Sinh viên New Zealand - quốc gia yên bình thứ hai thế giới, theo Chỉ số hòa bình toàn cầu 2017 - Ảnh: THANH ĐẶNG
Theo nghiên cứu toàn cầu được công bố năm 2017 của PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế - OECD khởi xướng), học sinh Israel nằm trong nhóm cuối ở hai lĩnh vực toán và khoa học.
Thông tin này khiến nhiều người sửng sốt vì "thương hiệu" Israel vốn vang danh hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp, trí tuệ, sự cải tiến… Thực chất, theo tìm hiểu của ông Andreas Schleicher (giám đốc mảng giáo dục và kỹ năng ở OECD) thì Israel không hẳn có nhiều người tài hơn những quốc gia khác, điểm khác biệt có chăng là cách Israel giáo dục con người từ nhỏ.
Một trong những điểm chính ở văn hóa Israel là luôn khuyến khích những suy nghĩ, câu hỏi mới mẻ, vượt ra khỏi những giới hạn thông thường. Họ chấp nhận thất bại ở trẻ và không quan trọng điểm số
Ông ANDREAS SCHLEICHER
Là một người có nhiều nghiên cứu về giáo dục Do Thái, thạc sĩ Nguyễn Đăng Quang (giám đốc điều hành học viện Michael Academy) cho biết khác với những quốc gia khác, nền giáo dục ở Israel lấy giáo dục sự khôn ngoan làm nền tảng thay vì tập trung vào giáo dục kiến thức (học vấn), dạy trẻ nhiều về sự trải nghiệm thay vì chỉ tiếp thu (nghe/nhìn/ đọc) bài giảng, giáo dục sự trải nghiệm thông qua các tình huống nghịch cảnh (không thuận lợi).
"Cụ thể, họ tập trung dạy trẻ 5 cấp độ khôn ngoan: tư duy sắc bén và sáng suốt, tư duy tích cực và sáng tạo, không sợ hãi và tự tin vào bản thân khi đối mặt với nghịch cảnh, năng lực xác định mục tiêu và ra quyết định chính xác, khả năng hành động hiệu quả và đạt kết quả cuối cùng" - anh Quang phân tích.
Chính điều này khiến trẻ sớm ý thức về hệ quả của điều mình làm cũng như sống có mục tiêu, lý tưởng rõ ràng, điều ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của trẻ khi lớn lên.
Những ai có dịp đến các quốc gia Bắc Âu ắt hẳn không khỏi ngạc nhiên với niềm tin mãnh liệt vào tính hướng thiện của người dân tại đây.
Còn nhớ những lần đến các vườn táo - là "đặc sản" của thành phố Stockholm, Thụy Điển - người viết không khỏi bất ngờ vì những vườn táo đều không có bảo vệ hay người theo dõi, còn khu vực tính tiền thì lại ở rất xa. "Chúng tôi tin bạn" - một người dân ở đó cho biết.
Nâng niu cảm xúc từ nhỏ
Giáo dục nhân cách ở trẻ từ sớm cũng là điểm chung của giáo dục New Zealand - quốc gia yên bình thứ hai thế giới, theo Chỉ số hòa bình toàn cầu 2017.
Trong một chia sẻ gần đây với người viết, tiến sĩ Đinh Thị Đoan Hương (trưởng khoa giáo dục mầm non ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) cho biết xã hội New Zealand không coi trường mầm non đơn thuần là nơi giữ trẻ.
"Họ nhận thức rất rõ từ 0 đến 6 là độ tuổi quan trọng ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành ý thức, nhân cách của trẻ con. Trẻ được tôn trọng và học cách tôn trọng người khác lẫn thiên nhiên xung quanh mình. Việc trẻ đã thuộc được bảng chữ cái hay chưa không quan trọng bằng trẻ có hạnh phúc, tự học được những gì?" - tiến sĩ Hương nói.
Chị Hương nhớ mãi câu chuyện về cái chết của chú cá Peter trong lớp của con mình khi gia đình còn sống ở New Zealand. Thời điểm đó con trai chị mới 4 tuổi nhưng giáo viên đã dành thời gian chia sẻ cảm xúc với cả lớp, sau đó bàn bạc nên chôn cá ở đâu, chọn bạn cá khác cho bạn cá còn lại trong bể như thế nào…
Và giáo viên cũng không quên email cho phụ huynh với mong muốn gia đình có thể chia sẻ cảm xúc cùng các bé.
Một trong những "điểm cộng" khác trong việc giáo dục thanh thiếu niên hiệu quả của quốc gia xếp hạng 1 "Chỉ số chuẩn bị cho tương lai" công bố năm 2017 (theo Economist Intelligence Unit) có thể kể đến là tạo điều kiện để mọi người có thể học tập suốt đời.
Hầu hết các trường ĐH tại New Zealand đều xây dựng trung tâm học tập suốt đời, hướng đến những người cao tuổi vẫn còn khát khao học tập hay những người lầm lỡ bước ra từ song sắt muốn gầy dựng lại cuộc đời.
Chung tay hỗ trợ hơn là trừng phạt
Các nhà tù tại những quốc gia Bắc Âu liên tục đóng cửa... vì thiếu tù nhân! Có đáng băn khoăn không khi cơ sở vật chất tại nhà tù các quốc gia trên được xếp loại "rất tiện nghi" với đầy đủ phòng coi tivi, khu tắm nắng, chơi thể thao, trong khi thời tiết bên ngoài luôn khắc nghiệt, mức sống cao chót vót mà tỉ lệ tội phạm luôn ở mức rất thấp?
Ở Bắc Âu, tù nhân hay thanh thiếu niên hư hỏng thường không bị coi là tội phạm, buộc phải chịu sự trừng phạt, mà là đối tượng cần sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ từ xã hội.
"Tôi không nghĩ nếu chúng ta có xuất phát điểm như họ thì chúng ta sẽ khác họ. Có thể họ lầm lỗi vì gia đình, nhà trường đã không sát cánh từ nhỏ" - ông Charlie, một người dân ở thành phố Stockholm (Thụy Điển), giải thích về quyết định nhận một phạm nhân được đặc xá vào làm việc tại cửa hàng của mình.
Báo Tuổi Trẻ Online tổ chức diễn đàn "Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ, cách nào?". Mọi chia sẻ, ý kiến, giải pháp sống đẹp theo góc nhìn của bạn xin vui lòng gửi về email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận