30/11/2019 13:58 GMT+7

Giáo hoàng Francis thăm châu Á: Giáo hội và toàn cầu hóa hẹp hòi

DANH ĐỨC (từ Bangkok)
DANH ĐỨC (từ Bangkok)

TTO - Câu chữ của Giáo hoàng Francis đủ để gợi ý tìm hiểu xem 'toàn cầu hóa dưới góc độ kinh tế hẹp hòi' là gì và đang thể hiện như thế nào.

Giáo hoàng Francis thăm châu Á: Giáo hội và toàn cầu hóa hẹp hòi - Ảnh 1.

Giáo hoàng Francis trong chuyến thăm Thái Lan tháng 11 - Ảnh: NGÔ TRẦN HẢI AN

Chuyến thăm Thái Lan của Giáo hoàng Francis (Phan-xi-cô) không chỉ là làm công việc mục tử với bầy chiên, mà còn là chuyến công du của người đứng đầu quốc gia Vatican. Thế cho nên sự xuất hiện và thông điệp của Giáo hoàng Francis cũng mang "sứ mệnh làm người" bên cạnh "sứ mệnh chủ chăn". 

Tính chất "quốc trưởng Vatican" được thể hiện đúng theo nghi thức lễ tân trong các buổi hội kiến. Đầu tiên là lễ tiếp Giáo hoàng ở tòa nhà Chính phủ Thái Lan sáng 21-11 với các lá cờ Vương quốc Thái Lan và quốc gia Vatican cùng tiếng súng đại bác danh dự. Lần đầu tiên, người ta thấy người đứng đầu một chính phủ, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, kính cẩn không bước cùng Giáo hoàng trên thảm đỏ dẫn đến bục danh dự. 

Giáo hoàng Francis ngay sau đó ngỏ ý cảm ơn điều này: "Tôi cảm ơn ngài, thưa Thủ tướng, vì sự nghinh đón và những lời giới thiệu nhân ái của ngài, cũng như cử chỉ chu đáo và khiêm tốn của ngài". Đến 5h chiều, Giáo hoàng Francis đã hội kiến Quốc vương Rama X, Maha Vajirusongkorn.

Giáo hội trong "toàn cầu hóa hẹp hòi"

Trong bài diễn văn đầu tiên trên đất Thái Lan, đọc trong nội cung Santi Maitree phía đông tòa nhà chính phủ, sáng 21-11 trước Thủ tướng, nội các Thái Lan, ngoại giao đoàn, các nhà lãnh đạo chính trị, dân sự và tôn giáo, Giáo hoàng Francis cho thấy cái nhìn của ông về các vấn đề không chỉ của Thái Lan mà còn của ASEAN: "Chúng ta biết rằng các thách thức đối với thế giới của chúng ta ngày nay thực sự là những vấn đề toàn cầu, bao trùm toàn bộ gia đình nhân loại, và kêu gọi một cam kết vững chắc đối với công lý quốc tế và tình liên đới giữa các dân tộc. 

Tôi cho rằng điều quan trọng cần lưu ý là, trong những ngày này, Thái Lan sẽ kết thúc tư cách chủ tịch ASEAN, một tổ chức nói lên cam kết lịch sử với các vấn đề và thách thức rộng lớn hơn mà các dân tộc trong toàn khu vực Đông Nam Á đang phải đối đầu và cả mối quan tâm liên tục trong việc cổ vũ sự hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa trong khu vực".

Rõ ràng, Giáo hoàng đã nhìn thấy và muốn mọi người cùng thấy "các vấn đề và thách thức rộng lớn hơn mà các dân tộc trong toàn khu vực Đông Nam Á đang phải đối đầu", mà để vượt qua không thể thiếu hai điều kiện căn bản là đảm bảo công lý quốc tế, và tình liên đới giữa các dân tộc, như một "cam kết lịch sử", làm cơ sở cho sự hợp tác chung. 

Giáo hoàng Francis thăm châu Á: Giáo hội và toàn cầu hóa hẹp hòi - Ảnh 2.

Hàng chục nghìn giáo dân chào đón Giáo hoàng trong buổi thánh lễ tại sân vận động - Ảnh: NGÔ TRẦN HẢI AN

Giáo hoàng Francis giải thích: "Thời đại của chúng ta được đánh dấu bằng một diễn trình toàn cầu hóa thường được nhìn dưới góc độ kinh tế hẹp hòi". Hậu quả là "xu hướng xóa nhòa các đặc điểm nổi bật vốn tạo nên vẻ đẹp và tâm hồn các dân tộc chúng ta".

Câu chữ của Giáo hoàng Francis chỉ chừng đó, song cũng đủ để gợi ý tìm hiểu xem "toàn cầu hóa dưới góc độ kinh tế hẹp hòi" là gì và đang thể hiện như thế nào. Cuộc chiến tranh thương mại từ hơn một năm qua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có lẽ là điều ông muốn nhắc, nhưng với tư thế của mình, không tiện nói thẳng ra.

Đối thoại liên tôn

Giáo hoàng Francis nói lên nguyện vọng của người Công giáo Thái, với chỉ 388.000 tín hữu trong tổng số 69 triệu người Thái, tức 0,58% dân số: "Bản thân tôi muốn bảo đảm với quý vị cam kết của cộng đồng Công giáo Thái Lan, tuy nhỏ bé nhưng rất sôi nổi, nhất định duy trì và phát huy các đặc điểm riêng biệt của dân tộc Thái, như được gợi nhớ trong bản quốc ca của quý vị: hòa bình và yêu thương, nhưng không hèn nhát".

Giáo hoàng cũng hoan nghênh sáng kiến của Thái Lan: "Tôi rất vui khi biết được sáng kiến của quý vị trong việc lập một ủy ban đạo đức xã hội và mời gọi các tôn giáo truyền thống của đất nước tham gia, để nhận được sự đóng góp của họ và giữ cho ký ức tinh thần của người dân luôn sống động. 

Về khía cạnh này, tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ Đức tăng thống Phật giáo, như chỉ dấu về tầm quan trọng và cấp bách của việc cổ vũ tình hữu nghị và đối thoại liên tôn, cũng để phục vụ hòa hợp xã hội và xây dựng các xã hội công bằng, nhạy bén và hòa nhập".

Đến 10h cùng ngày, Giáo hoàng Francis đến chào Đức tăng thống Thái Lan Ariyavongsagatanana IX tại ngôi chùa hoàng gia Wat Ratchabophit Sathit Maha Simaram ở Bangkok. Trong diễn văn chào mừng Giáo hoàng, Đức tăng thống nhắc lại chuyến thăm lịch sử cách đây 35 năm của Giáo hoàng John Paul II mà Đức tăng thống đã có mặt, cũng như các chuyến thăm Vatican của các quốc vương Thái Lan gặp Giáo hoàng Leo XIII vào năm 1897, Pius XI vào năm 1934, và John XIII vào năm 1960, những viện dẫn lịch sử của "tình hữu nghị sâu sắc và lâu dài", một sự đến với nhau trong tinh thần hiểu biết lẫn nhau và bình đẳng.

Về phần mình, Giáo hoàng Francis kể: "Bản thân tôi gần đây có vinh dự được chào đón một đoàn các nhà sư từ chùa Wat Pho; các vị này đã biếu tôi bản dịch một thủ bản Phật giáo cổ bằng tiếng Phạn, hiện được lưu giữ tại Thư viện Vatican. Các bước nhỏ như vậy giúp chứng minh rằng nền văn hóa gặp gỡ là điều khả hữu, không chỉ trong cộng đồng của chúng ta mà còn trong cả thế giới của chúng ta nữa, một thế giới có quá nhiều xu hướng muốn tạo ra và lan truyền xung đột và loại trừ".

Hành đạo giữa trần thế

Giáo hoàng Francis thăm châu Á: Giáo hội và toàn cầu hóa hẹp hòi - Ảnh 3.

Giáo hoàng Francis trong buổi thánh lễ - Ảnh: NGÔ TRẦN HẢI AN

Trong thánh lễ chiều tối sau đó trước khoảng 70.000 giáo dân trong hai sân vận động liền kề, Giáo hoàng Francis giờ mới vào vai "giám mục Rome". Ông điểm lại 350 năm lịch sử giáo hội Thái Lan và nhấn mạnh: "Nếu không có cuộc gặp gỡ đó, Kitô giáo sẽ thiếu đi khuôn mặt của anh chị em. Kitô giáo sẽ thiếu các bài hát và điệu nhảy miêu tả nụ cười của người Thái, rất điển hình ở vùng đất này, của anh chị em". 

Ông cũng thừa nhận một đường lối truyền giáo khác trước: "Một môn đệ truyền giáo không phải là lính đánh thuê cho đức tin hay nhà sản xuất các chương trình chiêu dụ tín đồ. Người ấy là một vị khất sĩ khiêm nhường, là người cảm nhận ra sự vắng mặt của những người anh, người chị, người em và người mẹ để chia sẻ món quà hòa giải...".

Giáo hoàng Francis thăm châu Á: Giáo hội và toàn cầu hóa hẹp hòi - Ảnh 4.

Ảnh: NGÔ TRẦN HẢI AN

Trong gia đình trần thế, có những người mà Giáo hoàng đặc biệt quan tâm, cũng đặt trong bối cảnh đặc thù là Thái Lan: "Ở đây tôi nghĩ về những trẻ em và phụ nữ là nạn nhân của mại dâm và buôn người, bị làm nhục phẩm giá cơ bản. Tôi nghĩ đến những người trẻ tuổi là nô lệ của ma túy và thiếu ý nghĩa cuộc sống khiến họ chán nản và phá hủy giấc mơ của mình. 

Tôi nghĩ đến những người di cư bị tước đoạt nhà cửa và gia đình, và rất nhiều những người khác, những người cũng có thể cảm thấy bị mồ côi, bị bỏ rơi, mất hết sức lực, ánh sáng và sự yên ủi... Tôi cũng nghĩ đến những ngư dân bị bóc lột và những người hành khất bị phớt lờ. Tất cả họ đều là một phần trong gia đình chúng ta".

Mối quan tâm này, Giáo hoàng nhắc lại với các giám mục Thái Lan và châu Á hôm hôm 22-11 tại đền thờ chân phước Nicholas Bunkerd Kitbamrung: "Các hiền huynh đang sống giữa một lục địa đa văn hóa và đa tôn giáo, với vẻ đẹp và sự phong phú tuyệt vời, nhưng đồng thời cũng gặp khó khăn bởi nghèo đói và bóc lột ở nhiều bình diện khác nhau. 

Những tiến bộ kỹ thuật nhanh chóng có thể mở ra những khả thể to lớn giúp cuộc sống dễ dàng hơn, nhưng có thể dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa tiêu thụ và duy vật chất, nhất là nơi giới trẻ. 

Các hiền huynh đã tự mang vào mình các mối quan tâm của dân tộc: tai họa của ma túy và buôn bán người, chăm sóc số lượng lớn di dân và người tị nạn, cải thiện điều kiện làm việc tồi tệ và sự bóc lột với nhiều người lao động, cũng như bất bình đẳng về kinh tế và xã hội giữa người giàu và người nghèo".

Quan hệ giữa Việt Nam và Vatican cũng đã được cải thiện nhiều từ sau Đổi mới, nhưng câu hỏi bao giờ Giáo hoàng có thể thăm Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ. Dường như mọi việc đang diễn biến theo phương châm "khẩn trương một cách chầm chậm", như lời nhà thơ Boileau trong Nghệ thuật thi ca (L’art poétique, 1740).

Đến phiên họp cấp cao lần thứ tám trong hai ngày 21 và 22-8-2019 tại Vatican, nhóm làm việc chung giữa Giáo hội La Mã và Việt Nam đã đạt thỏa thuận thiết lập đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam, trong khi chờ hướng tới đặt quan hệ ngoại giao chính thức. Đại diện thường trú vẫn là chức vụ ngoại giao thấp hơn so với chức khâm sứ, tức đại sứ Tòa thánh.

Theo lời một nhân viên của ban tổ chức ở Bangkok, khoảng 8.000 giáo dân người Việt tại Việt Nam và Thái Lan đã đến dự buổi gặp mặt Giáo hoàng mới đây, cùng một số giáo dân Malaysia và các nước khác, kín sân vận động Thephasadin 25.000 chỗ.

Giáo hoàng nói về nạn mại dâm khi hành lễ ở Thái Lan Giáo hoàng nói về nạn mại dâm khi hành lễ ở Thái Lan

TTO - Trong ngày thứ hai của chuyến thăm 4 ngày tới Thái Lan, Giáo hoàng Francis đã nói đến sự tàn phá của nạn mại dâm đối với phụ nữ và trẻ em.

DANH ĐỨC (từ Bangkok)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp