21/04/2023 13:51 GMT+7

Giao hội đồng trường làm chức năng của cơ quan chủ quản trường đại học

Cơ quan chủ quản đang can thiệp vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy quản lý, nhân sự và đầu tư của các cơ sở giáo dục đại học.

Giao hội đồng trường làm chức năng của cơ quan chủ quản trường đại học - Ảnh 1.

TS Nguyễn Thị Mai Hoa - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - phát biểu tại hội thảo sáng nay 21-4 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Hội thảo khoa học quốc gia về tự chủ đại học do Đại học Quốc gia TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 21-4, tiếp tục có nhiều kiến nghị đẩy mạnh tự chủ đại học.

Hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, đại học khó tự chủ

Theo TS Nguyễn Thị Mai Hoa - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thực tế tự chủ đại học có nơi, có lúc được hiểu và đánh đồng với việc tự chủ về tài chính. "Các trường đại học muốn thực hiện tự chủ toàn diện sẽ phải cân nhắc, đánh đổi giữa tự chủ với việc ngừng cấp ngân sách nhà nước cho nhà trường cả về chi thường xuyên lẫn chi đầu tư", bà Hoa cho hay.

Trên thực tế, hệ thống pháp luật liên quan đến thực hiện tự chủ đại học còn có sự mâu thuẫn, chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhất là về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, tài sản.

Về nhân sự, Luật Giáo dục đại học (Luật 34) trao thẩm quyền khá rộng rãi cho cơ sở giáo dục đại học trong việc quyết định cơ cấu tổ chức; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ... Tuy nhiên, những việc trên đều phải tuân thủ theo các quy định của các luật chuyên ngành (Luật Viên chức, Luật Thi đua khen thưởng, Bộ luật Lao động…).

Về tổ chức, trường đại học được phép thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ và được coi là một đơn vị nằm trong cơ cấu tổ chức của trường đại học. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống tham nhũng lại có nhiều nội dung không cho phép các trường làm việc này.

Về tài chính, tài sản, việc đa dạng hóa nguồn thu của các trường gặp nhiều rào cản bởi các quy định pháp luật liên quan. Nhiều quy định liên quan đến quy trình, thẩm quyền quyết định trong Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu cũng khiến các trường chưa thể chủ động trong nhiều hoạt động liên quan đến mua sắm thiết bị, đầu tư công.

Giao hội đồng trường làm chức năng của cơ quan chủ quản trường đại học - Ảnh 2.

GS.TSKH Bùi Văn Ga kiến nghị cần tăng cường, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý và thực hiện đổi mới quản trị đại học - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Cần thay thế cơ quan chủ quản bằng hội đồng trường

GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng hoạt động của trường đại học chịu sự điều chỉnh của rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, không chỉ dựa vào Luật Giáo dục đại học.

"Mặc dù Luật 34 đã có rất nhiều đổi mới, giao quyền tự chủ cho nhà trường nhưng các luật khác, các văn bản quy phạm pháp luật khác không thay đổi thì các trường cũng không thể thực hiện tự chủ đúng nghĩa của nó được", ông Ga nhấn mạnh.

Điều này yêu cầu sửa đổi rất nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật Tài chính, Luật Đầu tư công, Luật Công chức, viên chức… Trong các văn bản này cần thay thế cơ quan chủ quản bằng hội đồng trường.

"Cần tăng cường, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý và thực hiện đổi mới quản trị đại học gắn với thực hiện tự chủ đại học, tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Nhà nước chuyển vai trò từ kiểm soát sang giám sát; còn ở cấp trường, Nhà nước giao các cơ sở quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình.

Trong đó, nhân tố cốt lõi để đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học là xây dựng khung pháp lý đầy đủ, thống nhất và đồng bộ để tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình", ông Ga kiến nghị.

Cần giao đồng bộ quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - đề nghị sớm sửa đổi những vấn đề còn bất cập để tạo tính thống nhất, tạo hành lang pháp lý rõ ràng.

"Cần giao đồng bộ quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học gồm tự chủ nguồn nhân lực; trong tuyển sinh và quản lý sinh viên; các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục; nghiên cứu và giảng dạy; quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của trường", bà Lan nói.


Tự chủ đại học đã có luật nhưng vướng đủ thứTự chủ đại học đã có luật nhưng vướng đủ thứ

TTO - Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức với chủ đề 'Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn' diễn ra tại Hà Nội hôm nay 27-11.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp