14/10/2022 21:18 GMT+7

Giáo sư Phạm Phụ: Nặng lòng với nghề 'đưa khách qua sông'

LÊ THANH TÂM
LÊ THANH TÂM

TTO - Hơn 5h sáng, đang nằm lơ mơ, tôi bật dậy bởi dòng tin nhắn: 'Giáo sư Phạm Phụ mất rồi'. Vẫn biết ông bị bệnh nan y từ lâu, trụ được đến nay là giỏi, nhưng sao vẫn chếnh choáng.

Giáo sư Phạm Phụ: Nặng lòng với nghề đưa khách qua sông - Ảnh 1.

GS Phạm Phụ phát biểu tại một buổi tọa đàm về giáo dục đại học năm 2014 - Ảnh: MINH GIẢNG

Cả buổi, tôi bần thần nhớ ông. Chuyện cũ mấy chục năm bỗng hiện về, thấp thoáng trước mắt là hình ảnh một ông giáo trung niên, dáng thấp nhỏ, mặc sơ mi trắng, áo bỏ trong quần nghiêm túc, bước vào phòng tôi ở Nhà khách Chính phủ (37 Hùng Vương, Hà Nội), giọng Quảng Ngãi rổn rảng:

- Cậu ngồi đây mà mình chờ mãi.

- Em đang viết bài, chút nữa mới xong.

- Nhanh lên, rồi đi làm vài cốc bia hơi cho thư giãn. Không có các cậu, mất vui.

- Các anh cứ ra trước, không phải chờ đâu.

- Ừ, nhớ ra ngay. Ngồi với mấy thằng trẻ như các cậu, bọn mình được tiếp thêm năng lượng.

Tôi quen ông năm 1993, khi đó ông là đại biểu Quốc hội khóa IX, tôi là phóng viên theo dõi nghị trường. Năm ấy, ông chừng 50 tuổi, tóc bạc muối tiêu quá nửa đầu. Mỗi lần ra thủ đô họp, ông cùng cánh nhà báo ở chung Nhà khách Chính phủ. Chiều chiều, sau ngày làm việc, hễ rỗi rãi là ông rủ chúng tôi đi uống bia hơi và tán gẫu dưới căng tin.

Trong vai trò nghị sĩ hoạt động vào thời kỳ đất nước bắt đầu chuyển mình sang đổi mới, ông thường đề cập về những vấn đề liên quan tới ngân sách nhà nước. Ông rất không đồng tình với các ý kiến luôn kêu nghèo, kêu khổ, "mong muốn Chính phủ ưu tiên đầu tư". 

Ông bảo: "Đừng đòi hỏi nhiều. Phải nêu sáng kiến tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, bằng chương trình hoặc dự án khả thi, hiệu quả cao".

Trên nghị trường, cánh nhà báo rất thích câu chuyện "cái mền". Ông phát biểu: "Ngân sách như cái mền mỏng, hẹp. Ai cũng muốn ấm áp, nhưng đừng quên kéo mền về phía mình là bên kia bị hở. Quan trọng là cần làm sao cho cái mền dày ra, rộng ra. Lúc ấy tha hồ căng kéo".

Ông là người thẳng thắn, không màu mè, vòng vo. Ông tỏ ra không ưa những trí thức có thái độ xu nịnh, ông cho rằng "đấy là thứ đồ giả, chân gỗ thôi", khoa học không có chỗ cho loại người như vậy. 

Nhận xét về họ, ông nói: "Cần có thợ riêng để may áo cho những tay này. Lưng họ còng, nên vạt áo trước phải ngắn hơn vạt áo sau. Không dễ may đâu".

Làm thầy, cả đời ông đau đáu về nền giáo dục nước nhà. Ở đâu, bất cứ trên cương vị nào, ông đều quan tâm tới chuyện dạy và học, nhất là đối với bậc đại học. 

Ngay cả lúc cấp trên điều ông sang làm chủ tịch hội đồng quản trị Ban quản lý dự án Khu công nghệ cao TP.HCM, đến chơi với ông, tôi chỉ thấy ông lao tâm khổ tứ về nền giáo dục đang lạc hậu. Ông dành hết tâm trí vào việc soạn thảo đề cương cải cách giáo dục, tốn bạc triệu tiền bưu điện gửi khắp nơi.

Nghe ông kể, tôi thầm nghĩ: "Thầy ngồi nhầm ghế rồi". 

Thật vậy, chẳng bao lâu sau, ông từ chức, trở về nghề cũ. Gặp tôi, ông đùa: "Mình tốn thời gian lầm đường lạc lối. Nay nhẹ nợ với khu công nghệ cao, giờ lại đi làm thầy gõ đầu trẻ".

Ông nói thế thôi, một nhà giáo tâm huyết thì chẳng có gì gọi là "nhẹ nợ". Ông mãi mãi nặng lòng với cái tâm của người làm "con đò đưa khách sang sông"...

Giáo sư Phạm Phụ - người khắc họa khuôn mặt mới của đại học Việt Nam Giáo sư Phạm Phụ - người khắc họa khuôn mặt mới của đại học Việt Nam

TTO - Vốn là nhà khoa học nghiên cứu và giảng dạy về sử dụng nguồn năng lượng nước uy tín, nhưng nhiều năm nay giáo sư Phạm Phụ lại nổi tiếng là chuyên gia phản biện chính sách giáo dục đại học ở Việt Nam.

LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp