Giao thông qua trạm thu phí BOT 39 Kiến Xương, tỉnh Thái Bình tạm thời thông thoáng trở lại sau khi chủ đầu tư "nới lỏng" việc thu phí - Ảnh: K.LINH
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ngày 19-8, sau 5 ngày Công ty cổ phần Tasco Nam Thái "siết chặt" việc thu phí tại trạm BOT 39 (km13+250 xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, Thái Bình) để tránh thất thu, hiện việc thu phí đã được "nới lỏng" nên xe qua đây thông thoáng hơn.
Theo đó, nhiều người không nộp phí khi qua trạm vẫn được nhân viên mở barie cho xe qua chứ không đóng chặt như thời điểm ngày 15-8. Tại đây cũng không còn cảnh người dân mắc võng, đặt vòng hoa, dùng tiền âm phủ… để phản đối việc thu phí tại trạm.
Trước đó, vào ngày 18-8, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, địa phương liên quan và đại diện Công ty cổ phần Tasco (chủ đầu tư), Công ty cổ phần Tasco Nam Thái (đơn vị thu phí tại trạm BOT 39) để nghe báo cáo và bàn giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự tại trạm.
Sau khi nghe ý kiến của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đề nghị UBND các huyện Kiến Xương, Tiền Hải tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, tài xế đăng ký để được miễn, giảm phí khi qua trạm.
Giao cơ quan công an tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh ở khu vực trạm thu phí, những người nào hành động quá khích, gây rối an ninh trật tự... thì xử lý theo quy định.
Có tài xế từng mắc võng tại khu vực trạm thu phí để phản đối vì cho rằng đường làm một nơi, trạm đặt một nẻo - Ảnh: K.LINH
Tại khu vực trạm thu phí BOT 39 Kiến Xương thường xảy ra căng thẳng, ùn tắc cục bộ mỗi khi đơn vị quản lý trạm "siết chặt" thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh Thanh Nê. Người dân cho rằng việc đường làm một nơi, thu phí một nẻo là không đúng nên nhiều người kiên quyết phản đối, không đóng phí.
Đại diện chủ đầu tư trạm BOT 39 Kiến Xương cho biết doanh thu của dự án chỉ hơn 50 tỉ đồng từ năm 2017 đến 2021, đạt 19% so với phương án tài chính. Đến hết năm 2021, số tiền bổ sung hơn 100 tỉ đồng khiến doanh nghiệp không còn đủ lực để bố trí thêm vốn trả nợ ngân hàng.
Chủ đầu tư từng bày tỏ mong muốn được "bán lại" dự án cho Nhà nước, bằng cách bố trí vốn ngân sách để thanh toán toàn bộ chi phí đầu tư. Tính đến đầu năm 2021, vốn cho dự án này là 639 tỉ đồng, bao gồm chi phí đầu tư 452 tỉ đồng và 187 tỉ đồng lãi vay, lợi nhuận của nhà đầu tư theo phương án tài chính.
Tuy nhiên, đề xuất của chủ đầu tư cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi của địa phương bởi chưa có cơ chế, chính sách cho vấn đề này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận