03/03/2018 09:33 GMT+7

Giáo sư: ông là ai, đang làm gì?

GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN
GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN

TTO - Theo GS.TS Nguyễn Đức Dân, cứ theo cách làm hiện nay, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư sẽ ngày càng phình ra, còn chất lượng thì teo lại, mãi mãi không đuổi kịp ai.

Giáo sư: ông là ai, đang làm gì? - Ảnh 1.

Các tân PGS thuộc lĩnh vực an ninh lên nhận giấy chứng nhận trong một buổi lễ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Lời tòa soạn: Xoay quanh câu chuyện rà soát lại việc phong chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017, GS.TS Nguyễn Đức Dân đã có những kiến nghị về hệ thống GS hiện nay. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Rà soát theo kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi"

Kết quả xét phong chức danh GS, PGS năm 2017 có số lượng tăng đột biến, khiến dư luận xôn xao và Thủ tướng đã ra chỉ thị phải rà soát lại danh sách này. 

Có điều, những thành viên trong Hội đồng chức danh GS nhà nước - những vị cầm cân nảy mực ra quyết định cho người này người nọ được nhận hay bị đánh trượt chức danh chuẩn GS, PGS thì nay chính họ lại được trao quyền kiểm tra rà soát xem quyết định của mình có đúng hay không. 

Tại sao không giao việc rà soát cho những người độc lập với những hội đồng này?

Hẳn Thủ tướng biết quy luật "không ai lấy đá ghè chân mình", không thể vừa đá bóng vừa thổi còi, nên có thể khả năng rất cao là Thủ tướng đã thấy trước báo cáo của các hội đồng này, đại loại sẽ là "làm việc chặt chẽ, kỹ lưỡng, nghiêm túc và công tâm", "các kết quả kiểm tra đều khớp với việc thẩm định hồ sơ ban đầu" và "kết quả về cơ bản là chính xác, đúng đắn". 

Rốt cuộc lượng GS, PGS tăng đột biến này đã thêm vỏ bọc "được rà soát kép" theo "quy trình chặt chẽ". Vậy là thoát rồi! Đội ngũ GS, PGS lẫn lộn vàng thau, không thực chất, vốn được tích tụ trong nhiều năm qua, nay lại được bổ sung một lượng khủng những GS, PGS hữu danh vô thực.

Cứ theo cách làm hiện nay, đội ngũ GS, PGS sẽ ngày càng phình ra, còn chất lượng thì teo lại, mãi mãi không đuổi kịp ai.

Giáo sư: ông là ai, đang làm gì? - Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Đức Dân - Ảnh: H.HG.

Nguyên lý, chính sách để nâng cao chất lượng GS, PGS, TS

Giải quyết tình trạng trên như thế nào? Cần làm ngay, nhưng cần có thời gian để các trường tự điều chỉnh.

Tôi không lạm bàn về những chiến lược, chính sách phát triển khoa học, giáo dục, phát triển tổng thể hệ thống và mạng lưới các trường đại học của Nhà nước; mà chỉ đề cập tới những nguyên lý và chính sách cụ thể liên quan đến nâng cao chất lượng đội ngũ GS, PGS, TS hiện nay. 

Những nguyên lý chung là: thực hiện tự chủ đại học triệt để. Việc trường nào do đội ngũ giảng viên của trường đó quyết định. GS, PGS phải là những người đang trực tiếp đào tạo và giảng dạy. Do vậy:

- Xây dựng đội ngũ GS, PGS của mỗi trường. Trả lại cho từng đại học quyền tự chủ bổ nhiệm GS, PGS do Hội đồng phong học hàm chuyên ngành (HĐHH) trường quyết định. Nhà nước (Bộ GD-ĐT) quy định những điều kiện cần tối thiểu và lượng hóa được cho hai chức danh GS, PGS.

Những HĐHH chuyên ngành này được thành lập theo nhu cầu bổ nhiệm một chức danh cụ thể nào đó. Xong việc là tự giải thể (tựa như việc thành lập các hội đồng chấm luận án tiến sĩ hiện nay). Nghĩa là trong trường không có HĐHH cố định và tổng quát cho mọi ngành. 

Số lượng thành viên mỗi hội đồng nên ít, khoảng 4-6 người, trong đó có không dưới 2/3 thành viên ngoài trường (để đảm bảo tính khách quan). 

Trường cần thông báo công khai và trước một thời gian nhất định những vị trí GS, PGS cần tuyển. Ứng viên cho những chức danh này không nhất thiết là giảng viên cơ hữu của trường. Những chức danh này chỉ có giá trị trong trường đã bổ nhiệm.

- Minh bạch hóa chất lượng đội ngũ giảng viên mỗi trường. Chất lượng ở đây được hiểu là những công trình khoa học. Tôi tạm chưa đề cập tới những yếu tố chưa lượng hóa được về phương diện chất lượng khoa học, như có bao nhiêu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, bao nhiêu bằng khen, huân huy chương, bao nhiêu chiến sĩ thi đua, bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học cấp này cấp kia...

Minh bạch hóa bằng quy tắc mỗi trường, đều phải có cẩm nang thông tin khoa học xuất bản hằng năm, của các giảng viên cơ hữu của trường. Ở đó chỉ cần ghi tên bài đăng ở tạp chí nào (ngoài nước và trong nước), kèm thời gian cụ thể, có những giáo trình hay những công trình nghiên cứu nào. Tất cả các giảng viên TS, PGS, GS đều phải được ghi tên vào cẩm nang này, dù không có công trình nào.

- Ngoại lệ: kiến nghị này không áp dụng với những trường đặc thù cần có cơ chế riêng thuộc lĩnh vực an ninh và quân đội.

Nếu thực hiện kiến nghị trên, với xã hội, chức danh GS, PGS sẽ trở nên minh bạch, mọi người sẽ biết được GS, PGS ông là ai, đang làm gì, hay chỉ là một vùng trắng, một "GS giấy" trong khoa học.

TS Giáo dục LÊ VINH QUỐC:

Giải pháp để các trường đại học có đội ngũ GS có chất lượng

Trước hết, cần từ bỏ ý tưởng tăng nhanh số lượng các GS, PGS cho ngang hàng với nước ngoài. Việc tăng nhanh số lượng GS "hữu danh vô thực" như vậy chỉ làm hại cho nền giáo dục và khoa học của đất nước.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, các trường đại học có một đội ngũ giảng viên chuẩn mực cũng là rất tốt rồi; còn cấp GS thì phải tuyển chọn chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn quốc tế thì mới phát huy được tác dụng tích cực.

Tiếp theo, cần sửa đổi quy trình xét công nhận và bổ nhiệm GS. Theo thông lệ quốc tế, quyền bổ nhiệm GS hoàn toàn thuộc về các đại học. Nhưng trong hoàn cảnh nước ta, nếu trao cho các trường đại học toàn quyền bổ nhiệm, sẽ dẫn đến những hệ lụy tai hại, khi tiêu chuẩn bổ nhiệm không rõ ràng hoặc quá thấp so với trình độ quốc tế.

Vì vậy, vẫn cần duy trì "hai công đoạn", nhưng cần sửa đổi chức năng của từng công đoạn, theo hướng giảm bớt quyền năng của Hội đồng chức danh GS nhà nước (HĐCDGSNN), để trao quyền quyết định cho cấp cơ sở (tức các trường đại học).

Theo đó, việc xét công nhận ở HĐCDGSNN chỉ là sự thẩm định để tạo nguồn các chức danh GS; còn việc bổ nhiệm GS, PGS thuộc quyền các trường đại học (tuyển chọn từ danh sách thẩm định của HĐCDGSNN, thông qua hội đồng khoa học trường và hiệu trưởng ký quyết định bổ nhiệm).

Tuy nhiên, giải pháp chủ yếu vẫn là cải thiện chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, để nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ giảng viên; từ đó mới có được các GS đại học đủ chuẩn mực.

GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp