16/09/2022 08:29 GMT+7

Giao thông Tân Sơn Nhất vẫn rối

CÔNG TRUNG - THU DUNG
CÔNG TRUNG - THU DUNG

TTO - Không chỉ xe công nghệ "bí" đường ra vào trong nhà xe chật hẹp mà một số doanh nghiệp vừa đưa xe buýt mới vào hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng cho biết đang gặp khó khăn do những bất hợp lý trong cách bố trí điểm đón trả khách.

Giao thông Tân Sơn Nhất vẫn rối - Ảnh 1.

Trạm thu phí ô tô của sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM (ảnh chụp vào trưa 15-9) - Ảnh: THU DUNG

Đặc biệt, với việc các tài xế phải dừng tại hai trạm thu phí chỉ cách nhau khoảng... 10m trong sân bay, nhân viên trạm lại thu phí thủ công, khiến việc đi lại càng thêm khó khăn do ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm.

"Chôn chân" chờ qua trạm thu phí sân bay

Sáng 15-9, ghi nhận của chúng tôi ở trạm thu phí sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy hàng dài ô tô xếp hàng khá lâu để qua trạm. Trong khi đó, nhân viên thu phí thủ công, mất nhiều thời gian, khiến cho giao thông ra vào cửa ngõ sân bay bị ùn ứ, tài xế mệt mỏi.

Đặc biệt, từ 8h tới 11h sáng, ô tô và xe công nghệ đông đúc. Dòng xe công nghệ từ nhà xe TCP đổ ra bị "chôn chân" nhích từng chút một. Nhiều tài xế lắc đầu ngán ngẩm cho hay xe công nghệ phải qua tới hai trạm thu phí để thoát ra khỏi sân bay.

Anh Nguyễn Thanh Vân - một tài xế xe công nghệ - than phiền đã xếp hàng gần 20 phút đi từ khu vực làn D1, D2 ra ngoài. Do hai trạm thu phí chỉ cách nhau chừng 10m nên chỉ một đoạn đường ngắn vậy nhưng việc di chuyển lại gặp nhiều khó khăn.

"Xe công nghệ đi ra phải qua trạm thu phí của TCP trước để đóng 25.000 đồng và được phát hai phiếu thu (một phiếu thu của TCP, một của sân bay Tân Sơn Nhất). 

Khi xe ra đến cổng thu phí của sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên trạm thu phí sẽ kiểm tra lại lần nữa hóa đơn trước khi mở barie. Điều này gây mất thời gian, cả tài xế và hành khách đều khó chịu", anh Vân nói.

Theo anh Vân, vào các dịp cao điểm lễ, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn. Thậm chí dòng kẹt xe lan ra đường Trường Sơn, có khi phải mất cả nửa tiếng xe mới đi qua khu vực này. Nhiều lần bị kẹt xe mà lượng xe đổ ra ngày càng đông. 

Dưới cái nắng gay gắt, xe vẫn "chôn chân" chờ qua trạm thu phí, khách bức xúc bỏ xuống xe kéo vali đi bộ ra đường để đỡ mất thời gian.

Anh Trần Thanh Phong, một tài xế khác, cho rằng việc tổ chức giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn bất cập. Xe công nghệ được bố trí đón khách ở làn D1, D2 nên khách phải đi xa mới đón được xe. 

Chưa hết, vừa thoát qua hai trạm thu phí, dòng ô tô đổ ra khỏi trạm thu phí sẽ giao cắt với dòng xe máy chạy ra từ nhà xe TCP tạo thêm một điểm ùn trước cổng sân bay.

"Chính vì những điểm bất hợp lý trên mà nhiều anh em tài xế không còn mặn mà với việc vào sân bay rước khách. Vừa tốn phí vừa chờ đợi, bị ùn tắc liên tục rất mệt mỏi" - anh Phong nói và đề xuất các đơn vị nghiên cứu tổ chức thu phí tự động ở trạm thu phí sân bay Tân Sơn Nhất. 

Xe đi qua sẽ được nhận diện và trừ tiền phí trên hệ thống mà không phải dừng chờ, như vậy sẽ tránh được nguy cơ ùn tắc như hiện nay.

Giao thông Tân Sơn Nhất vẫn rối - Ảnh 2.

Xe công nghệ trả tiền qua trạm thu phí của TCP ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào trưa 15-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Xe buýt chỉ được dừng 3 phút, khách không kịp tới!

Sau 3 ngày đưa vào hoạt động tuyến xe 109 từ bến xe buýt Sài Gòn - Tân Sơn Nhất, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Viết Ánh - tổng giám đốc Hãng xe Phương Trang - cho biết số lượng khách sử dụng xe không đạt như kỳ vọng, thậm chí có chuyến xe chỉ đón được một khách từ sân bay Tân Sơn Nhất. 

Theo ông Ánh, nếu không tạo cơ chế hoạt động riêng cho hoạt động vận tải công cộng, doanh nghiệp và hành khách sẽ khó "tìm thấy nhau" do thiếu thời gian (chỉ được dừng chờ đón khách trong 3 phút), hoạt động sẽ không hiệu quả.

Thống kê hoạt động khai thác ở Tân Sơn Nhất, trung bình mỗi ngày sân bay này đón 60.000 - 80.000 lượt khách, cao điểm lễ lên đến 120.000 lượt khách. Số lượng khách lớn, đi lại đông, taxi và xe công nghệ có thời điểm thiếu trầm trọng. 

Bổ sung thêm các tuyến xe buýt vào sân bay được kỳ vọng gỡ rối cho hoạt động vận tải, nhưng thực tế loại hình xe công cộng chưa phát huy hiệu quả khi hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong thực tế, xe buýt được bố trí điểm đón khách ở làn B (trước nhà ga quốc nội), cũng là làn dành cho ô tô cá nhân đón người thân. Do nhiều tài xế xe cá nhân không quan sát kỹ, chạy vào trạm chờ xe buýt khiến xe buýt ra vào khó khăn. 

Ngoài việc lựa chọn địa điểm phù hợp hơn hoặc có giải pháp tránh "chồng chéo" giữa xe buýt và xe cá nhân, theo ông Đào Viết Ánh, cơ quan quản lý sân bay cần tăng thời gian từ 3 phút lên 5 - 10 phút để khách hàng có thời gian tìm đến xe buýt thuận lợi hơn.

Ông Trần Nguyên Thái - giám đốc điều hành Công ty Bảo Yến (chi nhánh phía Nam, đơn vị khai thác tuyến 152) - cũng cho rằng cần tăng thời gian dừng, chờ đón trả khách tại ga quốc nội tùy theo việc khách có hành lý nhiều hay ít (hành lý nhiều thì thời gian lên xuống xe lâu hơn). 

Ngoài ra, cần điều chỉnh không gian tiếp cận để khi khách vừa xuống máy bay đã thấy thông tin, khi lấy hành lý ra tới sảnh có thể nhìn thấy ngay xe buýt để sử dụng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khẳng định sẽ tạo ưu tiên tối đa để xe buýt hoạt động hiệu quả ở sân bay. Ngoài sự hỗ trợ của cảng, các doanh nghiệp xe buýt cần cải thiện tuyến xe phù hợp với nhu cầu của khách hàng. "Quan điểm của tôi là hỗ trợ từ điểm đón thuận lợi, chứ không nề hà gì" - vị này khẳng định.

Ông Nguyễn Quốc Phương (phó tổng giám đốc ACV - đơn vị quản lý, khai thác 22 sân bay):

Sẽ thu phí tự động từ tháng 10

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ áp dụng thu phí không dừng đối với ô tô ra vào cảng như thu phí ở đường cao tốc. Trước mắt sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất áp dụng, dự kiến trong tháng 10-2022.

Đến nay, sân bay đang thử nghiệm hệ thống, khi áp dụng kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi thu tiền, giảm dòng xe xếp hàng chờ ở lối ra sân bay.

C.TR.

Thu phí ra vào sân bay theo quy định nào?

Trả lời Tuổi Trẻ về việc phí chồng phí khi Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) tổ chức làn thu phí 5.000 - 10.000 đồng/lượt xe (tùy loại xe, tùy cảng) dù trong giá vé bay đã bao gồm chi phí sử dụng dịch vụ cảng, một lãnh đạo ACV cho biết theo quy định tại Luật đất đai và Luật hàng không, ACV có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc xây dựng, bảo dưỡng và duy trì hoạt động khai thác đường dẫn vào các nhà ga hàng không.

Hơn nữa, theo kết luận của nguyên phó thủ tướng Trương Hòa Bình vào tháng 9-2020, ACV được phép thu phí dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không theo nguyên tắc thu theo block thời gian, áp dụng giá hợp lý.

Do đó, đơn vị này được tổ chức thu, niêm yết giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga để đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng và bảo toàn phát triển vốn nhà nước.

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn từ 1-10-2012 đến 31-12-2015, tổng doanh thu phí ra vào 19 - 21 cảng hàng không của ACV là 551 tỉ đồng. Việc thu này tuy mang lại lợi ích cho ACV và cho Nhà nước nhưng lại vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách.

C.TRUNG

Ô tô chen kín làn, xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất khó đón khách Ô tô chen kín làn, xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất khó đón khách

TTO - Tuyến xe buýt 109 (sân bay Tân Sơn Nhất - bến xe buýt Sài Gòn) trở lại được hành khách ủng hộ, kỳ vọng góp phần gỡ tắc cửa ngõ sân bay. Thế nhưng chỉ sau một ngày hoạt động, nhiều hành khách phản ảnh khó đón xe, chen chúc vất vả.

CÔNG TRUNG - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp