06/06/2020 19:50 GMT+7

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, người miệt mài khơi lại tinh hoa đạo Mẫu, qua đời

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Giới lịch sử, dân tộc học và văn hóa dân gian vừa thương tiếc tiễn biệt một nhà nghiên cứu đáng kính, người có công lớn trong việc UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là di sản phi vật thể của nhân loại: giáo sư Ngô Đức Thịnh.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, người miệt mài khơi lại tinh hoa đạo Mẫu, qua đời - Ảnh 1.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh vừa qua đời ở tuổi 76 - Ảnh: Facebook nhân vật

10 năm kiên cường chiến đấu với bệnh nặng, GS.TS Ngô Đức Thịnh vừa "buông tay" sáng nay 6-6, hưởng thọ 76 tuổi.

Sinh năm 1944 tại Hải Hậu, Nam Định, ông tốt nghiệp khóa đầu chuyên ngành dân tộc học, khoa lịch sử, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1963-1967.

Sau khi tốt nghiệp, ông về làm việc tại Viện Dân tộc học - Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Từ 1976-1980, ông làm nghiên cứu sinh tại Nga. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1980, ông về làm việc ở Viện Đông Nam Á rồi làm viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian từ năm 1994 cho đến khi nghỉ hưu.

Từ năm 2008 đến nay, ông là giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản văn hóa Việt Nam).

Ông là ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và phó chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

GS.TS Ngô Đức Thịnh được biết đến là một trong những chuyên gia hàng đầu về tín ngưỡng thờ Mẫu, với những công trình nghiên cứu giá trị như cuốn Hát văn xuất bản năm 1992 và bộ sách gồm 2 tập Đạo Mẫu ở Việt Nam được phát hành năm 1996.

Bằng những công trình nghiên cứu tâm huyết về Đạo Mẫu cũng như những hoạt động tích cực trong thực tiễn tại Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, ông chỉ ra một cách khoa học rằng ở Việt Nam đã và đang định hình một tín ngưỡng thờ Mẫu (nữ thần) của mình, với những bản sắc rất riêng, và hơn thế, ông đưa tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam trở thành một khái niệm khoa học thực sự.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, người miệt mài khơi lại tinh hoa đạo Mẫu, qua đời - Ảnh 2.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã đưa tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam trở thành một khái niệm khoa học thực sự - Ảnh: CLB Đạo Mẫu Việt Nam

Không chỉ đóng góp bằng các công trình nghiên cứu, GS.TS Ngô Đức Thịnh còn kiên trì ròng rã kêu gọi trả lại ý nghĩa đích thực của đạo Mẫu, trả tín ngưỡng thời Mẫu về với chủ thể nhân dân, cũng như quản lý tốt hơn với di sản này để tránh những biến tướng, trục lợi, khơi lên những tinh hoa của tín ngưỡng độc đáo này, thông qua nhiều hoạt động tích cực trong cộng đồng đạo Mẫu Việt Nam cũng như trên truyền thông.

Nhưng đóng góp của GS.TS Ngô Đức Thịnh không chỉ ở đạo Mẫu mà còn ở nhiều lĩnh vực văn hóa dân gian khác.

Theo TS Nguyễn Việt - giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiền sử, thuộc Hội Đông Nam Á học - là một nhà dân tộc học tài ba, GS Ngô Đức Thịnh còn có những thành tựu đột phá trong nghiên cứu văn hóa vật chất các dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á, cũng như lĩnh vực văn hóa tâm linh các dân tộc ở Việt Nam và các áng sử thi Tây Nguyên.

Lễ viếng GS Ngô Đức Thịnh được cử hành từ 9h30 đến 10h45 ngày 8-6 tại nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn vũ. An táng tại lăng họ Ngô, nghĩa trang Hải Phúc, Hải Hậu, Nam Định cùng ngày.

Người mẹ trong đạo Mẫu là người mẹ đa văn hóa Người mẹ trong đạo Mẫu là người mẹ đa văn hóa

TTO - "Mừng quá. Tôi đã “chiến đấu” vì đạo Mẫu từ rất lâu rồi", Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã thốt lên khi nghe tin tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp