09/09/2018 10:57 GMT+7

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: 'Tâm huyết lớn nhất của đời tôi'

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ thực hiện
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ thực hiện

TTO - GS.TSKH Hồ Ngọc Đại đã nói “sách Tiếng Việt lớp 1 là tâm huyết lớn nhất của đời tôi”, kết lại cuộc nói chuyện và trao đổi dài hơn hai giờ vào sáng 8-9.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Tâm huyết lớn nhất của đời tôi - Ảnh 1.

GS - Ảnh: N.KHÁNH

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn riêng với Tuổi Trẻ giữa "tâm bão" phản ứng về cách dạy học theo phương pháp công nghệ giáo dục (CNGD), GS cũng chia sẻ: "Tôi quan niệm cái gì tốt nhất mới đem cho trẻ con. Tôi không lấy trẻ con để thí nghiệm mà đã phải nghiên cứu cẩn thận, thấy thật sự tốt mới đem dùng cho trẻ. Sau 40 năm, giờ tôi có thể nói bộ sách Tiếng Việt 1 là công trình mà tôi yên tâm nhất".

Tôi xin được dạy lớp 1

* Có một câu chuyện từng được chính GS chia sẻ, trong cuộc gặp với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1978, trước khi thực hiện cải cách giáo dục, khi được hỏi "Tiến sĩ mong muốn gì?", GS đã trả lời "Tôi muốn dạy lớp 1". Sau 40 năm, câu trả lời ấy có vẻ vẫn không thay đổi?

- Đúng như vậy. Thời đó cũng có người bảo tôi mở trường dạy trẻ con tiểu học là phí mà phải làm thứ trưởng hay gì đó khác. Trên thực tế, tôi cũng được đề nghị giữ vị trí thứ trưởng Bộ Giáo dục.

Nhưng tôi đã trả lời: Để làm một thứ trưởng giỏi, có thể có cả ngàn người làm tốt, hoặc nếu không, cũng có hàng trăm hay hàng chục người làm tốt. Nhưng để làm công việc như tôi đang làm khi đó thì chỉ có mình tôi, nên tôi muốn tập trung cho công việc của mình. Năm 1978, đề đạt của tôi về việc mở trường thực nghiệm được chấp thuận.

Bây giờ đã 40 năm, tiếng Việt CNGD đã dạy ở 49 tỉnh, với trên 800.000 học sinh. Trong đó, có rất nhiều học sinh ở vùng dân tộc thiểu số, ở các trường vùng biên giới đã học tiếng Việt theo cách của tôi để đọc thông viết thạo và không hề tái mù như từng học theo cách truyền thống... Thực tế đó làm tôi yên tâm.

Cuộc đời tôi thì đã xong rồi, nhưng tâm huyết thì vẫn còn, vì tôi muốn đất nước này có những thế hệ khác chúng ta, được hưởng một nền giáo dục tốt.

* Nhưng vào giữa lúc này, nhiều người đã chỉ trích nội dung sách và cách dạy của GS là kỳ dị. Cũng có những ý kiến ở thời đại 4.0, người ta phải bàn những điều to tát, lớn lao hơn là chuyện "tập đánh vần"...

- Tôi không buồn bực, giận dữ gì đâu, tôi nói thật là như thế. Nhiều người phản ứng vì họ không biết, và tôi không quan tâm. Tôi chỉ lắng nghe những ý kiến góp ý có ích cho công việc. Còn chuyện 4.0 thì tôi vẫn phải khẳng định, tôi quan niệm bậc tiểu học rất quan trọng - mà lớp 1 là quan trọng nhất. Lớp 1 là gốc rễ. Trẻ con sau này sẽ là ai, tất cả lệ thuộc vào ở lớp 1, ở tiểu học chúng được dạy dỗ như thế nào.

Vì thế, trước đây tôi không muốn làm lãnh đạo để đi dạy lớp 1, bây giờ tôi vẫn chọn lớp 1. Nếu tất cả những gì tôi làm có trở nên vô nghĩa thì tôi vẫn tin Tiếng Việt lớp 1 là công trình tôi tự hào. Đó không phải chỉ là chuyện học đánh vần, mà là quan điểm của tôi về triết lý giáo dục, là quan điểm về tâm lý học, về cuộc đời.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Tâm huyết lớn nhất của đời tôi - Ảnh 2.

CNGD trở thành chủ đề tranh luận gay gắt những ngày gần đây - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đừng bắt trẻ con phải "trở thành chúng ta"

* Triết lý mà GS quan niệm và thể hiện nó trong công trình nghiên cứu và thực tế triển khai trong 40 năm qua thế nào?

- Tôi quan niệm thời gian là thứ duy nhất đã mất đi thì không bao giờ có lại, đó là cái mất tuyệt đối. Vì thế cần trân trọng từng khoảnh khắc của đời người.

Và với trẻ con, chúng ta không thể lấy đi của chúng những khoảnh khắc chúng được sống hồn nhiên, hạnh phúc, được tìm hiểu và làm những gì chúng thích. Đừng bắt trẻ con phải phấn đấu cho mục tiêu, sự ảo tưởng của người lớn, đừng đè lên đầu trẻ con những áp lực vô lý. Đừng bắt chúng phải trở thành ai đó, hay trở thành như chúng ta, mà hãy "để nó trở thành chính nó".

Trong giáo dục, phải biết tận dụng những cái tích cực trong đời sống tự nhiên để dạy trẻ. Trong nhiều năm, vào mỗi giờ trẻ đến trường, tôi hay đứng ở cổng trường và hỏi phụ huynh "con về nhà có vui không?". Cả đời tôi dành tâm sức chỉ để sao trẻ con đến trường thấy vui.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Mỗi khoảnh khắc của đời người đều có ý nghĩa mà chúng ta cần trân trọng. Đừng bao giờ nghĩ trẻ học mới có giá trị, mà khi chúng chơi cũng có những giá trị mà người lớn phải biết và trân trọng.

* Quan niệm này được GS đưa vào sách và cách tổ chức dạy học của mình thế nào?

- Nguyên tắc sư phạm tôi đặt ra chung cho việc dạy học là học sinh tự làm lấy mọi việc, thầy chỉ là người giao việc và theo dõi, trò là người thi công. Và ứng xử của người thầy phải là tôn trọng, khích lệ trẻ.

Cũng vì quan niệm "thời gian không bao giờ quay lại", trong chương trình của tôi thiết kế không bao giờ có phần "ôn tập". Vì ôn tập là quay lại cái cũ. Thế nên cách thiết kế dạy học phải là học đến đâu kỹ đến đó, học sinh nắm chắc cái đã học để tiếp tục học cái mới.

* Những ngày qua dư luận phản ứng nhiều sau khi xem một clip về dạy đánh vần của CNGD, GS có thể giải thích rõ hơn về cách ông thiết kế để dạy tiếng Việt cho trẻ?

- Tôi nghĩ mấu chốt là nhiều người không phân biệt được đâu là vật thật, đâu là vật thay thế. Ở đây vật thật là "âm, tiếng", âm tiếng sau khi nghe, sẽ phân tích và ghi lại bằng một hệ thống ký tự được thống nhất, đó là chữ viết. Chữ viết là vật thay thế. Vật thật là gốc, là cái có trước, là duy nhất, còn vật thay thế thì có sau và có thể có nhiều, tùy theo quy ước của các cộng đồng.

Cách dạy học theo chương trình của Bộ GD-ĐT là dạy tiếng Việt bằng vật thay thế là chữ viết. Còn cách tôi thiết kế là dạy trẻ vật thật. Trẻ nghe và biết cách tách, phân tích âm thì sẽ dễ dàng ghép vần tương ứng với các ký tự (chữ viết).

Với cách đó, trẻ hiểu được bản chất ngữ âm và sẽ nhớ lâu, không bị nhầm lẫn, viết sai.

Nếu dạy "vật thay thế", trẻ học chữ nào biết chữ đó. Những chữ khó hoặc chưa được học sẽ đọc, viết sai. Nhưng cách của CNGD giúp trẻ có thể tự đọc được những chữ mới dựa trên cơ sở nghe âm, phân tích âm và viết lại.

Học theo cách tiếp cận "tiếng" không thể tái mù chữ, vì tiếng là thứ trẻ tiếp xúc hằng ngày, còn chữ thì chỉ dùng hạn chế.

* Cũng có nhiều ý kiến việc chọn ngữ liệu trong sách không phù hợp lắm. GS nghĩ sao ?

- Khi để cho trẻ học cách phân tích âm (nghe thế nào, ghi lại thế đó) thì nên thiết kế để trẻ phân tích âm trong môi trường chân không về nghĩa thì mới phân tích chính xác. Còn khi âm có chứa nghĩa, đó là từ. Khi trẻ mới học, tôi chú trọng sử dụng ngữ liệu sao để trẻ phân tích âm tốt nhất.

Nhưng trong ba cuốn Tiếng Việt 1, nếu nói ngữ liệu không phù hợp thì có lẽ ai đó đã không đọc, không có trong tay các cuốn sách. Ở những bài đọc khi học sinh đã biết đọc, ngữ liệu chọn đưa vào dài hơn và thường là các câu chuyện vui, gần với tâm lý trẻ con.

Ở tập 3 của Tiếng Việt 1, chúng tôi cũng đưa vào các câu chuyện gợi mở để nuôi dưỡng lòng yêu nước. Khi đưa các câu chuyện lịch sử, nhân vật lịch sử chúng tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ để đảm bảo chính xác. Thậm chí có nhân vật lịch sử sách khác viết sai nhưng sách CNGD không sai, nên đừng nghĩ ai cũng vô trách nhiệm.

Tôi tin vào công nghệ mà tôi đã trao tận tay cho trẻ em.

Trước những ồn ào tranh luận xung quanh việc đánh vần tiếng Việt, ngày 13-9, Viện Ngôn ngữ học sẽ tổ chức buổi thuyết trình khoa học “Những cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt của việc dạy - học đánh vần tiếng Việt”. Diễn giả là GS.TS Nguyễn Văn Lợi, nguyên phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.

* Còn chuyện về các khối vuông, tròn, tam giác…, GS có thể chia sẻ cách quy ước này là thế nào?

- Việc đưa ra các hình vuông, tròn, tam giác chỉ dạy trong một số tiết đầu, mục đích để trẻ có khái niệm về "tiếng" (âm), để trẻ hiểu ngôn ngữ được cấu tạo từ tiếng. Khi hiểu về âm, tiếng, trẻ học cách nghe, ghi lại âm nghe được…

Với trẻ con, việc đưa ra các hình khối để trẻ dễ tưởng tượng. Nhiều người không hiểu tưởng thay thế chữ viết bằng các khối vuông, tròn nên phản ứng thế thôi.

"Tôi nói thật lòng, thì mọi người cũng cứ hỏi thật đi"

Trong buổi giao lưu sáng 8-9, GS Hồ Ngọc Đại đã bày tỏ sự cảm ơn vì mọi người đã lắng nghe ông trong hơn hai giờ. Ông cũng sẵn lòng đối thoại, lắng nghe trao đổi của những người tham gia sự kiện.

Ông nói thẳng, đôi lúc bông phèng khiến nhiều người cười ồ, nhưng cũng có những lời lẽ rất "gai", thậm chí bị coi là "phũ" khi đánh giá năng lực yếu kém của những người đã cố công bảo vệ cái mà ông cho là đã lạc hậu.

Nổi tiếng cực đoan từ hàng chục năm với cách nói lúc nào cũng thẳng và "phũ", chỉ khi nói đến trẻ con, người đối thoại mới nhận thấy ở vị giáo sư 84 tuổi này một tình cảm rất khác biệt.

"Liệu làn sóng giận dữ phản đối ông có phải do người ta muốn cướp khu đất vàng của trường thực nghiệm không?" - một người hỏi. Và GS Hồ Ngọc Đại cũng trả lời thẳng tuột: "Trước có người cũng hỏi đất này mà để xây trường học thì phí quá. Tôi đã mắng người đó, bởi cái tốt nhất, đẹp nhất không cho trẻ con thì cho ai?".

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp