Vỉa hè trên đường Đặng Thái Thân (cạnh Bệnh viện Đại học Y dược) bị biến thành bãi giữ xe máy - Ảnh: CHÂU TUẤN
Dưới đây là bài viết của bạn đọc Hải Đăng tham gia diễn đàn Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tái diễn trên Tuổi Trẻ Online:
Vỉa hè được hình thành dọc theo những tuyến đường đô thị thường được biết đến như một không gian công cộng dành cho người đi bộ và hạ tầng kỹ thuật; đồng thời là không gian giao tiếp của đô thị. Nơi đây diễn ra các cuộc gặp gỡ tình cờ, những cuộc mua sắm, hoạt động vui chơi giải trí..., từ đó tạo nên nét văn hóa riêng cho mỗi đô thị.
Trong đời sống đô thị, có thể thấy vỉa hè có một cấu trúc định sẵn quy định các hành vi của con người. Tuy nhiên, bản thân người dân sử dụng vỉa hè cũng đồng thời tác động và tham gia vào cấu trúc không gian ấy một cách chủ động và có mục đích riêng.
Vỉa hè cần được thiết kế với hệ thống bồn hoa, cây xanh dọc vỉa hè, ngăn cách lối đi cho người đi bộ và lòng đường. Điều này không chỉ giúp tạo cảnh quan đẹp cho tuyến phố, mà còn hạn chế được tình trạng buôn bán dọc tuyến đường, gây mất mỹ quan đô thị.
Trong công tác quản lý vỉa hè, chính quyền địa phương cần xem xét tùy hoàn cảnh và bối cảnh, chẳng hạn tại những nơi vỉa hè hẹp thì có thể quy hoạch nơi đậu xe cho các tuyến đường để phục vụ người dân để xe khi vào các cửa hàng. Ở những nơi có vỉa hè rộng, có thể tham khảo cách làm của các TP lớn ở châu Á: kẻ vạch quy định lối đi cho người đi bộ và diện tích đậu xe vào cửa hàng.
Từ góc nhìn nhân văn, thiết nghĩ, để người dân mưu sinh gắn liền với vỉa hè có cuộc sống ổn định, các cơ quan hữu quan cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để chuyển đổi sinh kế cho những người bán hàng rong.
Những khu vực vỉa hè rộng nên quy hoạch vẫn cho phép buôn bán trên vỉa hè phục vụ du lịch, nhu cầu dạo phố mua sắm của người dân nhưng hoạt động buôn bán này cần có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan hữu quan để bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự và thẩm mỹ cho tuyến đường. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu của người mua vừa bảo đảm sinh kế cho người bán.
Thực tiễn cho thấy việc cải tạo vỉa hè và bảo đảm trật tự vỉa hè không phải là bài toán dễ dàng. Do vậy, rất cần sự quan tâm đúng mức của những nhà quản lý trên cơ sở sự ủng hộ, đồng thuận từ cộng đồng dân cư. Vậy nên cần có phương hướng và hiện thực hóa việc sử dụng vỉa hè theo hướng xã hội hóa tùy vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế.
Tuy vậy nhìn về lâu dài, thành phố cần chuyển đổi dần thói quen mua sắm trên vỉa hè của người dân để tiến đến đô thị trật tự, văn minh.
Theo đó, khi nào người dân chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay thế cho xe máy thì sẽ hình thành hành động mua sắm tập trung tại các trạm dừng của phương tiện công cộng thay vì mua sắm dọc tuyến đường.
Việc phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng trong đô thị là cần thiết, góp phần giảm việc buôn bán trên vỉa hè.
Ngoài các ý kiến vừa nêu, theo bạn còn biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường đáng báo động như hiện nay?
Kính mời bạn đọc chụp hình ảnh, quay video và hiến kế gởi đến Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email: [email protected] hoặc [email protected]. Xin cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận