“Tứ trụ” sử học Việt Nam đương đại (từ trái qua): giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Đinh Xuân Lâm, giáo sư Hà Văn Tấn và GS cùng ông bà giáo sư Trần Văn Giàu - Ảnh chụp năm 1996
Ai cũng nói tôi gần gũi nhất với thầy - giáo sư Phan Huy Lê - nhưng đến bây giờ, để phác họa chân dung thầy, tôi vẫn thấy mình không đủ sức.
Chỉ ở độ tuổi 25-30 mà giáo sư Phan Huy Lê đã trở thành trụ cột "rất chắc" trong "tứ trụ" của giới sử học Việt Nam.
Hẳn ai cũng có thể nhận ra vai trò tiên phong, dẫn dắt về mặt học thuật của giáo sư Phan Huy Lê trong nền sử học đa ngành nước ta, nhưng sự suy tôn nhà khoa học lên vị trí cao nhất suốt một nửa thế kỷ là câu chuyện hiếm có.
Ông là chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam từ khi tái lập cho đến nay đã tròn một phần tư thế kỷ và dường như khó có thể tìm được người thay thế ông.
Khi bước vào tuổi lục tuần, ông bứt phá và tăng tốc đến ngoạn mục với nhịp độ 12 công trình/năm và 231 công trình, gồm hàng loạt những tổng kết khoa học sâu sắc và chuẩn mực cho 19 năm liên tục (1995-2013), cũng hết sức đặc biệt.
Bước vào tuổi bát tuần, giáo sư Phan Huy Lê vẫn hăng hái dẫn đầu các đoàn khảo sát thực địa từ Thăng Long, Sơn La, Thái Nguyên, Tây Đô, Lam Sơn, Lũng Nhai, qua Triệu Phong, Ái Tử, Huế, Đà Nẵng, Hội An... cho đến Mô Xoài, Bến Nghé, Đồng Nai, Óc Eo, Gò Tháp...
Lúc nào lớp học trò các thế hệ chúng tôi cũng thấy thầy tươi mới, năng động và chuẩn chỉ trong các tổng kết khoa học và các công trình công bố, bảo vệ đến cùng chân lý lịch sử và di sản của tổ tông.
Có người hỏi, là học trò của thầy mấy chục năm, tôi học được điều gì ở thầy? Không thể kể hết vì những điều thầy dạy cho các học trò rất cụ thể. Điều lớn nhất tôi nhận thấy ở giáo sư Phan Huy Lê là một nhà sử học phải giữ nguyên tắc trình bày lịch sử một cách khách quan, toàn diện, tôn trọng cao độ sự thật lịch sử.
Hàng chục năm đã qua, thầy vẫn kiên định giữ vững nguyên tắc đó. Có thể nói giáo sư Phan Huy Lê là người đứng đầu trường phái sử học thực chứng.
Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi trình bày lịch sử phải có ngọn nguồn của vấn đề, phải có tư liệu nguyên gốc. Chính vì thế ở bất cứ công trình nghiên cứu nào cũng cần tập trung làm sử liệu một cách nghiêm túc, cẩn thận.
Lại nói đến công trình cuối đời của giáo sư Phan Huy Lê - bộ Lịch sử Việt Nam với một ý nghĩa là tổng kết lịch sử cao nhất, trình bày lịch sử toàn diện, toàn thể.
Khi triển khai đề án này, giáo sư Phan Huy Lê đặc biệt chú trọng công tác tư liệu. Từ tư liệu trong nước đến tư liệu quốc tế, tư liệu ở tầm trung ương hay địa phương... phải được chuẩn bị chu đáo, cẩn thận để người viết sử tham khảo được tối đa tư liệu, để dẫn đến những đánh giá khách quan, xác đáng.
Về những điểm mới của công trình đặc biệt này, tôi e không đầy đủ và dễ hiểu nhầm khi nói trong khuôn khổ một bài viết tiễn thầy. Hơn nữa, sinh thời, giáo sư Phan Huy Lê không thích viết khen mình nhiều, không muốn quảng bá những gì mình làm, nhất là khi công trình vẫn đang dang dở.
Có một số bài báo đã viết bộ quốc sử xây dựng theo quan điểm "lấp khoảng trống" lịch sử ở một số giai đoạn, triều đại... Nhưng cách hiểu như thế có thể không đúng.
Những nghiên cứu về thời kỳ Óc Eo, Champa, về lịch sử biển đảo, về triều Nguyễn hay chế độ Việt Nam Cộng hòa không phải việc "lấp khoảng trống" mà là nghiên cứu bổ sung những phần chưa đầy đủ theo tinh thần tôn trọng lịch sử. Tôi tin vào chất lượng của công trình mà giáo sư sát sao đến lúc cuối đời.
Giáo sư Phan Huy Lê không nhận về mình dù chỉ một tiếng khen rất nhỏ. Ông đã trở thành thần tượng, là niềm kiêu hãnh, tấm gương sáng cho các thế hệ học trò, đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Và tôi đã may mắn trở thành học trò của ông.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên:
Một khoảng trống không thể thay thế
Sau giáo sư Trần Văn Giàu, thầy Lê và các thầy trong "tứ trụ" (gồm Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng - người viết) chỉ dẫn chúng tôi rất nhiều. Là một giáo sư rất chỉn chu, chừng mực, mô phạm nhưng thầy Lê sống rất chan hòa, tạo điều kiện cho các học trò làm việc, nhờ đó chúng tôi trưởng thành rất nhiều. Khi nghe tin thầy mất, chúng tôi hết sức bất ngờ và đau buồn. Ngoài tình cảm buồn thương, chúng tôi còn hụt hẫng và lo lắng. Bộ quốc sử Việt Nam được làm với rất nhiều quan điểm tiến bộ của thầy còn dang dở. Thầy như tổng tư lệnh của công trình này, nay thầy lại đột ngột ra đi. Các cuốn sách mới xong bản thảo lần thứ nhất, đang cần thầy biên tập, góp ý nên sự ra đi của thầy khiến chúng tôi rất lo lắng. Mặc dù công trình còn có nhiều nhà khoa học giỏi nhưng không thể nào có thể thay thế, so sánh với GS Phan Huy Lê.
Thiên Điểu ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận