12/02/2021 00:11 GMT+7

Giao thừa đặc biệt ở các điểm điều trị bệnh nhân COVID-19

L.ANH
L.ANH

TTO - Có khoảng 30 y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang trực chiến tại bệnh viện trong giờ khắc chuẩn bị giao thừa chuyển giao năm mới, cùng với hàng trăm y bác sĩ ở Hải Dương, Quảng Ninh, TP.HCM... đang đón một cái Tết đặc biệt.

Giao thừa đặc biệt ở các điểm điều trị bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo Bộ Y tế đến tham dự buổi đón giao thừa trực tuyến với 18 điểm cầu điều trị COVID-19 - Ảnh: QUỐC THẮNG

Chỉ vài chục phút nữa là giao thừa, các gia đình đều đang sum họp và chuẩn bị đón chờ năm mới. Nhưng ở những địa điểm đặc biệt: nơi điều trị, cách ly bệnh nhân COVID-19, đêm nay hàng trăm y bác sĩ đang có một giao thừa đặc biệt: giao thừa cùng bệnh nhân, người cách ly, ở các bệnh viện dã chiến.

"Chúng ta ở đây vì sức khỏe người dân"

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Bệnh viện số 2 Quảng Ninh, đã có nhiều tháng phụ trách Bệnh viện số 2 điều trị bệnh nhân COVID-19. Thời điểm này, bệnh viện có 26 bệnh nhân dương tính và hơn 100 người cách ly tập trung, trước đó con số người cách ly là hơn 200 người, nhưng hôm nay 30 Tết, hơn 100 người đã hoàn thành cách ly và được về nhà.

Giao thừa đặc biệt ở các điểm điều trị bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 2.

Y bác sĩ ở 18 điểm cầu đã cùng có một giao thừa đặc biệt - Ảnh: QUỐC THẮNG

Nhưng y bác sĩ thì chưa được "hoàn thành nhiệm vụ" như vậy, các anh chị đang đón năm mới theo hình thức đặc biệt, tại bệnh viện, cùng bệnh nhân.

"Nói là chúng tôi vui, không nhớ nhà? Không phải. Nhưng vì nhiệm vụ, vì sức khỏe người dân, vì sự an tâm đón Tết của người dân, chúng ta ở đây" - bác sĩ Hùng nói.

Có 18 điểm điều trị bệnh nhân COVID-19  và người thuộc diện cách ly y tế đã tham dự buổi "đón giao thừa trực tuyến" với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Thông tin từ các điểm cầu cho thấy có những dấu hiệu cho thấy hoạt động kiểm soát dịch có những bước tiến nhất định. 

Tại TP.HCM, hầu hết bệnh nhân đều không có triệu chứng nặng, tại Bệnh viện dã chiến Chí Linh, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, phụ trách Bệnh viện dã chiến Chí Linh, sáng 30 Tết bệnh viện có 23 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, được ra viện, nhưng chiều cùng ngày lại có 20 bệnh nhân vào viện, nhưng toàn bộ 192 bệnh nhân đang điều trị không có ca bệnh nào có dấu hiệu chuyển nặng.

28 bác sĩ tăng cường và 50 y bác sĩ của Chí Linh đang cùng lúc phải lo 3 nhiệm vụ: điều trị cho 192 bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Chí Linh, chăm sóc sức khỏe cho người cách ly tại hơn 30 điểm cách ly ở Chí Linh và một phòng khám chăm sóc, điều trị bệnh thông thường cho người dân Chí Linh, trong điều kiện thành phố này bị phong tỏa. Có những anh chị nhà ngay cổng bệnh viện, nhưng điều trị bệnh dễ lây, họ không thể về nhà.

Mong bình an cho năm mới

Đây là điều các y bác sĩ nói đến nhiều nhất trong buổi đón giao thừa trực tuyến. Năm 2020 vừa qua quá nhiều khó khăn, dịch COVID-19 kéo dài, hệ thống y tế và người dân đã phải căng mình chống lại dịch bệnh. 

Giao thừa đặc biệt ở các điểm điều trị bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 3.

Ông Long phát biểu tại buổi giao thừa trực tuyến cùng y bác sĩ 18 điểm cầu điều trị COVID-19 - Ảnh: QUỐC THẮNG

"Trước khi đến đây tôi muốn nói rất nhiều, nhưng giờ đến đây xúc động, lời lẽ đi đâu hết. Năm nay là một năm dài, từ mồng 3 Tết Canh Tý Thủ tướng đã kêu gọi "chống dịch như chống giặc", trong lịch sử ngành y chưa lúc nào phải đối phó với căn bệnh lan tràn nhanh như vậy. Nhưng đến giờ có thể nói chúng ta phòng chống và điều trị rất tốt, đó là nỗ lực của tất cả mọi người" - ông Long nói.

Theo ông Long, phải xác định công cuộc phòng chống COVD-19 còn gian nan, kéo dài. Bộ Y tế đang cố gắng đưa vắc xin về sớm nhất. Nhưng độ bao phủ, mức độ tiếp cận... thì chưa thể như mong muốn.

"Tôi xin gọi anh chị em y bác sĩ bằng tên gọi thân thương: các chiến sĩ áo trắng. Các chiến sĩ áo trắng sẵn sàng đi mọi nơi có dịch bệnh, xa gia đình hàng tháng trời, ngay cả trong dịp Tết, nhiều anh chị em đã đi nhiều "mặt trận", từ Sơn Lôi, Vĩnh Phúc; Bình Thuận; Đà Nẵng, Hải Dương, gác nỗi đau riêng lo cho bệnh nhân không quản ngại" - ông Long nói.

"Chúc y bác sĩ năm mới bình an, nhưng không có dịch bệnh mới bình an, chúng ta phải cố gắng hơn" - ông Long nói, khi còn đúng 5 phút nữa là giao thừa. Với y bác sĩ đang làm việc tại các khu cách ly, đây sẽ là một giao thừa đặc biệt.



L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp