25/08/2023 17:40 GMT+7

Giáo sư sinh học hàng đầu chia sẻ 'bí mật' vi tảo với bạn trẻ Việt Nam

Ngày 25-8, hàng trăm sinh viên và chuyên gia sinh học có cơ hội được nghe giáo sư sinh học Michael Melkonian trình bày những nghiên cứu mới về vi tảo.

Giáo sư sinh học hàng đầu đến Việt Nam kể chuyện 30 năm nghiên cứu loài vi tảo 'siêu thực phẩm' - Ảnh 1.

Giáo sư Michael Melkonian chia sẻ những nghiên cứu về vi tảo - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Phần chia sẻ về vi tảo của giáo sư Michael Melkonian nằm trong chương trình kết nối công nghệ của Trung tâm thông tin và thống kê khoa học công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

"Bí quyết" trồng siêu thực phẩm vi tảo

Giáo sư Michael Melkonian - công tác tại Đại học Köln (Đức) và Viện Nghiên cứu nhân giống cây trồng Max Planck (Đức) - nổi tiếng với hàng trăm công trình nghiên cứu về vi tảo. 

Đến nay, ông xuất bản hơn 240 tài liệu về vi tảo và thường được trích dẫn trong các nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới về vi tảo.

Trong buổi trò chuyện tại TP.HCM, ông cho biết vi tảo được xem là "siêu thực phẩm của tương lai", có thể trở thành nguồn thức ăn nuôi sống hàng triệu người trên thế giới.

Giáo sư Michael Melkonian chia sẻ về kỹ thuật nuôi cấy vi tảo hai lớp đầu tiên mà ông cũng là cha đẻ.

Ông giải thích các kỹ thuật nuôi trồng vi tảo phổ biến hiện là trong dung dịch dinh dưỡng ở các bể hở. Các bể nuôi thường có dạng tròn hoặc dài. Dẫu vậy, hệ thống này thường phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chi phí đầu tư cao.

Đặc biệt, việc thu hồi sinh khối tảo khô thường rất thách thức do phải tốn nhiều năng lượng để quay ly tâm mới tách ra được lượng vi tảo khô. Nguồn lực để thu hoạch vi tảo còn nhiều hơn cả chi phí và công sức nuôi tảo.

Ông đặt câu hỏi liệu có thể nuôi vi tảo cố định một chỗ? Ông bắt đầu thử nghiệm cho tảo bám trên một bề mặt giá thể, từ đó tảo tạo thành một lớp màng mỏng. Khi thu hoạch chỉ cần cạo lớp màng này.

Đồng thời, nhóm nghiên cứu của ông nhận thấy ánh sáng có thể xuyên qua nhiều lớp tảo, vì thế trên các giá thể có thể thiết kế cho các lớp tảo xếp cạnh nhau để gia tăng sinh khối.

Kết quả, lượng vi tảo khô đạt đến 20 - 30% sinh khối trong khi cách nuôi trong dung dịch truyền thống chỉ đạt 0,5% sinh khối.

Giáo sư sinh học hàng đầu đến Việt Nam kể chuyện 30 năm nghiên cứu loài vi tảo 'siêu thực phẩm' - Ảnh 2.

Mô hình nuôi vi tảo ban đầu của giáo sư Michael Melkonian - Ảnh: RESEARCHGATE.NET

"Làm khoa học tốn chục năm là bình thường"

Giáo sư Michael Melkonian chia sẻ quy trình nghe qua tương đối đơn giản nhưng nhóm phải mất khoảng 30 năm mới hoàn thiện nghiên cứu này. Không chỉ là tối ưu hóa "phần cứng" - như thiết kế, sắp xếp các khung giá thể cho hiệu quả cao nhất - mà còn tối ưu "phần mềm" - như xác định các điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và loại vi tảo cho hiệu quả lớn nhất.

Vì thế, ông nhắn gửi khi làm nghiên cứu khoa học, sẽ có những đề tài, công trình buộc người nghiên cứu, đặc biệt là các bạn trẻ, cần có lòng kiên trì để sẵn sàng theo đuổi dài hơi. Đặc biệt với những đề tài mang tính tiên phong, tốn đến chục năm là chuyện bình thường.

Bên cạnh đó, ông cho rằng các bạn trẻ nên dám thử những góc nhìn khác biệt so với những cách đã có nếu cách làm cũ chưa đem lại hiệu quả. Đôi lúc, góc nhìn ban đầu sẽ có vẻ không tưởng, như chuyện "treo" vi tảo lên để nuôi thay vì nuôi trong bể.

Đặc biệt với những bạn theo ngành sinh học, ông cho rằng khi nghiên cứu cần chú ý quan sát thế giới tự nhiên. Bản thân các sinh vật luôn có những cơ chế thích ứng với môi trường sống hoàn hảo, sẽ mang đến ý tưởng cho những nghiên cứu, công nghệ mới.

Mô hình nuôi vi tảo của nhóm PGS.TS Trần Hoàng Dũng - Ảnh: CTV

Mô hình nuôi vi tảo của nhóm PGS.TS Trần Hoàng Dũng - Ảnh: CTV

Trường đại học ở TP.HCM nuôi thành công vi tảo theo phương pháp mới

Trên cơ sở mô hình của giáo sư Michael Melkonian, PGS.TS Trần Hoàng Dũng - viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Trường đại học Công thương TP.HCM - cũng đã thành công mô hình nuôi vi tảo hai lớp.

PGS.TS Trần Hoàng Dũng cho biết mô hình được cải tiến dạng phương nghiêng để phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Các thiết bị, máy móc sử dụng trong hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng được đơn giản hóa, bao gồm buồng, hệ thống cung cấp, hệ thống bơm và dẫn khí, giá đỡ, hệ thống đèn chiếu sáng và 2 lớp màng.

Một mô hình quang sinh học ước tính có diện tích 1,2m2, gồm 6 buồng nuôi. Tỉ lệ nuôi sống tảo bằng hệ thống nuôi cấy vi tảo hai lớp màng đạt 90% trở lên.

PGS.TS Trần Hoàng Dũng cho biết hiện nhóm đang tiếp tục cộng tác với giáo sư Michael Melkonian để tiến hành những nghiên cứu tiếp theo giúp tối ưu hóa điều kiện nuôi vi tảo trong đặc thù trong môi trường nhiệt đới ở Việt Nam.

Isuzu thử xe buýt chạy vi tảo đầu tiênIsuzu thử xe buýt chạy vi tảo đầu tiên

TTO - Sau khi thử nghiệm nội bộ, Isuzu Motors tung ra dịch vụ giao thông công cộng có 1 không 2 tại Nhật Bản: xe buýt dùng nhiên liệu chiết xuất từ vi tảo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp