25/10/2009 07:18 GMT+7

Giáo sư - nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ: Ghi khắc trong nhiều thế hệ học trò

Khoa văn học và ngôn ngữ(Trường ĐH KHXH&NV  TP.HCM)
Khoa văn học và ngôn ngữ(Trường ĐH KHXH&NV  TP.HCM)

TT - “Cha tôi là nông dân, có học qua chữ Nho. Mẹ tôi tảo tần vất vả. Tuổi thơ tôi khá thiệt thòi vì trong nhà không có sách vở thi thư gì. Có lẽ vì vậy mà khi vào đời tính tôi rất dễ dãi, không khuôn phép như con nhà Nho”.

Giáo sư - nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ: Ghi khắc trong nhiều thế hệ học trò

ImageView.aspx?ThumbnailID=370553

Giáo sư - nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ - Ảnh tư liệu

TT - “Cha tôi là nông dân, có học qua chữ Nho. Mẹ tôi tảo tần vất vả. Tuổi thơ tôi khá thiệt thòi vì trong nhà không có sách vở thi thư gì. Có lẽ vì vậy mà khi vào đời tính tôi rất dễ dãi, không khuôn phép như con nhà Nho”.

Đó là một đoạn hồi ức của giáo sư - nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ.

Nhà nghiên cứu lý luận, phê bình sắc sảo

Có thể nói GS Lê Đình Kỵ đã xuất hiện với tư cách một nhà khoa học bắt đầu từ những năm tháng giảng dạy ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Cùng với vốn chữ Hán và tiếng Pháp được trau dồi trong những năm trước đó, ông bắt đầu học tiếng Nga để dịch thuật các sách tham khảo về lý luận văn học và văn học Xô viết.

Ông là một tấm gương tự học kiên trì và bền bỉ để tự đào tạo thành một nhà trí thức, một giáo sư đại học. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ở nước ta tham gia xây dựng bộ giáo trình lý luận văn học được sử dụng ở nhà trường trong điều kiện mà giới nghiên cứu và giảng dạy còn thiếu thốn rất nhiều tài liệu.

GS Lê Đình Kỵ là nhà nghiên cứu lý luận và phê bình văn học có tư duy sắc sảo và bút pháp nhuần nhị. Ông là tác giả của hơn 20 cuốn sách giá trị như Các phương pháp nghệ thuật, Đường vào thơ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, Cơ sở lý luận văn học, Tìm hiểu văn học, Thơ Mới - những bước thăng trầm, Trên đường văn học, Phê bình - nghiên cứu văn học, Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam...

Nổi bật trong số đó là công trình Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, được khởi thảo năm 1965, trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ lớn, xuất bản lần đầu năm 1970 và đến nay đã in đến lần thứ tư.

Trong lịch sử nghiên cứu và phê bình văn học ở nước ta, số công trình có may mắn và vinh dự được bạn đọc đón nhận như vậy không phải nhiều lắm. Nhiều thế hệ sinh viên đã biết đến Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du như một giảng khóa đặc sắc ở đại học. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đã tìm thấy ở đây không chỉ tư duy khái quát và khả năng kiến giải của một nhà lý luận, mà còn cả sự cảm thụ tinh tế của một ngòi bút phê bình.

Vĩnh biệt GS - nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ

Sau thời gian lâm bệnh nặng, do tuổi cao sức yếu, GS Lê Đình Kỵ đã từ trần lúc 9g40 ngày 24-10-2009 tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM, thọ 87 tuổi.

GS - nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ sinh ngày 4-4-1923 tại xã Điện Hồng (nay là Điện Quang), huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia hoạt động xã hội từ trước Cách mạng Tháng Tám.

GS Lê Đình Kỵ là hội viên Hội Nhà văn VN, hội viên Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, nhiều năm liền là ủy viên BCH, chủ tịch hội đồng lý luận - phê bình của Hội Nhà văn TP.HCM. Ông được công nhận chức danh GS năm 1984 và danh hiệu nhà giáo nhân dân năm 1988.

GS Lê Đình Kỵ được tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất (1995), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001) và huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (2009).

Linh cữu GS Lê Đình Kỵ quàn tại nhà tang lễ TP.HCM, số 25 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu lúc 7g ngày 25-10-2009. Lễ truy điệu lúc 6g30 ngày 28-10-2009. Sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang TP.HCM.

Khoa văn học và ngôn ngữ(Trường ĐH KHXH&NV  TP.HCM)

Với tư cách là một nhà phê bình văn học, ngay từ khi xuất hiện lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ năm 1959, GS Lê Đình Kỵ đã chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với công việc của các nhà văn Việt Nam hiện đại.

Ông đã có nhiều bài viết kịp thời về các sáng tác của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo... Ông cũng suy nghĩ về sứ mệnh của nhà phê bình qua các bài viết về Đặng Thai Mai, Hải Triều, Hoài Thanh...

Cùng với mối quan tâm dành cho văn học hiện đại, càng về sau GS Lê Đình Kỵ càng mở rộng tầm khảo sát của mình đến văn học quá khứ của dân tộc. Có thể nói ông là một trong những nhà nghiên cứu đã có công vận dụng lý luận văn học để soi sáng vào những tác gia và tác phẩm cổ điển mà giá trị tưởng chừng đã ổn định, không cần gì phải bàn luận thêm.

Ngoài Truyện Kiều, Văn chiêu hồn và thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ông còn có những trang viết công phu về di sản lý luận của tổ tiên ta, về Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương và Tú Xương, Chiêu Anh Các và Đông Kinh Nghĩa Thục, cả về những tác phẩm văn học dân gian như Mỵ Châu - Trọng Thủy, Chử Đồng Tử, Trương Chi...

Thật ra cũng khó phân biệt rạch ròi đâu là tính chất nghiên cứu và đâu là tính chất phê bình trong sự nghiệp trước tác của GS Lê Đình Kỵ. Từ những ý kiến về thơ lãng mạn thời kỳ 1932-1945 được trình bày ở nhiều nơi, ông đã phát triển thành một chuyên khảo dày 350 trang có nhan đề Thơ Mới - những bước thăng trầm. Có thể nói đây là một thành quả mang dấu ấn rõ nét của thời kỳ đổi mới trong nghiên cứu và phê bình văn học.

Trước vị trí không thể thay thế được của Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, cuốn Thơ Mới - những bước thăng trầm đã tiếp cận thơ lãng mạn 1932-1945 từ chỗ đứng của ngày hôm nay, nhìn lại lịch sử vấn đề rất phức tạp của hiện tượng văn học này mà tìm cách “chiêu tuyết” cho nó.

Là một nhà nghiên cứu theo quan điểm Mác-xít, GS Lê Đình Kỵ luôn khẳng định bản chất xã hội của văn học, đồng thời rất coi trọng những đặc trưng của văn học, đề cao sự độc đáo của phong cách và cá tính sáng tạo nơi những bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ trong việc tái hiện đời sống và biểu hiện tâm hồn con người.

 Những bài viết của ông về Phong cách trong văn học, Tư duy hình tượng và ngôn ngữ văn học, Chân lý nghệ thuật, Nghề văn... chứng minh điều đó. Đó cũng là hướng đi mà ông trung thành trong thực tiễn phê bình.

Phê bình văn học không phải là truy bức

Từ những trang viết của GS Lê Đình Kỵ toát lên một ý tưởng chủ đạo này: để phê bình có thể tác động tích cực đến tiến trình văn học và tồn tại được với thời gian, nhà phê bình phải là người đồng hành với người sáng tác và người đọc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn học giàu tính nhân văn và đậm đà tinh thần dân tộc. Viết phê bình trước hết là để góp phần làm cho văn học đơm hoa kết trái và phát triển sinh sắc trong hi vọng, chứ không phải truy bức cho lụi tàn trong nỗi hoang mang và niềm sợ hãi.

Trong nghiên cứu, phê bình, GS Lê Đình Kỵ vốn là người thận trọng khi đánh giá những hiện tượng mới. Ông không bao giờ tán thành những biểu hiện cực đoan trong sáng tác và phê bình. Ông cũng chưa lần nào nặng lời dè bỉu làm nản chí những nỗ lực tìm tòi của các thế hệ đến sau. Đồng nghiệp và học trò nhìn thấy ở ông tấm gương của một nhà giáo, một nhà khoa học luôn thể hiện tính đòi hỏi cao trong công việc, đồng thời một tấm lòng nhân ái, bao dung đối với lớp trẻ. Ông là một trong số ít giáo sư văn học mà uy tín vượt ra khỏi phạm vi trường ốc, tiếng nói học thuật được tôn trọng và thừa nhận rộng rãi trong giới sáng tác và bạn đọc nói chung.

Giáo sư Lê Đình Kỵ ra đi, để lại một khoảng trống khó bù đắp trong giới nghiên cứu và phê bình văn học. Hình ảnh người thầy giáo khoan hòa, giản dị, đôi khi rụt rè và ngơ ngác trước cuộc đời sẽ mãi ghi khắc trong ký ức nhiều thế hệ học trò. Và những trang viết tài hoa của thầy về Truyện Kiều, Thơ Mới... chắc chắn sẽ còn được nhiều lớp độc giả tìm đọc lại.

Học hết bậc tiểu học ở một ngôi trường nhỏ cách nhà hai cây số, GS Lê Đình Kỵ ra Huế học trung học ở Trường tư thục Việt Anh và thi đậu tú tài phần thứ nhất tại đây. Sau đó, ông chuyển vào học năm cuối bậc trung học ở Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn.

Năm 1944, sau khi thi đậu tú tài phần thứ hai, GS Lê Đình Kỵ về lại Quảng Nam, khởi đầu con đường của một nhà giáo từ những lớp dạy tư ở quê nhà. Khi Nhật đảo chính Pháp, ông hoạt động trong phong trào thanh niên Phan Anh ở Quảng Nam. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia khởi nghĩa ở Hội An, làm công tác bình dân học vụ, thông tin tuyên truyền và đã có ba năm phục vụ trong quân ngũ với nhiệm vụ của một cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn.

Sau khi xuất ngũ vì lý do sức khỏe, từ năm 1952-1954 ông chuyển về dạy học ở Trường trung học Lê Khiết, một ngôi trường nổi tiếng của Liên khu 5 thời chống Pháp. Đầu năm 1955, ông tập kết ra miền Bắc, tiếp tục dạy học ở Trường cấp III Nguyễn Trãi (Hà Nội), rồi Trường cấp III Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên).

Từ năm 1958, ông được chuyển về dạy ở khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, lúc này vừa mới thành lập được hai năm. Sau khi đất nước thống nhất, ông được cử vào giảng bài tại Trường đại học Văn khoa TP.HCM và đến năm 1980 chuyển hẳn về làm việc tại trường này - nay là Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho đến ngày nghỉ hưu.

Ở cả hai trường đại học, ông đều từng là chủ nhiệm bộ môn lý luận văn học và văn học Việt Nam hiện đại.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Khoa văn học và ngôn ngữ(Trường ĐH KHXH&NV  TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp