Tham gia các tiết học ngoại khóa giúp thầy trò gắn kết với nhau hơn - Ảnh minh họa: DUYÊN PHAN
Nhìn nhận ba vấn đề trên thế nào cho đúng nhất có thể, là chủ đề của Diễn đàn chủ nhật tuần này. Trong đó, vai trò, sự quan tâm, cách xử lý của người lớn là thầy cô, cha mẹ luôn đóng vai trò quyết định. TS tâm lý Đào Lê Hòa An - chuyên gia đào tạo kỹ năng sống, Hội Tâm lý học xã hội VN - chia sẻ:
- Để đánh giá một hình phạt có phù hợp hay không cần căn cứ trên hành vi của người bị phạt, hậu quả của sự việc nhưng cũng rất cần xem xét đến đặc điểm, tính chất của người thực hiện hành vi đó. Trong vụ việc vừa qua, người nhận hình thức kỷ luật là một nam sinh 14 tuổi với những thay đổi về tâm lý như dễ bị kích thích, có suy nghĩ bốc đồng, hung hăng... khiến hành vi của học sinh này và các bạn cùng lứa tuổi dễ lệch "chuẩn đạo đức" của người lớn.
Một đặc trưng khác của lứa tuổi này chính là sự thích thể hiện bản thân, đề cao "cái tôi"... nên việc bị đọc bản kiểm điểm trước toàn trường dễ gây tổn thương. Từ đó có thể gây ra các phản ứng ngược như nghĩ ra hình thức phản đối tinh vi hơn, nguy hiểm hơn hoặc thậm chí là tự làm tổn thương chính bản thân mình.
TS tâm lý Đào Lê Hòa An - chuyên gia đào tạo kỹ năng sống, Hội Tâm lý học xã hội VN
Trẻ em thì chưa làm người lớn, nhưng người lớn đã từng trải qua giai đoạn của trẻ em. Do đó, hành động của người lớn không chỉ dứt khoát, nghiêm khắc mà còn phải hợp tình, thấu lý, phù hợp với đặc điểm của từng lứa tuổi.
TS ĐÀO LÊ HÒA AN
* Vậy như trường hợp này, nên xử phạt thế nào để vừa có tính răn đe vừa giáo dục, thưa ông?
- Trong mọi trường hợp, cần tránh tối đa hình phạt đem cá nhân ra trước tập thể. Hình thức này không những không răn đe mà còn gây những hệ lụy đáng tiếc, không chỉ với cá nhân học sinh bị phạt. Những học sinh khác cùng lứa tuổi - với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi này - có thể đem chuyện này tiếp tục rêu rao, trêu chọc, thậm chí là đặt biệt danh, cách ly... với bạn học sinh bị phạt. Do đó, nhà trường cần bàn bạc kỹ với gia đình, tốt hơn là với các chuyên viên tâm lý học đường để cân nhắc hình thức kỷ luật với mục tiêu cuối cùng là phát triển nhân cách học sinh.
Nhưng trước tiên, nhà trường cần làm cho học sinh hiểu hậu quả của hành động sai trái, định hướng cho em cách thể hiện quan điểm của bản thân, phối hợp với gia đình quan sát sự chuyển biến, cải thiện hành vi và lời nói của bản thân. Chỉ khi học sinh hiểu rõ và hiểu chính xác về cái đúng - cái sai thì chính các em sẽ có cách tự điều chỉnh cho phù hợp.
* Ông nghĩ như thế nào về tình trạng "cuồng thần tượng" trong giới trẻ VN hiện nay - nhất là những trường hợp vì thần tượng mà họ có thể phạm pháp. Trong vụ này, một số người tự xưng là fan của nhóm nhạc Hàn Quốc đã nhắn tin đe dọa gia đình nam sinh Trường Ngô Quyền...
- Chúng ta không thể trách giới trẻ, đặc biệt là đối tượng tuổi dậy thì, trong việc "cuồng" một ai đó, do chính các em cũng khó lòng "đi ngược" với sự thay đổi của cơ thể. Tuy nhiên, những người lớn (phụ huynh, giáo viên) cần định hướng cho trẻ để trẻ biết cách học theo cái hay, cái tốt, cái tích cực của thần tượng - đây mới là điều quan trọng nhất.
Thế nhưng, có thể thầy cô và nhà trường còn nhiều việc phải lo, và chính thầy cô cũng đã qua cái tuổi "cuồng nhiệt" ấy nên thường cho rằng các em làm vậy là vô bổ, và ngăn cấm, chê trách... Khi các em không còn tin tưởng cách đánh giá của thầy cô, học sinh càng dễ có những biểu hiện chống đối, cường điệu hóa hành vi của bản thân để bảo vệ thần tượng của mình. Một ví dụ cụ thể là hạ bệ, chỉ trích những "thần tượng đối lập" khác để góp phần nâng cao vị thế thần tượng của mình.
* Được biết, nam sinh trên đã lập hẳn một trang mạng để xúc phạm, lăng mạ nhóm nhạc và fan của nhóm nhạc này trong một thời gian dài mà gia đình không biết. Ông có lời khuyên nào đối với phụ huynh có con em đang học THCS, THPT trong việc dạy dỗ con cái trong thời buổi này?
- Điện thoại hay máy tính vốn là công cụ, cũng giống một con dao có thể là dụng cụ làm món ăn ngon nhưng cũng có thể trở thành vật dụng gây án. Do đó, cấm cản học sinh sử dụng thiết bị thông minh vốn đi ngược lại với xu hướng hiện nay.
Thay vào đó, gia đình và nhà trường nên đồng hành cùng các em trong quá trình này, tổ chức những buổi chuyên đề về sử dụng mạng xã hội, kết nối cha mẹ và con cái... để góp phần định hướng đúng cách sử dụng cho các em và làm phụ huynh, thầy cô hiểu được thế giới của con em mình rõ hơn.
* Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy (giáo viên môn GDCD Trường THCS Đức Trí, Q.1, TP.HCM):
Xử phạt phải có "quy trình"
Nam sinh đang học lớp 8 thì rất có thể em sẽ không biết việc xúc phạm, lăng mạ người khác trên mạng xã hội là sai, là không được làm. Rất có thể em làm việc đó như một trò vui mà thôi. Do đó, khi biết được thông tin về vụ việc thì nhà trường cần làm việc với phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tâm lý để giải thích: hành vi này là vi phạm đạo đức và có thể chịu hậu quả xấu nếu không sửa sai. Khi học sinh đã thông hiểu, nhà trường yêu cầu em gỡ những bài viết của mình, đồng thời viết một bài xin lỗi trên chính trang mạng này.
Ngoài ra, nhà trường cũng cần yêu cầu phụ huynh phải quan tâm và gần gũi con cái hơn, sâu sát hơn trong quá trình dạy con - nhất là những hoạt động của con trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên có những buổi ngoại khóa giáo dục học sinh về cách ứng xử trên mạng xã hội để tránh những vụ việc tương tự xảy ra. Như thế tức là đã có tính răn đe và giáo dục.
Nếu cộng đồng fan của ban nhạc có "tấn công" nhà trường thì ban giám hiệu cũng cần bình tĩnh để xử lý chứ không phải vội vàng kỷ luật học trò như vậy, như việc nhờ công an can thiệp. Nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục, uốn nắn chứ không phải hở tí là kỷ luật. Kỷ luật mà không xác đáng thì sẽ không có hiệu quả giáo dục.
* Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Học viện Cán bộ TP.HCM):
Mưa dầm thấm lâu
Học sinh dùng những lời không hay là không phù hợp, nhưng sẽ phải đi từ từng mức độ, phát hiện, nhắc nhở và từ nhắc nhở sẽ chấn chỉnh, cuối cùng độ nặng thì mới kỷ luật. Nhưng ở độ tuổi này có khi các em mắc lỗi mà chưa ý thức hết tính chất của sự việc nên cần giúp học sinh nhận thức hết cách ứng xử, làm thường xuyên chứ không phải nói trong ngày một ngày hai là xong.
Về kỷ luật, phải luôn đảm bảo hai mục đích: kỷ luật giúp người sai lầm nhận thức rõ hơn về sai lầm của họ, sau là mang tính răn đe. Nếu liên quan đến bạo lực học đường, liên quan đến sức khỏe, uy tín thầy cô, bạn bè thì kỷ luật công khai là đúng, nhưng trường hợp cụ thể này thì không liên quan đến hành vi trực tiếp trong trường mà liên quan đến nhóm nhạc nước ngoài và fan của nhóm nhạc đó nên kỷ luật trước toàn trường không phù hợp.
Học sinh bây giờ có ứng xử trên mạng không phù hợp, đầu tiên phải đặt câu hỏi về phía người lớn. Người lớn đã dạy cho trẻ điều này chưa, thầy cô đã bao giờ dạy cho trẻ những cách ứng xử trên mạng chưa, phụ huynh đã bao giờ quan tâm con về những ứng xử trên mạng xã hội, nếu chưa thì hãy nhận một phần trách nhiệm trong đó.
Câu chuyện fan của nhóm nhạc "phản công" trường thì có những vấn đề thuộc phạm trù của pháp luật, hãy để cho pháp luật xử lý. Câu chuyện thần tượng và ứng xử thì giáo dục cũng cần phải lưu tâm đến.
* Cô Hoàng Thị Thanh Vân (phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TP.HCM):
Phạt nhưng phải tôn trọng danh dự
Trước khi kỷ luật, hiểu được trọn vẹn lý do mới phạt và cho thời gian để nhìn nhận lỗi; phạt ngay lập tức, hơi vội sẽ không hiệu quả cao. Hơn nữa, phạt nhưng phải tôn trọng danh dự các em, đưa ra toàn trường là điều không nên. Sau khi xử lý thỏa đáng học sinh vi phạm cũng nên công khai trên trang mạng, mượn tiếng nói của đoàn thể, đại diện trường lên tiếng để vừa thông báo vừa răn đe chung.
Chuyện fan nhóm nhạc tấn công fanpage của trường cũng là việc sai hoàn toàn, chứng tỏ fan này cũng không có văn hóa ứng xử trên mạng. Nhà trường ngăn chặn việc này là đúng nhưng phải báo cáo cơ quan chức năng vì câu chuyện mang tính đe dọa. Đùng đùng xử mạnh với lý do để bảo vệ phía học sinh là chưa thấu vấn đề.
TH.THƯƠNG - H.HG. ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận