Gần đây một số trường đại học đưa môn văn vào tiêu chuẩn xét chọn đầu vào trường y đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Những người phản đối cho rằng để học ngành y, các môn hóa và sinh quan trọng hơn môn văn. Riêng tôi ủng hộ việc đưa môn văn vào tiêu chuẩn xét tuyển với các lý do sau:
1. Bác sĩ chữa bệnh không chỉ bằng việc thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật, kê đơn mà còn bằng cả cái tâm và nhân cách của người thầy thuốc. Ai đó đã nói "văn là người", vì vậy văn học là một yếu tố quan trọng hình thành nên nhân cách, nên cái tâm của người thầy thuốc.
Các tác phẩm văn học mang đến cho bác sĩ một nhân sinh quan toàn diện về con người, về các trạng thái tình cảm và tâm lý phức tạp của con người. Điều này giúp bác sĩ phát triển tư duy nhân văn, tăng cường khả năng thấu hiểu và đồng cảm với người bệnh, giúp bác sĩ có thể điều trị cá thể hóa người bệnh.
Các kiến thức khoa học vẫn có thể tiếp thu được nếu học muộn nhưng quá trình hình thành nhân cách và tâm hồn là một quá trình khởi đầu ngay từ khi còn bé.
2. Học văn giỏi giúp bác sĩ có kỹ năng giao tiếp tốt với người bệnh để hiểu rõ hơn về bệnh tật, để tránh được các xung đột đáng tiếc.
3. Học văn giỏi giúp bác sĩ diễn đạt các ý kiến một cách rành mạch, rõ ràng khi viết các báo cáo. Tôi đã đọc không ít luận án thạc sĩ, tiến sĩ được viết với rất nhiều sai sót về ngữ pháp, về diễn đạt.
Trong các kỳ thi tuyển sinh viên y khoa quốc tế, ngoài phần lý thuyết thì phần phỏng vấn rất quan trọng.
Trong phần này người hỏi không khu trú vào kiến thức khoa học mà đòi hỏi thí sinh phải hiểu biết rất rộng về nhiều vấn đề, nhất là các vấn đề xã hội, kỹ năng xử lý các tình huống.
Các thế hệ thầy thuốc Việt Nam được đào tạo dưới thời Pháp không chỉ giỏi về chuyên môn mà đều là những nhân cách lớn, hiểu biết sâu rộng các vấn đề xã hội bên cạnh chuyên y khoa. Đó là điều mà thế hệ bác sĩ hiện nay cần học hỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận