13/01/2019 09:35 GMT+7

Giáo dục về Hoàng Sa với học sinh, sinh viên

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Đối tượng để tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa không chỉ người Việt trong nước mà còn cả ở nước ngoài, nhưng chủ yếu là học sinh, sinh viên, trước hết là nhà trường ở Đà Nẵng.

Giáo dục về Hoàng Sa với học sinh, sinh viên - Ảnh 1.

Nhà trưng bày , nơi trưng bày những hiện vật lịch sử, có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Ông Bùi Văn Tiếng - chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đà Nẵng - đã nói như vậy tại hội thảo nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) tổ chức ngày 12-1.

2 tập tài liệu cho học sinh là chưa đủ

Theo ông Tiếng, nội dung giáo dục về quần đảo Hoàng Sa cần làm cho học sinh, sinh viên hiểu rõ người Việt đã xác lập và thực thi chủ quyền một cách hợp pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế với những bằng chứng có giá trị pháp lý, giá trị lịch sử.

"Phải làm cho học sinh, sinh viên Đà Nẵng hiểu rõ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1956, nhất là đã dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo này vào năm 1974 như thế nào... Đà Nẵng đã tham gia quá trình thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa liên tục như thế nào, đóng góp những gì cho cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa" - ông Tiếng nói.

Từ năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã biên soạn 2 tập tài liệu THCS, THPT nhưng chỉ có thể dựa vào quy định của Bộ GD-ĐT về giảng dạy lịch sử địa phương, phải "độn" trong nội dung chung, mà theo ông Tiếng, là "đang thiếu một hành lang pháp lý cần thiết và minh bạch mang tầm cỡ quốc gia".

"Với học sinh, sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, không phải chỉ biết cho có mà biết để hành động, biết để mà phản ứng khi nhìn thấy tấm bản đồ Tổ quốc ở đâu đó vô tình hay cố ý thiếu Hoàng Sa, Trường Sa" - ông Tiếng nhắn nhủ.

TS Trần Công Trục - nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ - cho rằng cần xây dựng huyện Hoàng Sa thành trung tâm nghiên cứu. "Phải suy nghĩ đến các giá trị hoạt động của huyện Hoàng Sa từ quản lý dân cư, xây dựng chính quyền, lấy nhà trưng bày Hoàng Sa làm viên gạch đầu tiên trong việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục" - ông Trục nói.

Giáo dục về Hoàng Sa với học sinh, sinh viên - Ảnh 2.

TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện nghiên cứu Hán Nôm - đã giới thiệu tài liệu quý về Hoàng Sa mới phát hiện tại Nhật Bản - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Thêm tài liệu mới, chứng cứ rất xác đáng

Tại hội thảo, TS Nguyễn Thanh Minh - Bộ tư lệnh cảnh sát biển - nói: "Phải khẳng định xuyên suốt rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực và trên thế giới chứng minh, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về mặt nhà nước, đúng luật pháp quốc tế".

Cũng tại hội thảo, TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện nghiên cứu Hán Nôm - giới thiệu tài liệu mới phát hiện tại Nhật Bản ghi chép và hình họa về quần đảo Hoàng Sa.

Tại kho sách Tư đạo văn khố, ĐH Keio Nhật Bản, TS Cường đã được tiếp cận các sách Hán Nôm Việt Nam với khoảng 1.500 tập sách do một giáo sư người Pháp mua và tặng lại, trong đó có Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ gồm 40 trang giấy (niên đại từ thời Lê).

So sánh giữa những ghi chép và hình họa của Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ với ghi chép trong tập bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư và một số bản đồ khác cho thấy trong đó có ghi chép về Bãi cát vàng - hay còn gọi là Hoàng Sa. "Đây là sử liệu góp phần khẳng định vị trí ngoài khơi xa của quần đảo Hoàng Sa, chứ không phải dải cát ven bờ. Đây là chứng cứ rất xác đáng" - TS Cường khẳng định.

Ông Võ Ngọc Đồng (giám đốc Sở Nội vụ - chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng):

Nghiên cứu xây dựng biểu tượng về Hoàng Sa

Thời gian qua Đà Nẵng đã rất quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục về biển đảo. Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã đưa Hoàng Sa vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương để giảng dạy; tiếp nhận, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu về Hoàng Sa; xây dựng nhà trưng bày Hoàng Sa.

UBND huyện Hoàng Sa rất mong nhận được sự đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học về việc xây dựng cột mốc, biểu tượng về Hoàng Sa để mỗi người đến với nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ được thấy những bằng chứng lịch sử mà Hoàng Sa còn là điểm hành hương về lòng yêu nước.

TS Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm):

Đóa hoa trên vương miện hoàng đế Gia Long

Sau khi tái lập triều Nguyễn, vua Gia Long đã lập đội Hoàng Sa - đội công sai chuyên trách thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ cùng nhiều bản đồ khác của phương Tây, kết hợp với Đại Nam toàn đồ đều ghi nhận Hoàng Sa thuộc sở hữu của nhà nước do hoàng đế Gia Long xác lập chủ quyền và tuyên bố sở hữu theo thông lệ quốc tế bằng 1 lá cờ, do thủy quân nhà nước thực hiện và có đồn bốt đóng trú để bảo vệ ngư dân.

"Hoàng Sa như một đóa hoa độc nhất vô nhị điểm trên vương miện của hoàng đế Gia Long - người sở hữu một lãnh thổ và lãnh hải rộng nhất trong lịch sử Việt Nam tính cho đến thời điểm đó" - Dubois de Jancigny, phái viên Pháp ở Đông Dương, đã từng phát biểu như vậy vào năm 1850.

Nhà trưng bày Hoàng Sa là điểm hành hương về lòng yêu nước

TTO - Sáng 12-1, UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo khoa học nghiên cứu và truyền thống giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn hiện nay với sự tham dự của gần 50 các chuyên gia, nhà khoa học.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp