Phóng to |
Một trung tâm luyện thi của ĐH Sư Phạm TPHCM trên đường Phan Đăng Lưu (Q. Phú Nhuận) được ghi nhận như thế này trong đợt thanh tra của Bộ GDĐT năm 2003. |
Tại cuộc họp, nhiều nội dung còn vướng mắc, bất cập đã được mổ xẻ; nhiều kiến nghị lâu năm cũng được giải quyết...
Hoạt động văn hóa ngoài giờ: quản lý cách nào?
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trương Song Đức, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hiện nay trên địa bàn TP có nhiều đầu mối cấp phép mở trung tâm văn hóa ngoài giờ (luyện thi, ngoại ngữ, tin học...): Sở GD-ĐT, Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở LĐ-TB&XH, Bộ Kế hoạch - đầu tư; Hội Đoàn trung ương; các trường ĐH, CĐ công lập, dân lập...
Tình trạng không thống nhất quản lý như trên tạo kẽ hở gây nhiều hiện tượng tiêu cực, mang lại hậu quả đáng tiếc, thiệt thòi cho quyền lợi người học. Lĩnh vực liên kết đào tạo với nước ngoài, du học tự túc cũng đang bị thả lỏng. Việc cấp chứng chỉ quốc gia (ngoại ngữ, tin học) hiện không thống nhất qui trình. Sở GD-ĐT thì tổ chức cấp chứng chỉ thông qua các kỳ thi theo đúng qui định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH lại cấp chứng chỉ thông qua việc đổi các tín chỉ. Chuyện không thống nhất này gây hoang mang cho người học và gây khó khăn cho các cơ quan quản lý, tuyển dụng.
TS Hoàng Minh Luật - vụ trưởng Vụ GDTX, Bộ GD-ĐT, nhìn nhận: Ngoài 203 trung tâm văn hóa ngoài giờ do Sở GD-ĐT quản lý, TP.HCM còn có hơn 100 trung tâm do các cơ quan bộ, ngành khác quản lý.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua cũng đã xảy ra sự nhầm lẫn giữa việc cấp phép đầu tư về giáo dục và cấp phép cho hoạt động giáo dục. Một số tổ chức, cá nhân nước ngoài quan niệm rằng chỉ cần giấy phép đầu tư do ngành kế hoạch - đầu tư cấp là được triển khai các hoạt động GD-ĐT. Vì vậy đã xuất hiện một số cơ sở giáo dục do nước ngoài đầu tư hoặc liên kết đầu tư, trung tâm văn hóa ngoài giờ đi vào hoạt động khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan quản lý giáo dục.
Chất lượng giáo dục: người dân đã bớt kêu?
Ông Đức cho rằng: tồn tại chính về chuyên môn của giáo dục TP hiện nay là chất lượng dạy và học chưa đồng đều. Cách dạy từ chương, học vẹt vẫn chưa được giải quyết triệt để. Về thể chất, HS phát triển tốt nhất về chiều cao nhưng lại gia tăng các bệnh về mắt vì thói quen sử dụng màn hình điện tử và đọc truyện không đúng cách. Công cuộc đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông tại TP.HCM có sự chuyển biến rõ nét nhất về chất lượng đào tạo là đổi mới phương pháp dạy học, HS thích thú học tập, GV được chủ động sáng tạo.
Nhưng vấn đề đánh giá chất lượng - chuẩn mực và phương thức thực hiện vẫn còn những lúng túng, bất cập. Đề nghị Bộ GD-ĐT cần quan tâm hơn đến vấn đề thi cử, đánh giá để qui trình đổi mới nhà trường, đổi mới nội dung chương trình đạt hiệu quả cao và đồng bộ.
Liên quan đến chất lượng giáo dục, Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Chúng tôi lấy ý kiến của người dân làm thước đo chất lượng giáo dục. Thời gian sau này dân không còn “kêu” nhiều như trước - dĩ nhiên ở đây không thể loại trừ yếu tố dân “kêu” nhiều quá nên mệt mỏi không kêu nữa. Nhưng khách quan thì thấy trường lớp của chúng ta khang trang hơn, các cháu đi học vui hơn thì có thể hi vọng chất lượng giáo dục khá hơn.
Tuy nhiên, tôi tự thấy chất lượng giáo dục của TP chưa đáp ứng theo sự mong muốn của người dân cũng như lãnh đạo TP. TP tự thấy trách nhiệm lớn lao của mình trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng tôi sẽ đầu tư để trường ra trường, thầy ra thầy. Tôi đã từng phát biểu với lãnh đạo các quận, huyện: nếu lãnh đạo quận, huyện không lo được đất xây dựng trường học thì nên từ chức. Đó không phải hăm he mà chúng tôi sẽ làm thật”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển cũng cho rằng: TP.HCM nên nhìn ra các nước khu vực và quốc tế để phấn đấu theo định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa. Trong đó, ngoài việc xây dựng chuẩn trường lớp, chuẩn giáo viên, chuẩn chất lượng, lãnh đạo TP cũng nên quan tâm hơn nữa đến đối tượng HS nghèo và gia đình chính sách để giúp các em được học hành đến nơi đến chốn.
Chuẩn phổ cập trung học: không thể thay đổi!
Báo cáo với Bộ GD-ĐT về tình hình phổ cập giáo dục bậc trung học (PCGDBTH) , Sở GD-ĐT cho biết mục tiêu của TP.HCM đề ra cho nhiệm vụ PCGDBTH là đạt chuẩn vào năm 2010, nhưng hai đơn vị khó khăn nhất là Cần Giờ và Nhà Bè đã đăng ký đạt chuẩn trong năm 2007, vượt mức ba năm, thúc đẩy các quận huyện phấn đấu đạt chuẩn trước năm 2007.
Nhưng đó là chuẩn do TP.HCM xây dựng, tức bỏ qua hai tiêu chí quan trọng là tỉ lệ 80% trường tiểu học, 70% THCS , 80% THPT đạt chuẩn quốc gia (trong đó mặt bằng diện tích trên mỗi HS từ 6-10m2) và tỉ lệ đạt bằng nghề ba năm ở độ tuổi phổ cập là 10% rất khó có thể đạt được. Không chỉ lần này, nhiều buổi làm việc trước đây với bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng luôn kiến nghị bộ xem xét điều chỉnh chuẩn phổ cập theo hướng chuẩn của TP nêu trên.
Tuy nhiên có mặt tại hội nghị, vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trang cũng rất thẳng thắn từ chối bằng cách đưa ra những cơ sở để bộ đề ra chuẩn PCGDBTH. Theo ông, kết luận hội nghị trung ương 6, ngành đã đề ra yêu cầu đến năm 2007 tất cả trường THPT phải đạt chuẩn quốc gia, 2010 các trường tiểu học phải đạt chuẩn và 2015 tất cả trường THCS đạt chuẩn.
Chuẩn PCGDBTH cũng được xây dựng trên cơ sở nghị quyết này, không thể nói ngược lại được mà phải làm cho nghị quyết đi vào cuộc sống, bởi ngoài việc nâng cao dân trí còn phải tính đến điều kiện học. Riêng với tỉ lệ HS tốt nghiệp trường nghề, ông nhấn mạnh chủ trương của Nhà nước là phân luồng HS vào các trường nghề để tăng lực lượng công nhân lành nghề. Thế nhưng vấn đề này lâu nay chúng ta vẫn chưa làm đựơc bao nhiêu. Vì vậy đưa tiêu chuẩn này vào là yêu cầu phù hợp.
Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị từ nay đến năm 2005 nâng cấp một số trường cao đẳng lên đại học, trung học lên cao đẳng; từ 2005-2010 dự kiến nâng cấp Trường trung học Nghiệp vụ du lịch - khách sạn thành trường cao đẳng và thành lập mới một trường cao đẳng kỹ thuật nghiệp vụ trên địa bàn đô thị và Khu công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi... Ông Đỗ Xuân Thụ, vụ trưởng Vụ Tổ chức, đã làm bài toán tổng kết: “Hiện TP.HCM có 29 trường ĐH, CĐ. Chưa kể các đề án bộ nhận được, bao gồm có 15 hồ sơ kiến nghị từ nay đến 2006 xin thành lập 15 trường, trong đó nâng cấp lên cao đẳng chín trường, thành lập mới sáu trường. Còn thành lập cao đẳng thì có tám trường trung cấp xin lên và năm trường mới. Số lượng này đã vượt quá số lượng dự kiến qui hoạch các trường trên địa bàn TP gây khó khăn nhất định cho Bộ GD-ĐT trong việc xem xét thẩm định trình Thủ tướng hoặc quyết định theo thẩm quyền...”. Tuy nhiên ông cũng cho biết các vụ chức năng đã thống nhất đồng ý với đề án nâng cấp Trường cao đẳng Sư phạm TP thành Trường ĐH Đa ngành nhưng phải đến năm 2006 để có thời gian chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất... Tương tự việc nâng cấp Cao đẳng bán công Hoa Sen lên đại học cũng thực hiện trong thời gian trên. Riêng với việc nâng cấp Trường TH Kinh tế thành Cao đẳng Kinh tế và TH Kỹ thuật Lý Tự Trọng thành Cao đẳng Lý Tự Trọng được thực hiện từ năm nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận