Tọa đàm "Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh" là sự kiện thứ ba trong chuỗi hội thảo "Khoa học vì Cuộc sống" trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023.
Diễn ra ngay sau khi hội nghị COP28 vừa kết thúc, tọa đàm được kỳ vọng là dịp để các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới cùng thảo luận về các nỗ lực tìm kiếm và sử dụng hiệu quả năng lượng xanh phục vụ cho phát triển bền vững, góp phần giảm phát thải và đẩy nhanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Lựa chọn giao thông xanh
Dưới sự dẫn dắt của GS Soumitra Dutta - thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd, Đại học Oxford (Vương quốc Anh) - các diễn giả là các nhà khoa học đến từ các trường ĐH lớn trên thế giới đã trình bày và trao đổi về những chủ đề nóng nhất trong phát triển giao thông xanh như tốc độ biến đổi khí hậu trên toàn cầu, nhu cầu phát triển năng lượng sạch, công nghệ số phục vụ giao thông xanh, các khía cạnh xã hội khi phát triển năng lượng sạch…
Ngay trong phần mở đầu tọa đàm, GS Soumitra Dutta nhấn mạnh: Từ thông tin COP28, khủng hoảng khí hậu là chủ đề được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, hoàn toàn đúng khi chúng ta dành thời gian để trao đổi xem đâu là vấn đề liên quan tới phát triển bền vững".
GS Nguyễn Thục Quyên (ĐH California, Santa Barbara, Hoa Kỳ) - đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture - cũng nêu rõ: "Rõ ràng năng lượng không phải vấn đề riêng của một quốc gia hay riêng ai".
Trong báo cáo công bố ngày 20-11-2023, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cho biết thế giới vẫn tiếp tục thải lượng khí nhà kính kỷ lục vào khí quyển. Mức tăng này chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động công nghiệp.
UNEP cảnh báo nhiệt độ Trái đất có nguy cơ tăng thêm 2,9 độ C trong thế kỷ này, vượt xa các giới hạn then chốt. Trước tình thế đó, UNEP kêu gọi "những nỗ lực đầy tham vọng và khẩn cấp từ tất cả các quốc gia nhằm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng". Trong đó, giao thông xanh được xem là một trong những giải pháp bền vững với hiệu quả đột phá.
Những phát kiến nổi bật trong lĩnh vực giao thông xanh trải dài từ các vật liệu mới giúp cải tiến hiệu suất khai thác và lưu trữ năng lượng tái tạo cho tới điện khí hóa các phương tiện di chuyển. Tại cuộc tọa đàm, GS Soumitra Dutta - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford (Vương quốc Anh), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture - lạc quan rằng tốc độ đổi mới của công nghệ sẽ biến tương lai giao thông xanh trở thành hiện thực trong vòng 5 - 10 năm tới.
"Sự phát triển của xe điện, pin lithium và các nguồn năng lượng thay thế khác đã cho phép tạo ra các phương tiện di chuyển xanh thay thế cho phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nền tảng giao thông mới được hỗ trợ bởi công nghệ số. Do đó, một tương lai về sự đổi mới của các phương tiện giao thông rất đáng mong đợi", vị GS của Đại học Oxford dự báo.
GS Dutta cũng nhắc đến vai trò của các công nghệ số trong việc chuyển đổi xanh. Theo ông, nhân loại sẽ thấy rất nhiều sự đổi mới trong tương lai. Thế giới thực sẽ kết hợp với thế giới kỹ thuật số và tạo ra nhiều sản phẩm dựa trên các phương tiện di chuyển hiện tại, như ô tô, xe tay ga, xe buýt...
"Sự tích hợp của của các phương thức di chuyển khác nhau như ô tô, các phương tiện giao thông công cộng, tàu hỏa và máy bay sẽ diễn ra một cách trơn tru và hiệu quả hơn nhờ các phương tiện kỹ thuật số", ông nhận định.
Cần chính sách rõ ràng và khung pháp lý rộng mở
GS Soumitra Dutta đề nghị các diễn giả tại tọa đàm tập trung chia sẻ, thảo luận vào ba câu hỏi lớn.
Một là liệu phát triển công nghệ có giúp khắc phục biến đổi khí hậu không, các phát kiến công nghệ đem lại ý nghĩa gì?
Hai là các khía cạnh xã hội về biến đổi khí hậu với câu hỏi "Làm sao đảm bảo việc chuyển dịch sang kinh tế xanh công bằng và bao trùm?". GS Dutta nêu vấn đề: "Biến đổi khí hậu không phải thuần túy khoa học mà tác động mỗi người trên Trái đất. Ta nói về kinh tế xanh phải tốt hơn hiện tại, công bằng, bao trùm hòa nhập hơn. Làm sao hiện thực hóa giấc mơ đó. Ai bỏ tiền đầu tư và chia sẻ khoản đầu tư đó như thế nào?".
Ba là tốc độ và quy mô ứng phó với biến đổi khí hậu. "Tại sao ta phải chung tay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, phải phản ứng trên quy mô toàn thế giới và phải thực hiện linh hoạt nhanh chóng?", GS Dutta lưu ý. "Đó là vì khí hậu không phải vấn đề riêng của quốc gia nào mà Trái đất của chung. Vì mọi kết quả thực tế cho thấy chúng ta không còn nhiều thời gian nữa để hành động".
Góp phần trả lời những câu hỏi được GS Dutta nêu ra, GS Kostya S. Novoselov đến từ ĐH Quốc gia Singapore, chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 2010, cho rằng: "Ta phải đầu tư để năng lượng xanh hơn khi chuyển từ động cơ xăng dầu sang động cơ điện. Ta cũng cần đầu tư nhiều hơn vào phần vận chuyển kết nối để tạo ra tương lai xanh hoàn toàn. Đó là vì sao hiện tại tôi cho là cần tìm ra nguồn năng lượng mới.
Hiện tại, có nhiều khoản đầu tư khác nhau vào phương tiện chạy điện. Hy vọng đó là giải pháp trong tương lai. Ngoài ra còn nhiều biện pháp khác như trồng rừng giúp hấp thu khí thải, biến đổi gen động thực vật để cân bằng phát thải…".
Trả lời cho vấn đề được nêu lên tại tọa đàm là làm sao để các nước đang phát triển như Việt Nam có cơ hội phát triển năng lượng xanh, GS Nguyễn Thục Quyên nhận xét: "Chính sách đâu đó có khi còn chưa sẵn sàng. Ví dụ như lắp điện mặt trời áp mái tại các gia đình. Khi muốn người dân lắp thì phải có chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng tạo đó".
"Rào cản với chuyển đổi xanh ở Việt Nam là hiện có ít công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hoặc công ty về năng lượng có đủ hạ tầng, vận chuyển… Việc ta thuyết phục doanh nghiệp đầu tư hơn vào năng lượng sạch cũng là thách thức. Đó là vì sao cần kiện toàn về chính sách", GS Nguyễn Thục Quyên đánh giá.
GS Daniel Kammen (ĐH California, Berkeley, Hoa Kỳ) cũng cho rằng để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thì cần phải có khung pháp lý rộng mở hơn.
GS Daniel Kammen còn nêu vấn đề: "Cần tạo ra sự chuyển dịch đảm bảo công bằng. Yếu tố công bằng cần lồng ghép vào quá trình chuyển đổi xanh".
Ông phân tích cụ thể: "Ta đều biết phải thay thế năng lượng hóa thạch để đảm bảo bền vững. Vậy công bằng là gì? Ví dụ ở California (Hoa Kỳ) yêu cầu tối thiểu là 35% phải dành phục vụ cho các nhóm yếu thế. Vậy làm sao đạt được mức này? Bản thân hạ tầng phải đáp ứng nhu cầu cho nhóm yếu thế. Vì sao cần mang lại công bằng trong thụ hưởng chuyển đổi xanh? Vì muốn đi nhanh phải đi cùng nhau".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận