20/11/2018 16:50 GMT+7

Giáo dục STEM cho trẻ nhỏ tốt nhất nên ở độ tuổi nào?

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

STEM được viết tắt từ các từ science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật) và maths (toán học) tuy đã khá phổ biến ở các nước phát triển.

Giáo dục STEM cho trẻ nhỏ tốt nhất nên ở độ tuổi nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: risdonpkps.sa.edu.au

Phương pháp giáo dục STEM là gì? Nên áp dụng giáo dục STEM cho học sinh từ độ tuổi nào? Thế nào là chương trình STEM hiệu quả?... là những vấn đề được các chuyên gia đặt ra tại Hội thảo quốc tế STEM – Nền tảng vững chắc cho học sinh trong kỷ nguyên số, vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 18/11.

Giáo dục STEM không quá xa vời

STEM được viết tắt từ các từ science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật) và maths (toán học) tuy đã khá phổ biến ở các nước phát triển nhưng vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Hiện phương pháp này còn bổ sung thêm môn nghệ thuật (art) với tên gọi STEAM.

Giáo dục STEM là phương pháp giáo dục nhằm trang bị cho người học các kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học theo cách tiếp cận liên môn thay vì tách biệt từng môn rời rạc, với tính ứng dụng cao người học có thể vận dụng giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Đại học Thủ đô, giáo dục STEM đã được biết đến ở Việt Nam nhưng vẫn còn trong phạm vi hẹp và nhiều người vẫn nghĩ đó là chương trình giáo dục cao và xa vời.

"Tuy nhiên, STEM có thể hiểu đơn giản là việc dạy cho trẻ biết bản chất của sự vật, hiện tượng, theo từng mức độ nhận thức của trẻ, với hình thức dạy trực quan, sinh động, có tính tương tác cao. Ví dụ như việc dạy về sự sinh trưởng của cây thì sẽ cho học sinh tự làm các thí nghiệm liên quan từ việc gieo hạt, trồng cây… Vì thế, STEM rất gần gũi và có nhiều cấp độ mà chính phụ huynh cũng có thể áp dụng được cho con mình", bà Hạnh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lee Chung Kook, Phó chủ tịch Hiệp hội Olympiad Toán học thế giới WMO, nhà sáng lập CMS Edu (Hàn Quốc) cho biết, STEM gồm 5 lĩnh vực khoa học, nhưng mỗi lĩnh vực lại gồm rất nhiều yếu tố. Theo đó, việc tích hợp trong giảng dạy STEM là vô hạn và vì thế vô cùng đa dạng về phương thức, mức độ.

Dạy STEM tốt nhất từ mẫu giáo

Vấn đề được nhiều người đặt ra là khi nào nên bắt đầu dạy trẻ bằng phương pháp STEM? Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Diana Wehrell – Grabowski, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Giáo dục Mobile Science cho rằng, độ tuổi lý tưởng nhất để bắt đầu dạy STEM là ở lứa tuổi mầm non.

Các nghiên cứu của Hiệp hội Giáo viên Khoa học Quốc gia Mỹ cho thấy trẻ nhỏ học thông qua các khám phá chủ động và sự thúc đẩy về quan sát, tương tác, khám phá và phát hiện là vốn có trong sự phát triển của trẻ.

"Trẻ con luôn tò mò nên các em là những nhà khoa học bẩm sinh. Vì thế, học STEM tốt nhất từ lứa tuổi mầm non và nhà giáo phải hiểu điều này để có phương pháp giáo dục phù hợp", tiến sĩ Diana nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lee Chung Kook cho biết giáo viên cần đặc biệt chú ý đến sự hứng thú của học sinh trong giảng dạy. Trẻ em chỉ hứng thú với với những thứ các em quan tâm. Nếu dạy các bé những điều các bé không quan tâm thì sẽ khó đạt hiệu quả như kỳ vọng. Trong khi đó, giáo dục STEM lại rất có lợi thế trong việc tạo sự hứng thú cho học sinh khi các em học sinh khi bài giảng không phải chỉ là những kiến thức đơn điệu mà luôn có sự kết hợp liên môn, gắn với thực hành, trải nghiệm thực tế, làm việc nhóm.

Thế nào là bài giảng STEM hiệu quả?

Với 30 năm nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt về STEM, tiến sĩ Diana cho hay chương trình STEM có chất lượng phải đảm bảo lồng ghép nhiều nội dung, giúp học sinh phát triển được bốn yếu tố: Sáng tạo đổi mới; tư duy phản biện; hợp tác; truyền thông và giao tiếp.

Trong quá trình học, học sinh phải làm chủ việc hình thành sản phẩm, giáo viên chỉ là người quan sát, hướng dẫn khi cần trợ giúp. Khi đó, trẻ sẽ phát huy được sự chủ động, sáng tạo và biết cách giao tiếp để kết hợp với bạn hoàn thành nhiệm vụ, tự rút ra được những tri thức cần thiết.

"Khi học STEM, giáo viên và học sinh đều phải có sự hào hứng, sự yêu thích trong đó. Đó phải là hành trình trải nghiệm của học sinh chứ không phải đích đến. Giáo viên phải quan tâm đến điều này để mỗi bài học là cơ hội cho học sinh học hỏi", tiến sĩ Diana nói.

Bà cũng lưu ý các phụ huynh và giáo viên khi dạy không nên lạm dụng các phương tiện công nghệ như tivi, máy chiếu, điện thoại mà nên cố gắng thay bằng hình ảnh trực quan. Các nghiên cứu đều chỉ ra sử dụng nhiều các thiết bị điện tử là không tốt cho sự phát triển của trẻ. Ví dụ, thay vì mở máy tính cho trẻ xem quá trình bay phát tán của hạt thì có thể mô phỏng bằng cách gấp giấy thành hình chong chóng và chỉ cho trẻ thấy khi thả xuống, chong chóng bay theo hình xoắn xuống. Đó cũng là cách mà các hạt phát tán nhờ gió.

Bà Diana cho biết, hiện Ấn Độ và NewZealand là những quốc gia sử dụng STEM hiệu quả nhất trên thế giới.

"Trong vài ngày qua, tôi cũng đã có dịp quan sát một số trường ở Việt Nam và tôi thấy giáo dục cũng đã có sự thay đổi quan trọng trong lớp học khi học sinh đã trở thành trọng tâm thay vì giáo viên như trước đây. Tôi mong các bạn hãy tiếp tục thay đổi, sử dụng giáo dục STEM trong dạy và học, không chỉ ở trường mà cả ở nhà để giúp trẻ phát triển", tiến sĩ Diana nói./.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp