14/10/2022 15:56 GMT+7

Giáo sư Phạm Phụ - người khắc họa khuôn mặt mới của đại học Việt Nam

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Vốn là nhà khoa học nghiên cứu và giảng dạy về sử dụng nguồn năng lượng nước uy tín, nhưng nhiều năm nay giáo sư Phạm Phụ lại nổi tiếng là chuyên gia phản biện chính sách giáo dục đại học ở Việt Nam.

Giáo sư Phạm Phụ - người khắc họa khuôn mặt mới của đại học Việt Nam - Ảnh 1.

Giáo sư Phạm Phụ tại phòng làm việc ở Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) năm 2019 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

GS.TS Phạm Phụ đã có gần 60 năm kinh nghiệm giảng dạy bậc đại học, chuyên gia về thủy điện nhưng chính ông lại là người sáng lập khoa quản lý công nghiệp Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa IX, và ủy viên, phó trưởng ban giáo dục đại học của Hội đồng Quốc gia giáo dục, ông tập trung vào nghiên cứu về giáo dục đại học. Hơn 10 năm ông đã có trên 120 bài báo về giáo dục rất sâu sắc và được xã hội đánh giá cao vì đã khắc họa được khuôn mặt mới của giáo dục đại học nước nhà.

Giáo dục đại học phải được đổi mới một cách thực sự, phải làm sao để phát huy được tiềm năng của con người Việt Nam.

Nhà giáo nhân dân Phạm Phụ


Giáo sư Phạm Phụ - người khắc họa khuôn mặt mới của đại học Việt Nam - Ảnh 4.

GS Phạm Phụ phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến về Luật giáo dục đại học năm 2011 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Muốn đổi mới phải có chút ít "phá rào"

Những năm 1990, Trường đại học Bách khoa TP.HCM là một đại học thuần túy về kỹ thuật, nên chưa từng có khoa "quản trị kinh doanh". Đến 1993, nhà trường thành lập khoa quản lý công nghiệp, mở chương trình thạc sĩ trước cử nhân, đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh thuộc loại sớm nhất ở Việt Nam.

Nhớ lại thời điểm đó, GS Phạm Phụ cho biết: "Chưa có tiền lệ một giáo sư về thủy điện, không có bằng cấp nào về lĩnh vực quản trị như tôi lại đứng ra lập khoa, làm trưởng khoa và còn trực tiếp đứng lớp. Tất cả những chuyện này đều là ‘phạm luật’ và ‘phá rào’, nhưng có lẽ hiệu trưởng lúc đó là GS Trương Minh Vệ quá tin tôi nên đã ‘bật đèn xanh’ cho làm".

Vị giáo sư già vẫn nhớ như in những ngày đầu thành lập khoa với vô vàn khó khăn. Giảng viên trong khoa đưa chuyên gia đi tham quan cũng phải bỏ tiền túi.

"May sao, qua quan hệ cá nhân, tôi đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa được một dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Sĩ trị giá đến 9 triệu đô la Thụy Sĩ để đào tạo lại thạc sĩ và tiến sĩ cho giảng viên bốn trường đại học lớn của cả nước (chương trình SAV). Nhờ đó, chỉ sau bảy năm, khoa có được gần 50 thạc sĩ, tiến sĩ và tất cả đều thành thạo tiếng Anh", thầy Phụ kể.

Hiện nay cái tên "khoa quản lý công nghiệp", "chương trình MSM" của Trường đại học Bách khoa đã trở thành thương hiệu uy tín trong xã hội. Chương trình thạc sĩ MSM liên kết với Hà Lan đã thu hút nhiều sinh viên nước ngoài đến từ hàng chục nước trên khắp thế giới, trong đó có Ấn Độ, Thụy Sĩ, Pháp... 

Học viên các chương trình thạc sĩ tốt nghiệp từ khoa phần lớn rất thành công trên thị trường lao động cấp cao của cả nước.

Nhiều thế hệ học trò của GS Phạm Phụ rất thích giờ giảng của thầy vì luôn mới về nội dung, sâu sắc về kiến thức và rộng về ứng dụng thực tế. Vào những năm 2000, thầy đã về hưu nhưng vẫn say mê với công việc ở trường. Hầu như ngày nào thầy cũng ở trường từ sáng đến gần 19h tối.

TS Vũ Thế Dũng - nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa

Giáo sư Phạm Phụ - người khắc họa khuôn mặt mới của đại học Việt Nam - Ảnh 8.

GS Phạm Phụ (đứng giữa) trao đổi với các đại biểu tại hội thảo khoa học về tự chủ đại học vào tháng 11-2019 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Chuyên gia phản biện chính sách giáo dục

Năm 1976, TS Phạm Phụ chuyển vào công tác tại Trường đại học Bách khoa TP.HCM (trước đó ông giảng dạy tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội) và đã có sáng kiến được áp dụng tại trường với chương trình "Đào tạo theo diện rộng".

Năm 1985, thầy Phụ mở lớp "sư phạm đại học" và trực tiếp giảng dạy cho giảng viên trẻ ở trường này. Từ lúc đó, ông đã mở ra các môn học mới "Quản lý cho kỹ sư", "Kinh tế kỹ thuật" cho toàn bộ sinh viên trường, trực tiếp dạy "thị trường chứng khoán". Đặc biệt, ông còn viết sách về "Phân tích dự án đầu tư" theo quan điểm mới, được tái bản 8 lần.

"Tất cả những thành công đến với tôi sau này đều do quá trình tự học, tự mày mò nghiên cứu. Có lẽ thêm những thứ ấy, tôi có được cái nhìn một cách hệ thống và toàn diện đối với giáo dục", GS Phụ chia sẻ.

Hơn 10 năm trước đây, GS Phạm Phụ đã nổi tiếng trong giáo giới, được biết đến là chuyên gia phản biện sắc sảo tại các hội thảo, diễn đàn về giáo dục đại học. 

Các vấn đề "hội đồng trường", "tự chủ đại học" hiện đang là chủ đề nóng, nhưng ông đã nghiên cứu sâu từ năm 2000. Ông là một trong những người đầu tiên kiến nghị xây dựng cơ chế hội đồng trường ở trường đại học, cần xem dịch vụ giáo dục đại học là loại "hàng hóa đặc biệt" và có sự can thiệp của Nhà nước.

"Hiện Nhà nước đã có chủ trương tăng quyền tự chủ cho các trường đại học. Trong bối cảnh đó, trường đại học phải biết tự đổi mới, biết chấp nhận rủi ro, phải tự đưa ra nhiều quyết định có tính chất mục tiêu. Chỉ có hội đồng trường mới đảm đương nổi những trách nhiệm đó", GS Phụ nhấn mạnh.

Chưa đến 15 năm ngồi trên ghế nhà trường

Phạm Phụ là con một trong gia đình, ba mất sớm, mẹ một mình tần tảo nuôi con. Nhà ở sát trường tiểu học của huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), Phạm Phụ được đi học sớm. 

GS Phạm Phụ kể: "Tôi bắt đầu đi học sớm nhưng sức học thuộc loại loàng xoàng. Lên 8 tuổi, tôi đã học xong élémentaire (lớp 3 hiện nay). Đến năm lớp nhất (lớp cuối tiểu học), Phạm Phụ luôn đứng nhất lớp và được cử đi thi học sinh giỏi cả toán và văn. Học hết cấp I, mẹ bảo ở nhà phụ kéo sợi để dệt vải, nhưng Phụ khóc nằng nặc đòi được đi học...

"May sao sau đó tôi được một suất học bổng 12kg gạo/tháng (trường chỉ có hai suất). Ở trung học, tôi may mắn được học những thầy rất giỏi như cố GS Lê Trí Viễn, Nguyễn Khải, Hoàng Ngọc Hiến… ở cả ba trường nổi tiếng: Lê Khiết - Quảng Ngãi, Phan Đình Phùng - Hà Tĩnh và Huỳnh Thúc Kháng - Nghệ An. Có lẽ vì vậy mà khi vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội khóa 1 (năm 1956) gồm toàn sinh viên xuất sắc, nhưng tôi cũng được thuộc nhóm đầu", ông nói.

Nhưng có lẽ, ít người biết vị giáo sư nổi tiếng này chỉ ngồi trên ghế nhà trường chưa đến 15 năm.

Thầy Phụ tâm sự: "Học xong ba năm đầu ở đại học, nhà trường… hết thầy (!) dạy tiếp, nhưng tôi không được cử đi học tiếp và làm tiến sĩ ở nước ngoài. Thế rồi khi có chủ trương đào tạo tiến sĩ trong nước, tôi tự làm lấy, không có thầy hướng dẫn, may mà cũng được bảo vệ ở hội đồng do Bộ GD-ĐT thành lập (năm 1979). 

Sau khi có bằng tiến sĩ (1980), năm 43 tuổi, tôi lại được chọn đi học… thạc sĩ ở Viện Công nghệ châu Á (AIT Bangkok, Thái Lan). Như vậy, tính ra tôi chỉ ngồi trên ghế nhà trường với 9 năm phổ thông, 3 năm đại học, 1 năm tiến sĩ và gần 2 năm thạc sĩ".

Là "dân kỹ thuật" nhưng GS Phạm Phụ vẫn thuộc làu hàng trăm câu thơ Truyện Kiều, các tác phẩm thơ văn giai đoạn 1930 - 1945… Nói về mình, ông bảo: "Tôi luôn ham thích học hỏi và biết rằng kiến thức đơn thuần không cứu vãn được chúng ta. Đặc biệt tôi luôn biết buông bỏ".

Chọn cách sống như vậy, nên ông đã nhiều lần từ chức, xin thôi làm chuyên viên Ủy ban Quốc tế Mekong (ở Thái Lan) dù lương rất cao, từ chức giám đốc Khu công nghệ cao TP.HCM (1993)… "Nay già rồi, tôi phải ‘từ chức’ tất cả. Tôi đang đổi sang nghề mới, phản biện căn bệnh ung thư lưỡi của chính mình", thầy Phụ nói vui.

Một nhà giáo tâm huyết

PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nhận định: "Trong giới giáo dục đại học, mọi người đều biết đến NGND.GS.TS Phạm Phụ, một nhà giáo tâm huyết và là một nhà lý luận về giáo dục đại học có nhiều công bố, phát biểu, đặc biệt trong lĩnh vực còn mới nhưng hết sức quan trọng đối với sự phát triển của giáo dục đại học nước nhà là tài chính đại học".

Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Phạm Phụ sinh năm 1937, tại xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông từ trần lúc 23h ngày 13-10.

Linh cữu quàn tại 200/13 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Lễ nhập quan lúc 13h ngày 14-10. Lễ động quan lúc 6h ngày 16-10. Linh cữu được hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.

Giáo sư Phạm Phụ qua đời ở tuổi 85 Giáo sư Phạm Phụ qua đời ở tuổi 85

TTO - Giáo sư Phạm Phụ - người sáng lập khoa quản lý công nghiệp, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - đã qua đời tối qua 13-10.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp