối năm 2013, tướng Hoàng Anh Tuấn vui vẻ tiếp tôi trong căn hộ chung cư nhỏ cũ ở TP.HCM. Nắng giao mùa rọi qua cửa sổ lúc đậm lúc nhạt theo cơn mưa rào chạy hạt. Vị tướng trận năm xưa nay tóc đã bạc phơ, xúc động hồi tưởng một thời chiến chinh và tình nghĩa vợ chồng có thể tử biệt phân ly bất cứ lúc nào.

Tết hạnh phúc

Lặng nhìn di ảnh người vợ đã ra đi trước mình, ông bùi ngùi tâm sự: “Vợ chồng chúng tôi đến với nhau trong chiến tranh. Và cũng chính chiến tranh đã chia cách chúng tôi, nên giây phút nào được ở bên nhau quý báu lắm. Điều này có thể các đôi lứa sống thời bình khó cảm nhận hết được. Chỉ khi nào đứng trước bom đạn, trước những cuộc chia ly có thể là tử biệt, người ta mới hiểu hết được ý nghĩa thiêng liêng của đoàn tụ!”.

Đó là thời khắc đặc biệt mà ông tâm sự rằng chỉ có người trong cuộc mới thật sự thấu cảm được, và ngôn ngữ thì khó có thể diễn tả hết nổi. Ngày 30-4-1975, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đang là trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam VN ở trại Davis, Sài Gòn. Mãi đến tháng 6, ông mới thu xếp được chuyến đi đường bộ ra Hà Nội để về với gia đình.

“Vừa mới thoáng thấy bóng tôi đến cổng khu tập thể Bệnh viện Hà Đông, vợ con đã ào ra, ôm ghì lấy nhau, khóc nức nở. Còn tôi nghẹn ngào, cổ như có gì đó chặn lại không thốt được lời nào. Nước mắt chỉ ứa rơi xuống mái đầu vợ con! Mấy chục năm vào sinh ra tử, khắc khoải đợi chờ ngày này”. Nghẹn ngào nhìn lại tấm ảnh người yêu thương giờ không còn nữa, ông xúc động tâm sự mình đã có những cuộc đoàn tụ rồi chia ly, nhưng đây là cuộc đoàn tụ trong hòa bình nên ý nghĩa của nó thiêng liêng vô cùng.

Mãi đến mùa xuân năm 1976, ông mới được hưởng cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Căn hộ tập thể Bệnh viện Hà Đông rộng chưa được 20 mét vuông nhưng vẫn thênh thang vì mọi người lúc nào cũng muốn gần gũi bên nhau. Đây cũng là năm vợ chồng ông được bồng bế đứa cháu ngoại đầu lòng. Vị tướng trận trở về xắn quần đi gánh nước cho vợ con, rồi xếp hàng mua gạo, rọc lá chuối, kiếm củi, bóc vỏ hành kiệu... Cái giường tre của vợ chồng trở thành nơi gói bánh. Khoảng sân tập thể phía trước đỏ lửa nồi bánh chưng.

Cả nhà không ai muốn chợp mắt để suốt đêm giao thừa được ở cùng nhau. Những lời chúc tết lúc này đều không còn cần thiết vì từng nhịp tim, từng ánh mắt, cử chỉ yêu thương họ đã dành hết cho nhau. Ông Tuấn kể đã trải qua thời điểm giao thừa khắp Bắc, Trung, Nam nhưng chưa bao giờ ông có giao thừa thiêng liêng, hạnh phúc như năm 1976 ấy. Cái tết mà người lính sẽ không còn phải trở vào trận. Và vợ con thơ cũng không phải gạt nước mắt tiễn biệt chồng cha ra đi chẳng biết có ngày về…

Những cuộc chia ly

Ngược thời gian trở lại thời khắc lịch sử năm 1949, cả nước đang chìm trong bom đạn vệ quốc khốc liệt. Anh tiểu đoàn phó tiểu đoàn 118 Phú Yên Hoàng Anh Tuấn bén duyên với cô y tá Trương Thị Minh Trì. Thuở đầu tình duyên của họ, những buổi gặp gỡ vội vã, những lời hẹn ước đôi lứa âm thầm diễn ra bên ngoài thành phố Nha Trang. Rồi chiến tranh cuốn đi, họ thành duyên vợ chồng trên cùng mặt trận Tuy Hòa trong lúc bom rơi đạn nổ ác liệt.

“Lúc ấy chúng tôi yêu nhau thì đến với nhau, chứ thật sự chẳng lòng người nào dám nghĩ sẽ trọn vẹn được duyên bạc đầu. Người trong thời chiến sống đấy mà cũng chết ngay đấy. Lời thề ước tháng năm có mấy ai dám nghĩ mình sẽ thực hiện được” - tướng Hoàng Anh Tuấn tâm sự vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, ông lại tiến vào cuộc chiến đằng đẵng suốt 20 năm. Tập kết ra Bắc, vợ chồng ông mang theo người con gái Phước Hải sinh năm 1951 ở mặt trận. Rồi họ vui mừng chào đón bé Quỳnh Lương trên ngôi làng cùng tên thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Còn một người con Thanh Minh cũng chính là tên ngôi làng ở phía tây thành phố Nha Trang mà ngày xưa mẹ cha đã hẹn hò nên duyên...

Gia đình quây quần bên nhau được vài cái Tết, ông Tuấn lại được lệnh Nam tiến. Cuộc chiến trong đây đã đến hồi khốc liệt. Mặt trận đang rất cần những người có kinh nghiệm tác chiến như ông. Nhiều năm đã trôi qua với bao biến động thời cuộc thăng trầm, nhưng vị tướng đầu bạc vẫn không thể quên cuộc chia ly đặc biệt này. Hồi ấy bà Trì còn đang học y ở Thái Bình. Ông là sĩ quan cấp cao vẫn chưa có nhà riêng nên được thu xếp cho vợ chồng và các con gần nhau 20 ngày ở nhà khách Bộ Quốc phòng, Hà Nội.

Đó là khoảng thời gian ngắn ngủi mà ông Tuấn tâm sự gia đình mình đã nâng niu đến từng phút, từng giây được ở bên nhau. Bất cứ việc lớn việc nhỏ gì ông Tuấn cũng muốn làm hết cho vợ con, bởi ông sợ mình sẽ không còn dịp nào dành cho gia đình nữa. “Ai đã từng vào chiến trường mới hiểu được điều này. Người lính nào cũng nặng lòng thương yêu vợ con ở nhà, nhưng chỉ có khoảnh khắc ở bên nhau họ mới có thể sống tận hiến cho tình cảm. Còn ở mặt trận, bom đạn cứ cuốn người lính vào hết trận chiến này đến trận chiến khác, không còn cả thời gian để nghĩ đến riêng tư nữa”.

Ông Tuấn ngậm ngùi nhớ mãi buổi sáng mùa đông chia tay vợ con vào Nam. Bà Trì và các con thơ dại đứng nép vào nhau tiễn chồng trên sân ga. Tiếng khóc bị nén vào lòng, chỉ có nước mắt ứa ra trên những gương mặt đang ngóng theo chồng, theo cha. Về sau nhắc lại kỷ niệm này, vợ ông tâm sự mình đã cố nuốt tiếng khóc để người chồng yên tâm vào trận.

“Đến tận giờ tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh vợ con đứng lặng ở sân ga và cảm xúc xé lòng của mình. Cổ tôi nghẹn lại không thốt được tiếng nào, chỉ ước gì thời gian dừng lại và được ôm mãi vợ con vào lòng. Khi xe bắt đầu chạy, tôi cố gắng không quay đầu lại bởi tôi nghĩ rằng nếu mình nhìn lại sẽ khó cầm được nước mắt và làm đau lòng vợ con thêm. Mình buồn một, vợ con ở nhà còn buồn mười. Thân phận người vợ trong chiến tranh đáng thương lắm!” - tướng Hoàng Anh Tuấn kể những cuộc chia ly sau này ông đều lặng lẽ đi, không để cho vợ con ra tiễn bởi ông sợ hình ảnh và cảm xúc buồn đau đó lặp lại. Người lính vào chiến trường không còn mấy thời gian nhớ nhung, nhưng phụ nữ ở nhà không thể nguôi được cảm xúc buồn nhớ này.

Giã biệt gia đình, tướng Hoàng Anh Tuấn trở lại Liên khu 5, chiến trường miền Trung như hổ về rừng. Sư đoàn 2 chủ lực Quân khu 5 do ông làm sư đoàn trưởng nhanh chóng trở thành nỗi kinh hoàng của đối phương. Những chuyện kể truyền miệng như huyền thoại về vị tướng độc nhãn (do bị thương trong một trận đánh nhau với quân Nhật ở Nha Trang năm 1945) Hoàng Anh Tuấn và đoàn quân của mình với lối giao chiến dũng cảm, táo bạo đã làm cho đối phương cũng phải nể phục. Ngoài mặt vị tướng trận này luôn cứng rắn. Nhưng mỗi khi tiếng súng tạm ngưng, ông lại không kìm được nỗi nhớ gia đình.

Lần giở từng lá thư bạc màu thời gian và bom đạn chiến trường, vị tướng trận ứa nước mắt cho tôi xem tình nghĩa vợ chồng của mình: “Thư này đến với anh vào dịp tết … Em chúc anh và gửi đến anh tất cả tình yêu và nhớ thương nhất. Tết năm nay cũng như các năm trước, em và các con nhớ đến anh thật nhiều và sẽ thức cùng anh để đón giao thừa anh nhé. Anh ơi, xa anh, em nhớ anh nhiều lắm, nhớ nhưng không biết bao giờ mới gặp lại anh. Các con thì cứ nhắc đến anh luôn và cứ hỏi bao giờ ba về. Muốn cho con có niềm hi vọng, em nói tết này ba về. Rồi tết qua đi, không thấy ba về, chúng lại hỏi. Em phải nói ba bận công tác, chắc đến hè ba sẽ về. Nhưng hè rồi lại tết, tết rồi lại hè mà vẫn chưa thấy ba về. Các con cứ hỏi sao ba lâu về thế… Một hôm Phước Hải phỉnh Bé bảo ba về, ba về. Bé lật đật chạy ra nhìn trước nhìn sau mà không thấy ba, nó buồn lắm…”.

aU7V4k16.jpg
Tướng Hoàng Anh Tuấn và gia đình đón tết thanh bình - Hà Nội
QOHxf1FE.jpg
Những lá thư nặng tình yêu thương hai vợ chồng tướng Hoàng Anh Tuấn trao cho nhau - Ảnh: Quốc Việt

Tiếng khóc trẻ thơ

Hồi tưởng một thời chiến tranh phải xa gia đình, vị tướng trận mạc năm xưa bùi ngùi không được gần các con, ông ám ảnh mãi tiếng khóc trẻ thơ ngay trên chiến địa. Đó là một đêm tối trời cuối tháng 1-1970, sư đoàn ông nghỉ lại ở làng Phước Hà, vùng bán sơn địa đông bắc huyện Tuy Phước, Quảng Nam. Pháo Mỹ từ Quế Sơn cấp tập giội sang lóe sáng cả núi rừng. Tiếng pháo vừa ngớt, ông nghe tiếng trẻ thơ khóc lóc, kêu cứu. Y tá sư đoàn chạy đến thì thấy một đứa trẻ khoảng 12 tuổi bị thương lòi ruột vì mảnh pháo. Một lát sau cậu bé này mất, để lại hai đứa em khoảng lên 3 và 8 tuổi. Hoàn cảnh gia đình này thật thương tâm khi cha là du kích đã bị đối phương giết, vứt mất xác. Mẹ và hai người con khác sau đó cũng chết đói vì không chịu vào ấp chiến lược. Còn ba anh em thơ lay lắt ở lại bên nhau thì bị trúng trận pháo này.

Nhắc nhớ chuyện đã trôi qua lâu, ông Tuấn vẫn rưng rưng kể: “Tôi cũng có con thơ nên nhìn cảnh các cháu mà không kìm được tiếng khóc ngay chiến trường!”. Chẳng đành lòng để lại trẻ bơ vơ, đơn vị ông đang hành quân vẫn cố đùm bọc mang theo. Một bé được đặt tên Kiên, một bé là Cường. Vị tướng đầu bạc nhớ lại đây là thời điểm sư đoàn của ông cũng đang chịu cảnh đói nghiêm trọng. Gạo cực kỳ hiếm hoi, chỉ có thương bệnh binh mới được ăn cháo.

Trọng trách sư đoàn trưởng của ông được anh em cần vụ lo bữa ăn ngang với tiêu chuẩn thương bệnh binh. Nhưng không đành nhìn anh em đói khát, mỗi bữa ông đều xuống ăn khoai sắn chung với lính. Rồi cả khoai, củ rừng cũng cạn dần. Họ phải ăn cả phần vỏ, cây và nhiều người bị ngộ độc. Hai cháu nhỏ được thương bệnh binh sẻ chia phần cháo của mình. Về sau, quân khu hay chuyện xúc động này đã gửi sang một ít gạo dành dụm được. Nhìn hai cháu xì xụp húp chén cháo loãng, ông Tuấn ứa nước mắt nhớ các con ở nhà...

Những lá thư gửi về cho vợ con, vị tướng trận mạc bộc lộ hết tình cảm yêu thương: “Anh gửi lời thăm em và các con tất cả tình thương nhớ của anh… Mới ngày nào ba ra đi, Bé chưa đầy 9 tháng, mới biết ngồi chập chững, chưa biết ba là gì, nay nghe nói Bé đã đọc được làu làu, chỉ còn chưa viết được thôi … Ba rất trông đọc được bức thư đầu của Bé quá, và rất mong nhìn được ảnh Bé 6 tuổi... Anh ước gì được gần em và các con, để được bồng Bé lên cưng một chặp, nói cho Bé nghe hết nỗi niềm thương nhớ của ba, không những đối với Bé mà cả đối với má và các chị nữa, nhất là đối với má của Bé đấy… Em ơi, xa nhau không gặp nhau được, mượn giấy thay lời nói với nhau những tình cảm thiết tha nhất nhưng giấy cũng không thể nói hết được. Sau này anh về, em sẽ rõ hết mối tình thương nhớ của anh đối với em và các con thiết tha đến chừng nào!”.

Cuối tháng 12-1970, ông Tuấn được về phép thăm vợ con sau những trận chiến khốc liệt. Từng vượt Trường Sơn nhiều lần, nhưng đây là chuyến đi đặc biệt trong đời ông khi cuối con đường là vợ con thơ đợi chờ. Giây phút hội ngộ, ông chưa kịp rũ áo bụi đường, đã ôm chặt người thương yêu trong tay. Ông nghẹn ngào, cổ họng nghẹn lại, không bật được tiếng khóc. Còn vợ con rưng rức đầm đìa nước mắt. Được đoàn tụ Tết năm 1972 với vợ con, vị tướng trận mạc hạnh phúc giành hết việc nhà vào phần mình. Ông sửa cái chân bàn ọp ẹp để con học, tranh thủ dạy thêm các con học hành, rồi lợp lại mái nhà dột phía trên giường ngủ của vợ...

Nhưng chưa trọn vẹn hết ngày mùng 1 Tết bên vợ con, đĩa bánh chưng còn đang ăn dở, ông Tuấn bất ngờ nhận lệnh khẩn cấp phải quay lại chiến trường từ tướng Lê Trọng Tấn. Đối phương đã khởi động chiến dịch Lam Sơn. Những trận chiến ác liệt mới lại bắt đầu. Và vị tướng trận mạc tiếp tục ra đi biền biệt cho đến mùa xuân đoàn tụ năm 1976. Chồng Nam, vợ Bắc hợp lại dưới một mái nhà thương yêu!

“Tướng độc nhãn”

Đó là biệt danh mà báo chí ở Sài Gòn trước năm 1975 đặt cho thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, như một sự trân trọng khi liên tưởng đến vị tướng độc nhãn nổi tiếng của Israel Moshe Dayan. Năm 1945, trong trận giao chiến khốc liệt với quân Nhật ở Nha Trang, ông bị trúng lựu đạn làm mù một mắt và bị thương nặng mắt còn lại. Cả cơ thể đầm đìa máu, nhưng ông vẫn trụ lại trận địa bắn hết 12 quả tạc đạn, và nhiều giờ sau mới chịu xuống hầm cứu thương. Hiện trên vùng đầu ông vẫn còn hai mảnh lựu đạn chưa lấy ra được.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn sinh năm 1925 ở Huế, tham gia cách mạng từ năm 1945 trên các mặt trận Nha Trang, Phú Yên, từng bốn lần vượt đường Trường Sơn. Năm 1973, ông đang là tham mưu trưởng Quân khu 5, được cử vào trại Davis, Sài Gòn làm trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN thay tướng Trần Văn Trà trở lại chiến trường.

Sau năm 1975, ông có thời gian đi làm đại sứ ở Ấn Độ, rồi sau đó giữ chức thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp