Ảnh: HỮU THIẾT
Trong số các thầy cô tôi may mắn được theo học, giáo sư - nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn là người khổng lồ. Ông là nhà khoa học có bút lực dồi dào và sức làm việc phi thường, một nhà sư phạm mẫu mực. Thật khó có thể đánh giá được hết những đóng góp của ông đối với sự nghiệp nghiên cứu lịch sử học, khảo cổ học, văn hóa học, Phật học.
Tiến sĩ Mai Thanh Sơn (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
Dù biết sức khỏe của giáo sư - nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn không tốt đã lâu, nhưng tin về sự ra đi của người cuối cùng trong bộ tứ sử học Việt Nam tối 27-11 vẫn khiến nhiều người, đặc biệt là gia đình và các học trò của ông, mênh mang một niềm thương tiếc.
Tuổi Trẻ gửi đến độc giả những dòng hồi ức và cảm xúc của phó giáo sư, tiến sĩ Tống Trung Tín (nguyên viện trưởng Viện Khảo cổ học, chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) về người thầy lớn của mình:
Lứa các nhà khảo cổ học chúng tôi và bao thế hệ các nhà sử học, khảo cổ học sau đều tôn thầy Hà Văn Tấn là người thầy lớn. Hầu hết các nhà khảo cổ học từ Bắc chí Nam đều là học trò của thầy Tấn.
Ngay cả những anh chị em đi học ở nước ngoài về cũng vẫn một lòng tôn thầy Tấn là đại sư của mình, luôn tranh thủ học ở thầy mọi cơ hội có được, từ học ở công trường, ở hội thảo, ở cơ quan đến học ở các sách vở, công trình khoa học, bài viết đăng trên báo, tạp chí... Chúng tôi học ở thầy không chỉ kiến thức mà còn học cả đạo đức làm nghề, làm người.
Tôi may mắn được học thầy ở Trường đại học Tổng hợp, và sau đó lại được làm việc cùng thầy ở Viện Khảo cổ học khi thầy về làm viện trưởng những năm 1990. Quãng thời gian thầy làm viện trưởng Viện Khảo cổ học cũng là quãng thời gian viện đã đạt được những bước đột phá.
Những ngày làm luận án tiến sĩ với sự hướng dẫn của thầy là những ngày tôi học được ở thầy rất nhiều về tính nghiêm túc và say mê trong làm khoa học, cũng như cảm nhận rất rõ trí tuệ sắc bén và mẫn tiệp của thầy.
Thứ trí tuệ sáng rực luôn cuồn cuộn tri thức trong mỗi cuộc trò chuyện của thầy ban đầu đã khiến tôi choáng ngợp và có phần rụt rè, e ngại khi đối diện với thầy; nhưng sự gần gũi, cởi mở, tận tình với học trò, thế hệ đi sau của thầy đã khiến học trò chúng tôi mạnh dạn và tự tin hơn trên con đường kiếm tìm tri thức và nghiên cứu khoa học.
Chúng tôi còn học được lòng say mê khoa học tuyệt vời ở thầy. Không biết bao ngày tôi làm việc bên thầy và nhìn thầy say sưa với công việc đến độ gần như quên hết xung quanh, quên cả tôi đang ngồi bên cạnh.
Chúng tôi cố gắng học thầy nhưng chẳng thể học hết, đặc biệt là trí tuệ sáng rỡ, niềm say mê và biệt tài viết lách rất logic, biến những thứ khoa học phức tạp trở nên sáng rõ, dễ hiểu không ngờ, cùng tinh thần tìm tòi cái mới và đi đến cùng của những vấn đề khoa học.
Tinh thần lao động cống hiến cho khoa học của thầy là một bài học lớn mà học trò chúng tôi chỉ mong học được phần nào.
Con người ấy ngay cả khi bệnh nặng vẫn tiếp tục viết và xuất bản những cuốn sách, những công trình nghiên cứu mà trước đó thầy chưa kịp làm, dưới sự hỗ trợ của những học trò thân cận.
Hai năm trước, khi thầy tròn 80 tuổi, thầy vẫn kịp hoàn tất cuốn sách cuối cùng - cuốn Sự sinh thành Việt Nam - trước sự kinh ngạc không chỉ của giới sử học trong nước mà cả sự nể phục của các học giả nước ngoài.
Thầy đi, "bộ tứ Lâm, Lê, Tấn, Vượng" đã khép lại một huyền thoại rực rỡ không dễ gì có được của sử học Việt Nam, để lại một khoảng trống lớn không thể bù đắp. Nhưng ánh sáng từ những vì sao như các thầy vẫn sẽ tiếp tục được các lớp học trò thắp lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận