10/03/2020 11:09 GMT+7

Giao thông tốt, đi nhanh lây COVID-19 cũng nhanh

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Theo chuyên gia, sự phát triển nhanh chóng và bùng nổ của hạ tầng giao thông vận tải ở Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới đã là nhân tố đáng kể khiến dịch COVID-19 lây lan nhanh hơn so với tốc độ của các dịch SARS, MERS trước đây.

Giao thông tốt, đi nhanh lây COVID-19 cũng nhanh - Ảnh 1.

Sân bay quốc tế ở Vũ Hán vắng lặng trong đợt bùng phát dịch COVID-19 - Ảnh: AFP

Nếu so với giai đoạn 2002-2003 khi xảy ra dịch SARS, Trung Quốc hiện có sự kết nối giao thông nhanh chóng và rộng khắp hơn rất nhiều với hệ thống tàu cao/siêu tốc và mạng lưới các đường bay quốc tế.

Bùng nổ phương tiện đi lại

Kể từ năm 2003 tới nay, lưu lượng khách đi lại bằng đường không toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi. Cho tới tháng 3 năm nay, bất chấp những nỗ lực cách ly, dịch bệnh COVID-19 đã lan ra khắp thế giới.

Trở lại với thời điểm chỉ cách đây khoảng 3 tháng, khi những ca bệnh COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại khu chợ đầu mối hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Con virus corona chủng mới thực sự đã không cần phải đi quá xa để có thể lây lan ra khắp thế giới như những gì chúng ta đang chứng kiến.

Thành phố Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc, nơi được mệnh danh là "Chicago của Trung Quốc", có các chuyến bay thẳng tới Dubai, New York và Paris trong tổng số hơn 30 điểm đến khác được kết nối từ đây. Theo báo Wall Street Journal, Vũ Hán bắt đầu mở cửa sân bay năm 1995 và hiện mỗi năm phục vụ khoảng 24,5 triệu hành khách.

Vũ Hán cũng là nơi có các tuyến đường sắt cao tốc tỏa đi khắp các hướng. Những doanh nhân tại thành phố này là những người có quy mô hoạt động "toàn cầu hóa" hơn bao giờ hết. Trong 17 năm qua, Trung Quốc đã có tốc độ phát triển hạ tầng giao thông rất đáng kể. Hệ thống đường sắt cao tốc của nước này đã mở rộng thêm gần 22.000 dặm (35.410km), dài nhất thế giới.

Người dân Trung Quốc cũng đã không còn phải mất nhiều ngày di chuyển giữa các thành phố lớn nữa khi tốc độ tàu đã vượt qua mốc 200 dặm/h (322km/h).

Ngay cả tốc độ đi lại bằng đường bộ ở Trung Quốc cũng đã nhanh hơn. Trước năm 1989 Trung Quốc chưa có các tuyến xa lộ. Nhưng khi có rồi, tốc độ trung bình trên những tuyến đường này tăng gấp đôi lên 60-75 dặm/h (96,5-120,7km/h).

Cụ thể, nếu đi đường bộ từ Vũ Hán tới Bắc Kinh (hành trình dài 750 dặm, tương đương 1.207km) từng một thời hành khách phải đi mất nguyên ngày thì nay chỉ mất 12 tiếng trên đường cao tốc G45.

Đi khắp thế giới

Không chỉ chuyện hạ tầng giao thông, với số lượng dân đông nhất thế giới và tỉ lệ người có thu nhập từ trung lưu tới giàu ở Trung Quốc ngày càng tăng, người Trung Quốc cũng đang trở thành nhóm dân cư hiện diện ở khắp nơi trên thế giới.

Họ cũng là nhóm có mức chi tiêu lớn nhất thế giới, vượt qua cả Đức và Mỹ. Trung Quốc có hơn 200 sân bay trên cả nước và có 29 hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế. Từ đây, người Trung Quốc có thể dễ dàng bay trực tiếp tới các điểm đến quốc tế, trong đó có Bangkok, Paris, Rome và Seoul.

Thành phố Vũ Hán bắt đầu mở sân bay năm 1995, nhưng phải tới năm 2000 mới khai thác các đường bay quốc tế. Tới tháng 1-2020, sân bay Vũ Hán kết nối với hơn 30 thành phố trên toàn thế giới. Trong đó, Thái Lan và Nhật Bản là hai điểm đến phổ biến nhất của các chuyến bay từ Vũ Hán. Hãy nhớ là các ca bệnh đầu tiên xuất hiện bên ngoài Trung Quốc đã được ghi nhận tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và tất cả họ đều đã từ Vũ Hán trở về.

Theo tạp chí Forbes, có một thực tế là khi số ca bệnh COVID-19 của Trung Quốc tăng từ vài ngàn lên hàng chục ngàn chỉ trong vài tuần, các nước như Ý và Hàn Quốc vẫn tiếp tục duy trì các chuyến bay đến/đi từ Trung Quốc. Và nay thì cả hai quốc gia này đều ghi nhận số ca bệnh COVID-19 nhiều nhất trong số các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.

Các nước siết chặt kiểm soát ở sân bay

Từ cuối tháng 2 vừa qua, sân bay Prague ở Cộng hòa Czech đã chỉ định các cổng đặc biệt dành cho tất cả hành khách đến từ Ý - quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch COVID-19 ở châu Âu. Sân bay này cũng áp dụng biện pháp quét thân nhiệt, cách ly những người có triệu chứng khả nghi... Các nhân viên sân bay được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ các hành khách đến từ Ý và báo cáo những trường hợp bất thường cho lực lượng an ninh.

Sân bay Bratislava ở Slovakia cũng áp dụng các biện pháp rà soát gắt gao. Du khách đến từ Ý được yêu cầu điền thông tin vào bảng câu hỏi để các quan chức xác định những trường hợp khả nghi. Nhiều sân bay ở Bosnia, Serbia, Croatia, Moldova, Albania... cũng áp dụng các biện pháp kiểm tra tương tự với du khách đến từ Trung Quốc và Ý.

BẢO ANH

Việt Nam tạm ngưng miễn visa cho 8 nước châu Âu để ngăn COVID-19 Việt Nam tạm ngưng miễn visa cho 8 nước châu Âu để ngăn COVID-19

TTO - Việt Nam sẽ tạm dừng đơn phương miễn thị thực (visa) đối với 8 nước châu Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha. Đây là biện pháp tiếp theo trong công tác nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 lây lan nhanh.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp